Những căn nhà lụp xụp, được dựng lên bởi các tấm ván, fibroxi măng. |
(GD&TĐ) - Giữa lòng Thủ đô san sát nhà cao tầng sang trọng, sầm uất là bức tranh tương phản về khu “ổ chuột” tối tăm, những căn nhà xiêu vẹo bằng phên nứa, bìa cát tông, bao tải, tấm lợp hay bất cứ thứ gì có thể dùng để che đậy được chơi vơi trước gió đông... Nơi đây, nhiều mảnh đời sống lay lắt, gồng mình với mưu sinh để tồn tại từng ngày.
Những mảnh đời tạm
Nằm lọt thỏm dưới chân cầu Long Biên thuộc phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) là xóm “ổ chuột” gồm nhiều dãy nhà tạm xập xệ, cũ nát. Ở đó, cuộc sống của người dân ngụ cư gặp vô vàn khó khăn cơ cực, mọi sinh hoạt hoàn toàn đối lập với sự náo nhiệt thành thị chỉ cách đó vài trăm mét.
Chúng tôi đến xóm tạm này giữa lúc đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông đang tràn về. Mưa phùn trong giá rét đã cắt da cắt thịt, lại được cộng hưởng thêm hơi lạnh từ sông Hồng phả lên, khiến những căn nhà cũ nát cũng như co ro lại.
Đường vào xóm nhỏ hẹp, nhếch nhác và lầy lội, lởm nhởm đất đá lẫn rác thải khiến bánh xe chỉ trực trượt đi. Ngày mưa mà mùi hôi của rác thải và cống rãnh còn phả lên váng mũi, những ngày nắng nóng không biết sẽ thế nào nữa.
Những mái nhà, nếu có thể gọi là “nhà”, ngoại trừ một số ít xây tường qua quýt rồi lợp mái tôn lên thì đa phần lụp xụp với những thân cây cắm thẳng xuống nền đất do phù sa bồi đắp, được che bằng đủ loại vật liệu chắp vá, lắp ghép với nhau bằng phên nứa, nilon, tấm tôn vụn và những chiếc lốp xe hỏng để giằng buộc, phủ lên lớp mái tôn hay proximang ọp ẹp mốc đen theo năm tháng.
Gọi là nhà cho sang chứ thực chất chẳng khác gì những căn chòi tạm bợ, trời mưa thì thấm dột, nắng thì nóng. Ngồi trong nhà mà gió sông vẫn lùa thốc như lúc đang đứng ngoài bãi. Hầu như không nhà nào có công trình phụ, “giải quyết” nhu cầu cá nhân cứ ra thẳng bãi mà “tương” xuống sông Hồng. Hãi nhất là nước sinh hoạt lấy từ nguồn giếng khoan lên, váng những màu sắt gỉ.
Hầu như chiếc xoong nồi hay chậu rửa nào cũng ngấn những màu vàng nghệ lưu cữu bên thành do cặn nước ghi dấu lại.
Mảnh đất tạm tưởng chừng như không thể nào sinh sống được, ít nhất ngay giữa lòng Hà Nội, cách trung tâm thành phố không quá một cây số, lại là nơi trú ngụ sau những giờ lao động mệt nhọc của hàng trăm lao động ngoại tỉnh đổ về.
Họ chủ yếu đến từ Hưng Yên, Nam Định, Hà Tây (cũ)... lên bán hoa quả rong trong phố, buôn bán phế liệu, nhặt rác, bốc vác hàng hóa trong chợ Long Biên hay bất cứ việc gì miễn là có người thuê. Có người mới đến, có người đã ở tới hơn chục năm trời…
Vất vả mưu sinh
Công việc thường nhật của cư dân khu “ổ chuột” không có giờ giấc cố định, họ có thể bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, hoặc nửa đêm gà gáy. Không chỉ thanh niên trai tráng mà cả đàn bà con gái ở đây, nếu có sức khỏe thì dù ban ngày buôn bán gì, cũng tranh thủ những lúc có thời gian lại ra chợ đầu mối Long Biên bốc vác, chở hàng thuê.
Thế nên, xóm vắng nhất lại là lúc nửa đêm về sáng, bởi đây là khoảng thời gian mối lái khắp nơi tìm về bỏ hàng.
Thời điểm chúng tôi đến đã non nửa buổi sáng. Nhiều nhà vẫn khóa trái cửa. Người ở nhà thì đang lấy giấc ngủ ngày bù cho một đêm nặng nhọc, còn lại đã rong ruổi khắp phố phường để kiếm sống. Một căn nhà vẫn còn mở cửa với ánh đèn điện le lói bên trong.
Không giấu được sự mệt mỏi trên khuôn mặt sau một đêm dài vẫn chưa kịp có giấc ngủ bù, anh Lương Xuân Phước vẫn niềm nở mời chúng tôi vào, tự giới thiệu quê ở Thanh Miện (Hải Dương), vừa tròn 40 tuổi, ngụ cư ở đất bãi đã hơn 10 năm.
Căn nhà anh Phước ở lụp xụp vá víu và tạm bợ như hầu hết các nhà khác trong xóm trọ. Rộng lắm cũng chỉ khoảng 10 mét vuông, đủ để kê chiếc phản nằm ngủ. Rót cốc nước trắng lạnh tanh mời khách, anh tâm sự: “Mình học hành chả có, nhà lại ít ruộng mà còn nuôi 3 con ăn học, thế nên mới phải lặn lội bon chen lên đây kiếm sống bằng nghề chở hàng cho thương lái.
Hàng ngày đi làm tuy dặt dẹo, nhưng bù lại, được đồng ra đồng vào, gửi về nuôi con cái học hành. Cái ăn thì có mẹ nó ở quê làm ruộng rồi, cũng đỡ”.
Nhà nghèo nhưng trong anh lúc nào cũng nung nấu ý niệm mong con cái ăn học thành người. “Thỉnh thoảng, vào hè các con nghỉ, tôi cho chúng lên phụ giúp dăm hôm. Chẳng phải bắt chúng lam lũ gì đâu, chỉ là cho chúng thấy và quý trọng sức lao động, hiểu lòng bố mẹ mà học tập thật tốt. Cũng may, cả ba đứa học cũng khá cô ạ” – anh Phước nói.
Sát vách với anh Phước là căn nhà trọ của ông Đặng Văn Nga (50 tuổi), quê Phúc Thọ (Hà Nội). Căn nhà tạm người có chiều cao trung bình bước vào cũng phải cúi kẻo đụng nóc, rộng khoảng 8m2, vẻn vẹn chiếc giường cá nhân bề bộn đồ dùng và quần áo.
Vừa cho nồi cơm lên bếp củi đun, ông Nga vừa chia sẻ: “Chúng tôi ở đây cũng khá lâu rồi, từ cái hồi mà mỗi năm nước sông Hồng lên vài lần cơ. Mỗi lần như thế là nhà cửa trôi tất, muốn ở nữa lại phải bỏ ngày việc dựng lại cùng chủ nhà lấy chỗ chui ra chui vào. Nhà cửa lắp ghép thế này, không nói các anh các chị cũng thấy, mùa đông lạnh lại mưa suốt, muốn chủ nhà sửa lại cho mà cũng khó”.
Theo hướng dẫn của ông Nga, chúng tôi sang thăm nhà vợ chồng ông Dương Đức Hùng (68 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (56 tuổi).
Đây cũng là một trong những “hộ gia đình” hiếm hoi của xóm tạm. Bỏ đất Khoái Châu (Hưng Yên) lên làm dân ngụ cư khu “ổ chuột” đã khá lâu, ông bà thuê căn nhà lụp xụp nhất xóm, tất nhiên với giá thuê cũng rẻ nhất: 700.000 đồng/tháng cho gần 10m2, không có điện đóm gì.
Khi hỏi về con cái, ông Hùng nhìn vô định ra ngoài gầm cầu: “Khổ lắm, nhà tôi chỉ mong có mụn con, trời không thương tình cho cũng đành chịu. Vợ chồng dựa vào nhau sống qua ngày, nhiều khi thấy nhà hàng xóm sum vầy bên mâm cơm thấy ước ao lắm”.
“Ngày nắng còn chịu được chứ mùa mưa nhất là hôm nào mưa to, chỉ còn cách mặc áo mưa chờ trời sáng thôi. Đã thế lại phải đóng góp nhiều, nhà xập xệ thế cũng 1,2 triệu đồng/tháng, giá điện 4.500 đồng/số lại còn trừ thêm 2 số khấu hao mỗi tháng nên chúng tôi không dám dùng, khi cần lắm mới bật cái bóng nhỏ thế này thôi”, ông Nga cho biết. |
Lê Anh