Thành lập 20 hội đồng lựa chọn SGK
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa năm 2021.
Theo đó, đối với lớp 2, Hà Tĩnh lập 9 Hội đồng chọn SGK ở 8 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm. Riêng lớp 6 có 11 Hội đồng chọn SGK ở 10 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm.
Mỗi hội đồng có 15 thành viên. Trong đó Q. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng. Phó Chủ tịch hội đồng là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. Thư ký là trưởng phòng, chuyên viên Phòng GD&ĐT của Sở. 12 ủy viên là chuyên viên các Phòng giáo dục và giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thành lập hội đồng quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hoạt động của hội đồng, xây dựng và tổ chức thưc hiện kế hoạch hoạt động. Chủ tịch phải phân công nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch hội đồng, thư ký hội đồng và các ủy viên hội đồng. Chủ tịch còn có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị UBND TP xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình lựa chọn SGK.
Hội đồng lựa chọn SGK tổ chức họp, thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục các trường đã lựa chọn, bỏ phiếu kín chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. Trong đó, sách được chọn phải đảm bảo đạt 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có SGK nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp phải đảm bảo đủ các thành viên theo quy định, kết quả của mỗi cuộc họp được lập biên bản trong đó bao gồm đầy đủ ý kiến của các thành viên, có chữ ký và công khai tại hội đồng.
Hội đồng tổng hợp đề xuất danh mục SGK để sử dụng trong các trường học thành biên bản, có chữ ký của các thành viên và chuyển giao cho Sở GD&ĐT. Ngoài ra, hội đồng còn xem xét và quyết định việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 dựa trên báo cáo tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung của các nhà trường...
Dự kiến, đầu tháng 5, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ công bố danh mục SGK sử dụng cho năm học 2021-2022. Đồng thời, công bố công khai trên các trang thông tin điện tử
Đề xuất sách phù hợp nhất với trường
Bà Trần Thị Dung Huế - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Đài (huyện Thạch Hà) cho biết: "Trường chúng tôi đã tiến hành cho các giáo viên đọc, nghiên cứu rồi thảo luận, nhận xét về các bộ SGK lớp 2, đồng thời đã có văn bản báo cáo gửi về phòng GD&ĐT”.
“Nhìn chung, mỗi bộ SGK đều có ưu và khuyết điểm khác nhau. Chúng tôi đề xuất chọn bộ Cánh Diều vì thấy nội dung SGK này có những hình ảnh, câu, từ, ngữ cảnh... gần gũi với học sinh và phù hợp với giáo viên giảng dạy” – bà Huế cho hay.
Cô Nguyễn Thu Th. – giáo viên môn ngữ Văn, Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh) nhận định: "Cả ba đầu sách môn ngữ văn lớp 6 thuộc bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống đều có những điểm nổi trội khác nhau. Sách ngữ văn Chân trời sáng tạo có điểm nổi bật là viết theo chủ điểm, thể hiện tính "mở" khá rõ ràng và kết nối văn chương với cuộc sống.
"Tôi nghĩ nếu Hà Tĩnh chọn sách này thì giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực - phẩm chất của học sinh” - cô Th. nhấn mạnh.
Còn cô Nguyễn Thanh B. – giáo viên ngữ Văn, Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) có nhận định riêng: “Bản thân tôi khi nghiên cứu 3 bộ sách thì thấy bộ Cánh Diều rất đặc thù, dễ soạn giáo án, hình ảnh minh họa rõ nét, phù hợp cho giáo viên khi đứng lớp và truyền đạt bài giảng”.
Giáo viên này nói thêm: "Sách ngữ văn 6 thuộc bộ Cánh diều có ưu điểm là biên soạn theo thể loại văn kể - miêu tả, văn nghị luận, văn thuyết minh... Nội dung sách có vẻ như kế thừa khá nhiều nội dung bộ SGK ngữ văn hiện hành. Vì vậy, nó có cảm giác quen thuộc và dễ chịu. Tôi cho rằng điều quan trọng khi chọn sách là hội đồng đưa tiêu chí nào lên đầu tiên mà thôi" .