Mở cửa trường học: An tâm vượt “dịch Covid”

GD&TĐ - Sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mở cửa trường học, đón học sinh trở lại khó tránh khỏi những khó khăn.

Khuyến khích học sinh thực hiện 5K tại trường học. Tuy nhiên, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp với trẻ mầm non.
Khuyến khích học sinh thực hiện 5K tại trường học. Tuy nhiên, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp với trẻ mầm non.

Tư vấn của các chuyên gia tâm lý, y tế  sẽ giúp thầy trò các trường cùng an tâm về nhịp cũ.

Lắng nghe và tôn trọng

Giữa bối cảnh số ca F0 Covid-19 không ngừng gia tăng trong cộng đồng, việc đồng loạt mở của trường học tại tất cả các địa phương khiến tâm lý phụ huynh khó tránh khỏi những băn khoăn, lo ngại. Tuy nhiên, những hệ lụy của “đóng cửa” đối với sự phát triển toàn diện của học sinh buộc nhà chức trách, các bậc cha mẹ học sinh phải nghiêm túc cân nhắc và lựa chọn. Việc tạo điều kiện cho trẻ thụ hưởng “quyền được đến trường” đã đến lúc không thể chậm trễ, vì bất kỳ lý do nào.

Trẻ chưa được tiêm vắc-xin hay đã tiêm vẫn phải được quan tâm, theo dõi chặt chẽ (hướng dẫn các em các biện pháp phòng chống dịch bao gồm cả ở nhà, ở trường, trên đường đến trường và trở về nhà). Việc đeo khẩu trang cần thực hiện bắt buộc trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường trờ về nhà. Tuy nhiên không bắt buộc việc đeo khẩu trang trong lớp học với trẻ mầm non.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, chúng ta cần nhận thức rằng, việc quay trở lại trường vào lúc này sẽ phải đối diện với sự bất định, tính biến động phức tạp của bối cảnh. Tuy nhiên, trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không phải của riêng ngành Giáo dục mà còn của cha mẹ, vì tương lai của con mình và rộng hơn là toàn xã hội.

Nguy cơ sẽ luôn tồn tại nên không thể né tránh mãi. Khi trẻ không được trở lại trường sẽ tạo ra những lỗ hổng gần như không thể khắc phục được. Ví dụ, nếu tiếp tục học trực tuyến khiến trẻ thiếu hụt các kỹ năng làm toán và đọc viết cơ bản (với học sinh tiểu học). Với các cấp học trên là sự sa sút trong học tập, giảm khả năng tập trung, nhận thức cấp cao và tư duy phản biện. Làm mất cơ hội của các em trong tương lai và khiến các em bị phơi nhiễm với nhiều nguy cơ khác như tổn thương sức khỏe tâm thần, bị xâm hại, bạo hành từ môi trường gia đình.

Chỉ ra tính cấp thiết của việc đón học sinh đến trường, PGS.TS Trần Thành Nam đồng thời nêu những vấn đề về tâm lý học sinh, cần được các nhà trường dành quan tâm: Đi học trở lại có thể khiến một số học sinh vừa háo hức vừa lo lắng. Trẻ có thể cảm thấy thiếu động lực tham gia những hoạt động từng yêu thích ở trường vì nhiều nguyên do khác nhau. Có thể các em chưa vượt qua cú sốc do mất đi người thân, hoặc cảm thấy choáng ngợp trước thông tin trên mạng xã hội hay truyền hình về các nguy cơ khi trở lại trường.

PGS.TS Trần Thành Nam.
PGS.TS Trần Thành Nam.

Vì vậy, để quay trở lại trường an toàn và sớm bắt nhịp, thầy cô cần giúp các em học cách lắng nghe, chủ động chia sẻ với nhau về mong muốn, nỗi sợ hay điều đang lo lắng.

“Nói ra điều mình đang bận tâm là cách giải tỏa, giải quyết tốt nhất”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh đồng thời cho rằng: Phụ huynh và thầy cô cần dạy trẻ cách đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu cách nhìn, cảm xúc của họ. Nếu thấy thoải mái, bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện cá nhân: Bạn đang cảm thấy như thế nào và vượt qua những lo lắng hay thách thức mình gặp phải như thế nào.

Gia đình và nhà trường cần giúp các em với việc hỗ trợ tích cực: Thay vì bàn tán về ai đã bị mắc Covid-19, nhà ai đang cách ly... hãy tập trung vào việc giúp những người đã khỏi bệnh, chia sẻ về việc dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn thế nào khi triển khai vắc-xin... Đồng thời, nhắc nhở nhau những giải pháp an toàn đảm bảo cho bản thân và những người xung quanh... Đối xử tử tế và tôn trọng với tất cả học sinh.

Duy trì cảm xúc tích cực

Đối với giáo viên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Trải qua đại dịch, thầy cô cũng cần được quan tâm vấn đề tâm lý và áp lực. Giữa yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng theo chuẩn chương trình và thực tế chất lượng dạy học trực tuyến khó đạt kết quả như mong muốn, thầy cô rất cần có hướng dẫn cụ thể để bắt nhịp lại với phương thức dạy học trực tiếp.

Ngành Giáo dục cần có hướng dẫn cụ thể và dành thời gian nhất định để giáo viên lấp hổng kiến thức cho học sinh và tạo điều kiện cho họ cùng học sinh tháo gỡ những “di chứng” của quá trình gián đoạn đến trường.

“Tôi cho rằng, ngành Giáo dục cần phải có chương trình nâng cao nhận thức sức khỏe tâm thần cho giáo viên. Thầy cô phải biết chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân. Theo đó, giáo viên phải biết cân bằng 4 trụ cột, bao gồm: Sức khỏe - cảm xúc - xã hội - nhận thức. Tức là giáo viên phải có kế hoạch rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe thể chất; biết cân bằng cảm xúc trong công việc và cuộc sống; cần sự hỗ trợ của đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy, chia sẻ những khó khăn trong công việc…; liên tục cập nhật những giá trị, kiến thức mới để có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Để làm được việc này, giáo viên phải nhận thức được sức khỏe tâm thần là vốn quý để hành nghề” - PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Sau thời gian dài dạy học trực tuyến hoặc gián đoạn, chắc chắn giáo viên sẽ đối mặt với quan niệm “chất lượng” của mình. Thầy cô cần minh bạch về kỳ vọng học tập của học sinh. Như vậy, khi quay trở lại trường, việc rà soát để đánh giá hiện trạng là cần thiết nhưng với mục tiêu là học sinh đang ở đâu thì hỗ trợ tiếp ở đó.

Giáo viên có thể sử dụng sổ ghi chép thông tin học sinh như một cách để thiết lập mục tiêu và theo dõi sự tiến độ. Các sổ ghi chép cũng có thể bao gồm hồ sơ học sinh (học sinh đặt mục tiêu) và suy nghĩ về các phương pháp học tập hiệu quả nhất để truyền cảm hứng cho trò một cách phù hợp.

Học sinh tới trường được bảo đảm an toàn trong công tác hướng dẫn y tế.
Học sinh tới trường được bảo đảm an toàn trong công tác hướng dẫn y tế.

Về cách hỗ trợ học sinh thời gian đầu trở lại trường học, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: Để trở lại trường và kích hoạt các kỹ năng trực tiếp, giáo viên cần phối hợp với gia đình giúp các em ngắt Internet khi không cần thiết để dần kết nối lại với cuộc sống thực. Đây là thời gian chúng ta cần dành nhiều thời gian chăm sóc lại 4 trụ cột tinh thần cho các con, đó là các trụ cột: Thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức.

Với trụ cột thể chất, trẻ cần duy trì lịch tập luyện đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ. Trụ cột cảm xúc, hãy làm những thứ mình cảm thấy vui, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương. Tăng cường kết nối và phát triển các mối quan hệ mới, củng cố những mối quan hệ hiện tại và giành lại những mối quan hệ đã mất. Cuối cùng là trụ cột nhận thức, phân biệt tin giả, loại bỏ suy nghĩ lo lắng vô ích để tập trung vào những việc có thể kiểm soát được, loại bỏ tính cầu toàn.

Sau thời gian dài dạy học trực tuyến, giáo viên khó tránh khỏi căng thẳng tâm lý khi vừa dạy học trực tiếp vừa chống dịch. Áp lực của giáo viên đến từ ban giám hiệu và phụ huynh học sinh là có thực. Xác định được điều đó, để giảm áp lực cho giáo viên, theo cô Lê Thị Thu Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội), Ban giám hiệu nhà trường một mặt chủ động giảm tải các công việc thường quy cho giáo viên, mặt khác tuyên truyền để cha mẹ học sinh thấu hiểu và phối hợp tốt hơn với giáo viên.

Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp như giảm các nội dung học hoạt động trải nghiệm, dành thời gian cho việc ôn tập củng cố kiến thức sau thời gian học online. Cùng đó, trao quyền chủ động cho mỗi giáo viên tự xây dựng nội dung dạy học cho lớp/môn mình phụ trách.

Xây dựng thời gian biểu phù hợp cho học sinh khi học tập tại trường, không kéo dài tiết học như quy định trước đây. Các lớp học được trang bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ việc dạy học trực tuyến nhằm giúp giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến cho học sinh trong cùng một thời gian.

Mở cửa trường học: An tâm vượt “dịch Covid” ảnh 3

Phòng chống dịch: Đối diện tốt hơn né tránh

Bên cạnh niềm hân hoan khi trẻ được tới trường, không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm khi trẻ đến trường. Theo TS.BS Bùi Hữu Toàn, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, thực tế cho thấy nhiều trẻ ở nhà vẫn mắc Covid do lây nhiễm từ người thân (đi làm, đi chơi…).

TS.BS Bùi Hữu Toàn.
TS.BS Bùi Hữu Toàn.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ, TS.BS Bùi Hữu Toàn thông tin: Nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19 tại trường học quan trọng nhất đối với học sinh là thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi ở nhà, trên đường đến trường và trở về nhà theo hướng dẫn của các cơ sở giáo dục, đặc biệt lưu ý:

Duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường trờ về nhà; Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay vào các thời điểm (trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn, sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn...); Rèn luyện thể chất, ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm;

Theo dõi sức khoẻ hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở báo ngay giáo viên chủ nhiệm; Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, tránh tụ tập đông người, không sang khu vực lớp học khác…

Với khuyến cáo 5K, rất khó thực hiện đối với trẻ lứa tuổi mầm non. Theo TS.BS Bùi Hữu Toàn, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp thực hiện các công việc sau để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ:

Mỗi phụ huynh cùng với nhà trường và cơ quan y tế địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Các cơ sở giáo dục/nhà trường phải thường xuyên thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, cha mẹ học sinh biện pháp phòng, chống dịch; cũng như thông tin về  biện pháp phòng, chống dịch đã được nhà trường thực hiện và tiếp tục thực hiện để học sinh, cha mẹ biết, yên tâm và thực hiện đúng.

Khi ở nhà, cha mẹ thường xuyên theo dõi sức khoẻ cho trẻ, nếu phát hiện con có triệu chứng như sốt, ho, khó thở… hoặc các triệu chứng nghi ngờ khác thì cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

Nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh nắm rõ cách theo dõi sức khoẻ, hiểu rõ về F0 để bình tĩnh cùng giáo viên xử lý tình huống khi con em mình có biểu hiện nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh. Từ đó phụ huynh sẽ phối hợp tích cực, không tạo áp lực cho giáo viên khi con em họ không may mắc Covid-19. - Cô Lê Thị Thu Lý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.