Đắk Lắk gỡ khó trong tuyển sinh lớp 10

GD&TĐ - Nhu cầu học THPT tăng so với trước, trong khi số trường lớp, biên chế giáo viên cấp THPT không tăng khiến áp lực tuyển sinh lớp 10 gặp khó.

Phân luồng sau THCS góp phần giảm áp lực tuyển sinh lớp 10 THPT (ảnh: TT).
Phân luồng sau THCS góp phần giảm áp lực tuyển sinh lớp 10 THPT (ảnh: TT).

Bảo đảm chủ trương phân luồng sau THCS

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, kết thúc năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 29.702 em tốt nghiệp THCS (năm học trước là 28.421 em). Các trường THPT cả công lập và tư thục đã tuyển 23.087 em vào lớp 10 năm học 2023-2024, đạt tỉ lệ: 77,73%.

“Chúng tôi có 60 trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp THPT đã tuyển sinh năm học 2023-2024 bảo đảm đúng chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao. Số chỉ tiêu tuyển sinh cũng bảo đảm yêu cầu của tỉnh về kế hoạch thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2019-2025”, lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin.

Theo số liệu tổng hợp, ngoài số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT, số còn lại sẽ phân luồng theo học nghề và học văn hóa.

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng: “Năm học trước, cấp THPT đã tuyển sinh lớp 10 đạt tỷ lệ 92,19%. Trong đó, 22.860 (80,43%) học ở các trường THPT, 3.341 (11,76%) học ở các Trung tâm GDNN-GDTX và học nghề. Năm học này, chúng tôi đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS nhằm bảo đảm yêu cầu chỉ tiêu tuyển sinh mà UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, đến nay đã có hơn 77% học sinh vào thẳng lớp 10 các trường THPT. Sau khi các Trung tâm GDNN-GDTX và các trường cao đẳng, trung cấp tuyển xong, sẽ còn khoảng hơn 2 ngàn học sinh chưa nằm trong chỉ tiêu”.

Để giải quyết bài toán này, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính cân đối bố trí thêm kinh phí và cho chủ trương các Trung tâm GDNN-GDTX mở thêm lớp và hợp đồng giáo viên THPT trên địa bàn để giảng dạy và chi trả theo tiết.

Lựa chọn nghề nghiệp luôn được học sinh, gia đình quan tâm (ảnh: tư liệu).

Lựa chọn nghề nghiệp luôn được học sinh, gia đình quan tâm (ảnh: tư liệu).

Các trung tâm sẵn sàng tăng chỉ tiêu đón học sinh

Theo ông Hà Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột, học nghề cũng là xu thế, nhưng ở một số địa phương các em chưa có đầy đủ thông tin để tự tin theo học nghề, học văn hóa.

“Cái khó nhất của Trung tâm là biên chế giáo viên. Hiện nay, Trung tâm chỉ có 12 giáo viên, khi triển khai dạy học, chúng tôi sẽ hợp đồng giáo viên các trường THPT. Chúng tôi sẵn sàng nhận học sinh khi các em đến nộp hồ sơ cho đến khi đủ chỉ tiêu, không kể địa phương nào” - ông Anh nói.

Theo ông Anh, năm học 2023-2024, Trung tâm sẽ mở 6 lớp với 270 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến ngày 9/8, đơn vị này mới chỉ nhận chưa tới 150 hồ sơ.

Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột (ảnh: TT).

Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột (ảnh: TT).

Còn theo ông Lê Nguyên Trường - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Ea Kar, cái khó là việc định hướng từ các trường THCS trong phân luồng học sinh. Như đơn vị ông, năm nay số học sinh đăng ký tăng vọt.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Trường, ông Anh cho rằng, nguồn tuyển sinh của Trung tâm là không ổn định, nên định mức giáo viên phải tính theo môn học chứ không thể theo đầu học sinh.

“Trung tâm có 12 biên chế giáo viên, có 9 lớp học cấp THPT. Năm học 2023-2024 hiện đã tuyển được hơn 200 hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu huyện giao là 90. Thực tế, số học sinh dư sau tuyển sinh các trường THPT khoảng hơn 400 em”, ông Trường nói.

“Thực tế, một số em cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chương trình THPT dẫn đến nguy cơ bỏ học cao. Hằng năm, đơn vị có từ 20 - 30% học sinh hệ THPT bỏ học vì bị ‘ngợp’, không theo kịp chương trình. Vì thế, việc định hướng để các em học nghề là việc cấp thiết của các trường THCS và gia đình”, ông Trường nói thêm.

Theo thống kê, trong số 6.615 em không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT tại Đắk Lắk, sẽ có 3.685 em nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ GDTX của các Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố và các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ