Không chủ quan, lơ là trong bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo

GD&TĐ - Công tác tuyển dụng, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo được ngành GD-ĐT Đắk Lắk đặc biệt quan tâm.

Đội ngũ giáo viên Đắk Lắk tập trung nghiên cứu các chuyên đề bồi dưỡng, tập huấn.
Đội ngũ giáo viên Đắk Lắk tập trung nghiên cứu các chuyên đề bồi dưỡng, tập huấn.

Không chủ quan

TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã triển khai đồng bộ các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên phổ thông trong dịp hè 2023. “Mục đích của khóa bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL, giáo viên theo Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018”, TS Hiệp nói.

Theo đó, sở GD&ĐT đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng 14 chuyên đề ở các môn học và lĩnh vực giáo dục. Với chuyên đề mới, sở chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu để thầy cô nắm chắc, hiểu rõ bản chất vấn đề trước khi triển khai tại đơn vị, trường học. Cụ thể, thực hiện Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk lớp 8;

Phương pháp tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; Giáo dục tích hợp quyền con người… đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc, hiểu rõ bản chất vấn đề mới triển khai hiệu quả.

Bên cạnh đó là các chuyên đề, xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn trong nhà trường/trung tâm; Xây dựng bài học/chủ đề STEM cấp trung học. Phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn và sơ cấp cứu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh.

Năng lực điều hướng dạy học môn Tiếng Anh cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Hướng dẫn xây dựng thư viện chuẩn quốc gia và sử dụng phần mềm thư viện VietBiblio cấp THPT... là những chuyên đề đòi hỏi đội ngũ báo cáo viên và học viên nghiên cứu sâu về tài liệu và phương pháp tiếp cận.

“Chúng tôi xem đây là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn sâu rộng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT tỉnh. Dù là việc làm thường xuyên, nhưng không chủ quan, lơ là. Các lớp tập huấn được triển khai khoa học, nghiêm túc, bảo đảm yêu cầu về thời gian, nội dung chương trình.

Báo cáo viên và học viên phải tuân thủ đầy đủ quy định, bảo đảm tập huấn xong có thay đổi trong nhận thức và hành động thông qua sản phẩm mà học viên báo cáo cuối đợt”, lãnh đạo sở GD&ĐT chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Vững vàng tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ

Theo bà Krông Ái Hương Lan, Phó Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, bồi dưỡng, tập huấn sẽ giúp thầy cô linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch dạy học sát với thực tế.

“Tùy vào điều kiện thực tế mỗi trường, kinh tế - xã hội của địa phương, trình độ của học sinh, chúng ta sẽ thêm “gia vị”, giống như mặc áo mới cho kế hoạch tổng thể. Bởi hơn ai hết, các thầy cô mới hiểu học sinh của mình cần gì, nhà trường có những gì. Từ đó, áp dụng vào thực tế dạy học, giáo dục một cách hiệu quả”, bà Hương Lan chia sẻ.

Được Sở GD&ĐT “chọn mặt gửi vàng” làm báo cáo viên một chuyên đề, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) cho rằng, qua đợt bồi dưỡng, tập huấn, giúp CBQL, giáo viên vững vàng tâm thế bước vào năm học 2023 - 2024.

“Ngoài tìm hiểu về phương pháp tổ chức kiểm tra, đánh giá theo năng lực, học viên cùng xây dựng, thảo luận, góp ý chỉnh sửa để hoàn thiện kế hoạch giáo dục hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhà trường theo Công văn 5512. Xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá theo phẩm chất năng lực học sinh. Qua đó, giúp giáo viên tự tin chào đón năm học mới”, cô Ngọc Anh cho biết thêm.

Theo cô Nguyễn Đình Mỹ Giang - bộ môn Ngữ văn (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, thường xuyên rất quan trọng.

“Sau tập huấn, chúng tôi nắm chắc quy trình đánh giá với mục đích, kế hoạch, công cụ, phương pháp rõ ràng, phù hợp với từng nhóm học sinh. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề thực tiễn vì sự tiến bộ của người học so với chính họ”, cô Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các em học sinh tại Quảng Bình luôn hứng thú với những tiết học tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp.

Xuất phát từ lợi ích của học sinh

GD&TĐ - Nhiều trường học tại tỉnh Quảng Bình đã liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài đứng lớp.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...