Không bao che

GD&TĐ - Những ngày qua, thông tin về những thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ngập tràn trên các mặt báo và mạng xã hội. Đáng chú ý là thông tin một số cán bộ ngành GD đã “phù phép” cho con em mình để có được điểm “đẹp như mơ”. 

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý thật nghiêm, thậm chí là cho ra khỏi ngành những cán bộ này, bởi họ đã vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng.

Vụ việc gian lận thi cửKỳ thi THPT quốc gia 2018 đã dần đi đến hồi kết. Cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp vào quá trình nâng điểm cho thí sinh. Nhiều người cho rằng, cần “trị bệnh tận gốc”, vì thế tất cả những người liên quan (cả trực tiếp và gián tiếp) đến vụ việc này đều phải bị xử lý nghiêm minh.

Riêng với những cán bộ, giáo viên trong ngành GD có con được nâng điểm phải xử thật nặng, cho ra khỏi ngành vì họ đã vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nhà giáo.

Ông Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam từng trả lời rằng, việc thầy cô, cán bộ quản lý GD không dạy được con mình mà dùng thủ đoạn nâng điểm là khó chấp nhận trong một nền GD đang cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các thông tin đều “nóng như chảo lửa” thì việc dư luận bức xúc, thậm chí là có cái nhìn cực đoan là điều dễ hiểu.

Không một ai có thể thông cảm cho những việc làm sai trái và xấu xa này. Tuy nhiên cũng cần bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề ở góc độ pháp luật và các thiết chế quản lý khác. Nếu chỉ dựa vào cảm tính và suy đoán thì sợ rằng vẫn chưa thấu tình đạt lý và “tâm phục, khẩu phục”.

Có thể khẳng định, ngành GD không bao giờ bao che, dung thứ cho những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức. Bằng chứng là ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Theo đó, kiên quyết đưa ra khỏi ngành GD những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tất cả những vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo đều được Bộ GD&ĐT sốt sắng chỉ đạo, thậm chí không ít lần Bộ trưởng đã chỉ đạo “nóng” để xử lý nghiêm minh, dứt điểm. Không đâu xa, đó là vụ cô giáo tát HS, giáo viên lạm dụng, xâm hại học trò… Hoặc ngay như vụ gian lận, nâng điểm thi ở một số địa phương trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT cũng tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan Công an trong điều tra, xử lý. Quan điểm của Bộ là không có vùng cấm trong xử lý sai phạm ở vụ việc này.

Từ những việc đã và đang làm cho thấy, sự quyết tâm của ngành GD trong việc xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh và tất cả vì sự tiến bộ của học trò; trong đó nhà giáo phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phong cách sống để học sinh noi theo.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ quy tắc Văn hóa ứng xử. Tin rằng, với quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành GD, và khi các trường đều có Bộ quy tắc văn hóa ứng xử thì tới đây chúng ta sẽ có những đội ngũ nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, sáng tạo, hết lòng vì HS và trường học sẽ mãi là “thánh đường” của nghi lễ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ