Từ kết quả chọn SGK cho thấy, khâu chọn sách từ cấp trường tới tỉnh diễn ra minh bạch, khoa học, dân chủ để hướng tới bộ SGK phù hợp, tốt nhất cho HS học tập.
Lựa chọn đa dạng
Có thể thấy, cả 6 bộ SGK lớp 2 và lớp 6 mới đều có đầu sách được lựa chọn dù theo tỉ lệ khác nhau. Ở bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” lớp 2 của NXB Giáo dục Việt Nam có 6/9 đầu sách môn học được chọn; sách lớp 6 có 10/12 đầu sách được chọn.
Bộ “Cánh diều” lớp 2 của NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 5/9 đầu sách được chọn; tỉ lệ này ở SGK lớp 6 là 7/12 đầu sách được chọn.
Với bộ “Chân trời sáng tạo” lớp 2 của NXB Giáo dục Việt Nam có 3/9 đầu sách đươc chọn; lớp 6 là 3/12 đầu sách được chọn.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Lào Cai khẳng định: Việc chọn SGK của tỉnh Lào Cai thực hiện theo đúng quy trình, thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 100% các cơ sở giáo dục đã cho GV đọc, nghiên cứu SGK mẫu nhiều lần ở tất cả môn học trong từng bộ sách...
Đáng nói, năm nay các NXB đã gửi cả bản cứng và bản mềm giúp cho việc nghiên cứu, chọn SGK của GV thêm phần hiệu quả. GV có thể xem hình ảnh cả trên mạng lẫn trực tiếp, được “mắt ngắm, tay cầm” mẫu SGK nên việc lựa chọn có thông tin, sự đối chiếu, so sánh, căn cứ thực tế…
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thúy, năm nay SGK lớp 2, lớp 6 mỗi lớp chỉ có 3 đầu sách/1 môn, GV từng cơ sở giáo dục có thời gian và nghiên cứu kĩ càng từng đầu sách các môn học rồi mới đề xuất lựa chọn.
Sau khi SGK được hội đồng trường chọn, Hội đồng cấp tỉnh tiếp tục đọc thẩm định độc lập, rồi mới tham khảo đề xuất cơ sở. Như vậy việc chọn SGK sẽ có sự phân tích được và chưa được, ý kiến đánh giá 2 chiều là GV và thành viên hội đồng chọn sách cấp tỉnh. Và cuối cùng danh mục SGK được chọn trải qua vòng bỏ phiếu theo đúng quy trình.
Đáng chú ý, cơ sở giáo dục đề xuất cuốn SGK nào, hội đồng thẩm định cấp tỉnh phải nghiên cứu, phân tích và bỏ phiếu lựa chọn cuốn đó. Việc lựa chọn SGK diễn ra độc lập, dân chủ, tôn trọng ý kiến từ cơ sở. Vì vậy, năm nay danh mục lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 của tỉnh thông qua cơ bản đáp ứng yêu cầu các trường.
Với cơ sở giáo dục lựa chọn sách không nằm trong danh mục UBND tỉnh phê duyệt, sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn đăng ký lại một trong những cuốn sách nằm trong danh mục tỉnh đã chọn.
Từ danh mục chọn SGK tỉnh Lào Cai cũng cho thấy, ở năm đầu triển khai CTGDPT 2018, Lào Cai là địa phương 100% không chọn bộ Cánh diều năm nay, nhiều đầu sách trong bộ SGK Cánh diều được chọn. Trong đó có cả môn chính như Toán 2 tập 1, 2; Toán 6 tập 1, 2; Tiếng Việt 6 tập 1, 2 và một số môn học khác.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thúy cho rằng: Bộ SGK Cánh diều 1 trải qua 1 năm giảng dạy tại các tỉnh thành đã phát huy hiệu quả giáo dục. Việc khai thác bài giảng điện tử của sách thuận tiện, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học cũng được thiết kế phù hợp… Những ưu thế này khiến nhiều trường đề xuất lựa chọn.
Sẵn sàng triển khai SGK mới
Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai cho rằng: Rút kinh nghiệm từ năm trước, các bước được thực hiện đúng quy trình. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm giải trình về quyết định và kết quả đề xuất lựa chọn SGK của trường.
Cùng đó, ngoài các tiêu chí theo Quyết định số 751 của UBND tỉnh, Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai đã chỉ đạo hội đồng lựa chọn SGK các trường lưu ý điều kiện thực tế khi lựa chọn. Ví như giá sách phù hợp với điều kiện phụ huynh, HS vùng khó khăn. Nhà trường lưu ý sự thuận lợi trong việc trao đổi, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm thi đua, vành đai trường; dễ sử dụng trong tập huấn cho GV và HS; có sự kế thừa các tài liệu dạy học năm 2020 - 2021; tài liệu bảo đảm tính hệ thống hỗ trợ GV trong giảng dạy…
Thầy Dương Xuân Chính - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa (Sa Pa – Lào Cai) cho biết: GV của trường đề xuất các đầu sách trong cả 3 bộ SGK được tỉnh phê duyệt, trong đó một số môn của bộ Cánh diều lần đầu lựa chọn (Tiếng Việt tập 1, 2 và một số môn khác). Sở dĩ chọn Cánh diều vì học liệu điện tử khá phong phú, đầy đủ. Như vậy sẽ hỗ trợ tích cực GV trong dạy học...” - thầy Chính chia sẻ.
Năm học 2021 - 2022, trường có 220 HS lớp 2/7 lớp. Sau khi có SGK, nhà trường sẽ cho GV dạy thử nghiệm ngay lập tức để cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng bài giảng... trước khi bước vào năm học.
Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) cũng thông tin: Việc tổ chức cho GV nhận xét và chọn SGK kĩ càng từ cấp trường giúp quá trình dạy học thêm chủ động. Ngoài ra trong công tác phân công GV dạy lớp 2 của trường cũng theo hướng phát huy thế mạnh, sở trường GV, không gò bó thúc ép. GV được phân công bảo đảm đúng người đúng việc. “Nếu không làm tốt khâu lựa chọn GV có thể ảnh hưởng tới kết quả học tập 1 lứa học trò…” – thầy Nguyễn Văn Lục bày tỏ.
Theo cô Trần Thị Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (thành phố Lào Cai – Lào Cai), danh mục SGK lớp 2, lớp 6 được tỉnh phê duyệt bao hàm được lựa chọn SGK của các nhà trường đã chứng tỏ sự tôn trọng ý kiến từ cơ sở cũng như sự “ăn khớp” về mặt khoa học giữa hội đồng cấp trường và cấp tỉnh khi chọn sách. Điều đó sẽ tạo thuận lợi, động lực để GV yên tâm, chủ động và phát huy năng lực trong hoạt động dạy học.