Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non, tiểu học. Thậm chí, nhiều điểm trường phải học nhờ, học tạm ở hội trường thôn, buôn. Điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn, bất tiện nhất khi một số điểm không có nhà vệ sinh.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk, những khó khăn trên cùng với việc thiếu hàng ngàn giáo viên vẫn tiếp tục là bài toán nan giải cho toàn ngành trong năm học 2023-2024.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học - Ảnh: Thành Tâm. |
"Trong năm học 2023-2024, các trường học ở cấp mầm non, tiểu học vẫn phải duy trì điểm lẻ để giúp trẻ mầm non và học sinh thuận lợi khi đi học. Có trường chỉ 1-2 điểm, nhưng có trường đến gần chục điểm. Chính vì vậy, triển khai dạy học, giáo dục cần phải được nhà trường, thầy cô giáo xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ ràng, sát với thực tiễn. Quan trọng nhất là phải nắm chắc, hiểu rõ học sinh của mình đang thiếu gì, cần gì... Từ đó, có phương pháp tổ chức dạy học, giáo dục hiệu quả", ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, toàn tỉnh sẽ phấn đấu nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp, đặc biệt việc huy động trẻ nhà trẻ ra lớp. Hiện, tỷ lệ này còn thấp so với mặt bằng chung của toàn quốc. Trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh tỷ lệ huy động đạt 16,5%, trong khi toàn quốc là 32,1%.
Thiếu giáo viên cũng là một bài toán khó cho các nhà trường trong triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 - Ảnh: Thành Tâm. |
Đối với cấp tiểu học, Sở sẽ hướng dẫn các phương án bố trí giáo viên để giảng dạy phù hợp thực tế.
"Bên cạnh việc tham mưu tuyển dụng giáo viên, tăng cường mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, các trường học phải cân đối, đồng bộ các giải pháp trong bố trí giáo viên ở cấp tiểu học. Đặc biệt là tổ chức dạy học môn tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4", ông Khoa nhấn mạnh.