Đầu tư thiết bị, nâng cấp đường truyền
Nguyễn Như Bình - học sinh lớp 11D, Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) là F1 nên chuyển sang học trực tuyến song song với các bạn học trực tiếp ở trường. Như Bình cho hay: Tiết học được giáo viên “truyền hình trực tiếp” qua phần mềm Zoom nên việc học và tương tác với giáo viên cùng các bạn trong lớp diễn ra bình thường. “Em vẫn tiếp thu bài đầy đủ vì thầy cô ở bộ môn nào cũng đem theo thiết bị để dạy học kết hợp “2 trong 1”. Tất nhiên, em vẫn muốn đến trường để học trực tiếp, vì dù sao đây cũng chỉ là phương án bất đắc dĩ trong mùa dịch” – Như Bình bày tỏ, đồng thời cho biết: Thời điểm hiện tại, trong lớp có 13 F1 và 2 F0 học trực tuyến.
Khi học sinh trở lại học trường học trực tiếp, cô Hồ Thị Huyền Trang – giáo viên Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) cũng làm quen với lớp học “2 trong 1”. Cô chia sẻ: Do trường có một số học sinh là F0, F1 nên không thể đến trường học trực tiếp. Do đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Theo đó, những học sinh không thể đến trường sẽ học trực tuyến qua Zoom; trên lớp, giáo viên vẫn dạy trực tiếp bình thường, đồng thời sử dụng thiết bị ghi hình (như điện thoại) đặt trên chân giá (nhà trường trang bị) để ghi hình trực tiếp buổi học, phát qua phòng học Zoom cho học sinh theo dõi. Để làm được điều này, nhà trường đã nâng cấp tốc độ đường truyền mạng lên mức cao nhất, tạo điều kiện tối đa cho thầy – trò dạy – học theo hình thức online/offline.
Hiện, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) có khoảng 60 học sinh là F0 và gần 600 học sinh là F1. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan cho hay: Toàn trường có 42 lớp thì có tới 39 lớp có học sinh là F1, F0. Để việc học tập không bị gián đoạn, nhà trường đã áp dụng mô hình lớp học “2 trong 1” cho toàn bộ khối lớp và ở tất cả các bộ môn. Nhà trường đã đầu tư các trang thiết bị (mỗi lớp 1 máy tính, camera, màn hình tivi cỡ lớn), nâng cấp đường truyền Internet để giáo viên có thể yên tâm đứng lớp.
Theo cô Lan, “2 trong 1” là lớp học đặc thù nên giáo viên dạy những lớp học này sẽ vất vả hơn, bởi vừa dạy trực tiếp, lại vừa “truyền hình” trong cùng 1 tiết học. Đó là chưa kể đến khâu thiết kế bài giảng đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt, uyển chuyển để vừa đáp ứng yêu cầu tiếp thu kiến thức, vừa tương tác với học sinh. Để dạy học hiệu quả, giáo viên cần thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; thiết kế bài giảng, sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với lớp học “2 trong 1”.
Nhân rộng mô hình
Là một trong những địa phương triển khai thực hiện hiệu quả mô hình lớp học “2 trong 1”, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết: Đây là mô hình dạy học nhằm chủ động, thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, từng nhà trường xây dựng 3 kịch bản, 3 phương án tổ chức dạy học nhằm sẵn sàng, chủ động trước mọi tình huống của dịch và ứng phó với từng cấp độ dịch. “Đặc biệt, mô hình kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến - “lớp học 2 trong 1” được Bắc Giang chỉ đạo rất sáng tạo và khá hiệu quả” - ông Mai Sơn nhấn mạnh.
Cụ thể, mỗi nhà trường xây dựng ít nhất 1 phòng học trực tuyến/1 khối lớp để kết hợp với dạy trực tiếp, nhằm giúp những học sinh bị cách ly vẫn được học đảm bảo đúng tiến độ của chương trình; thậm chí có thể diễn ra tình huống đảo ngược: Giáo viên bị cách ly không thể đến trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến - học sinh vẫn đến lớp học. Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống. Mô hình này được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và nhân rộng ra một số địa phương khác.
Không riêng gì khối phổ thông, các trường đại học cũng áp dụng mô hình lớp học “2 trong 1” khi đón sinh viên trở lại học tập trung. PGS.TS Ngô Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Dược Thái Bình - trao đổi: Nhà trường đầu tư trang thiết bị cho một số phòng học trên giảng đường như: Máy tính, camera, micro, màn chiếu/tivi… sẵn sàng thích ứng với mô hình lớp học “2 trong 1”, bảo đảm cho sinh viên thuộc diện cách ly vẫn có thể tiếp cận được bài giảng.
Ngoài ra, giảng viên đưa bài giảng lên hệ thống dữ liệu của nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận với bài học. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo bù, bổ sung cho những sinh viên không thể đến lớp vì dịch bệnh. “Quan điểm của nhà trường là không để sinh viên nào bị bỏ rơi, nhất là với những em thuộc diện F0, F1” - PGS.TS Ngô Thanh Bình nhấn mạnh.
Ngày 28/2, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đón sinh viên trở lại học tập trung. Theo GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước mắt, sinh viên chủ yếu là khối sức khỏe trở lại trường để vừa học, vừa đi thực tập tại các bệnh viện. Ngoài việc bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh, nhà trường đã có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đường truyền sẵn sàng cho mô hình lớp học “2 trong 1”.
“Chúng tôi đã xây dựng phương án dạy học song song. Theo đó, sinh viên F0, F1 dù không đến trường vẫn có thể học tập bình thường, không bị gián đoạn. Tất nhiên, để thực hiện được mô hình này, nhà trường sẽ phải đầu tư và nâng mức chi phí. “Chúng tôi sẽ tính toán và có kế hoạch về việc này, nhằm bảo đảm quyền lợi cho sinh viên, quan trọng là bảo đảm chất lượng đạo tạo” - GS.TS Vũ Văn Hóa nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Dự kiến sẽ đầu tư trang thiết bị cho khoảng 50 phòng học. Trước mắt, các lớp học được chia nhỏ và tổ chức thành 3 ca: Sáng, chiều, tối.