Khởi nghiệp từ xơ mướp

GD&TĐ - Ít ai ngờ, xơ mướp là thứ bỏ đi đầy rẫy ở những miền quê nghèo lại trở thành vật liệu đáng giá để làm nên món hàng kinh doanh. Người tạo ra chuyện đó là anh Mạc Như Nhân (sinh năm 1980) chủ thương hiệu sản phẩm xơ mướp Vi Lâm. Chỉ hơn 3 năm sau khi khởi nghiệp, anh đã có 2 cơ sở, sản phẩm của anh đã “chu du” khắp trong nước và nước ngoài. 

Sản phẩm thời trang làm từ xơ mướp được giới thiệu tại phiên chợ xanh
Sản phẩm thời trang làm từ xơ mướp được giới thiệu tại phiên chợ xanh

Xuất phát từ món quà tuổi thơ

Anh Mạc Như Nhân đang chăm chút sản phẩm

Gặp anh Nhân ở một diễn đàn nông nghiệp do Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy anh đứng quầy giới thiệu các sản phẩm thời trang làm từ xơ mướp cho các bạn trẻ, dù hôm đó anh cũng chính là diễn giả chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại diễn đàn. Anh cười xuề xòa bảo: “Đứng quầy để tiếp xúc các bạn trẻ cho quen chứ không lát lên sân khấu mà nói thì... run lắm”. Thế nhưng khi được nhiều người đặt câu hỏi về những sản phẩm từ xơ mướp (giày, túi xách, ví…), anh trả lời rất tự tin và thuyết phục về sản phẩm của mình. Anh khẳng định: “Của bền tại người, không thể so những sản phẩm này với nguyên liệu công nghiệp về độ bền, nhưng chắc chắn là an toàn cho sức khỏe”.

Như để chứng minh lời nói của mình, anh Nhân cho biết, hiện tại ngoài cửa hàng trưng bày các sản phẩm ở TPHCM (quận 12), anh đã có cửa hàng ở Hà Nội (quận Đống Đa); một số tỉnh, thành lớn cũng đang đặt hàng sản phẩm thời trang từ xơ mướp do anh thiết kế và những mặt hàng “độc” này của anh cũng bắt đầu xuất ngoại.

Anh cho biết, “sự nghiệp xơ mướp” của anh đã có 20 năm, mà cơ duyên đến với nghề này rất tình cờ. Anh kể, ngày bé khi còn sống ở phố núi Gia Lai, mỗi dịp lễ, tết, bạn bè đều chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng nhau. Vì nhà nghèo, không có tiền mua những món quà tặng bạn nên anh nghĩ phải tự làm những món quà “độc”. Ý tưởng là thế nhưng việc tìm gì để làm nguyên liệu lại là vấn đề khó khiến anh “nhức óc” một thời gian dài. Một buổi sáng, khi ấy Nhân đã là cậu trai chừng 13 - 14 tuổi đang phụ mẹ cắt trái mướp khô lấy xơ mướp để rửa chén, nhìn các sợi của xơ mướp đan vào nhau rất đều, lại bền khiến anh nghĩ ra một ý tưởng: Hay là làm một cái kẹp tóc từ xơ mướp để tặng bạn? Nghĩ là làm, Nhân bắt tay vào “sưu tầm” các trái mướp khô, sau khi lấy xơ ra thì ngâm nước để ép cho thẳng, cắt cho khéo, rồi nhuộm màu. Sau vài lần thất bại, cái kẹp tóc đầu tiên cũng ra đời. Anh kể lại những kỷ niệm một cách hào hứng: “Cô bạn lần đầu nhận được kẹp tóc bằng xơ mướp thì thích lắm, sau đó có nhiều bạn bè thấy hay hay và đặt tôi làm. Ban đầu là tặng chơi, sau rồi bán...”.

Mạc Như Nhân chính thức “khởi nghiệp ” cách đây 4 năm và hiện nay các sản phẩm giày dép, túi xách, bình hoa, hoa khô… của anh đã đến được với nhiều người tiêu dùng bởi nguyên liệu độc đáo mà người ta hay coi là thứ bỏ đi lại có thể làm nên thành phẩm. Hơn nữa, những thành phẩm này lại rất gần gũi với môi trường. Nhìn những sản phẩm thời trang khá tinh tế và đẹp mắt, ít ai có thể tưởng tượng được rằng người làm ra sản phẩm đó lại chưa từng được học qua trường lớp về thiết kế thời trang. Anh Nhân bảo, tất cả đều là do mình tự mày mò học lấy, tự vẽ ra thiết kế rồi bắt tay làm.

Công việc đòi hỏi tỉ mỉ vì phải làm thủ công. Trung bình, với một đôi giày, một người làm một ngày mới xong. Anh chia sẻ, trong thời gian tới, anh sẽ ứng dụng sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm như đồ rửa chén, rửa ly, cọ lưng…

“Những ngày đầu, tôi không nhớ đã làm hư bao nhiêu cái xơ mướp, tay thì bị kim đâm tứa máu bao nhiêu lần, thiết kế một mẫu giày thì phải làm sao cho đẹp, hợp xu thế thời trang; vẽ một cái ví cầm tay không biết làm như thế nào để khi may lên cho cân đối... Nhưng rồi, có lẽ nhờ sự kiên trì, chịu khó cùng với một chút hoa tay nên tôi vượt qua được chăng” - anh cười chia sẻ.

Từ sản phẩm đầu tiên là ví xơ mướp, sau đó, anh Nhân phát triển đa dạng hơn các mặt hàng khác gồm có miếng rửa bát, chà chân, giày dép, đèn bàn... Các sản phẩm được anh chia làm 5 dòng theo mục đích sử dụng gồm trang trí nội thất, quà lưu niệm, chăm sóc da, vật gia dụng và thời trang. Chẳng hạn, với dòng sản phẩm thời trang, anh có túi đeo, nón, giày dép, kẹp tóc; dòng sản phẩm chăm sóc da thì anh có bộ sản phẩm massage mặt, cọ lưng... Với dòng sản phẩm đồ gia dụng - lưu niệm - trang trí, anh có các sản phẩm móc khóa, miếng rửa chén, miếng chà chân, tranh, hoa khô, bình cắm hoa... Trong đó, đồ thời trang và đồ gia dụng được quan tâm và bán chạy nhất. Các sản phẩm từ xơ mướp có giá dao động từ 12.000 đồng với các sản phẩm đồ gia dụng đến vài triệu đồng với các mặt hàng thời trang. Cụ thể, một miếng rửa bát có giá 12.000 đồng, giày sẽ là 350.000 đồng một đôi, ví từ 400.000 đến 600.000 đồng một cái.

Nói về các sản phẩm của mình, Anh Nhân cho biết: “Ngoại trừ một số sản phẩm buộc phải dùng keo như giày dép, túi xách, còn lại tôi luôn ưu tiên sử dụng những vật liệu tự nhiên nhất để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy vậy, nếu bảo quản và sử dụng đúng cách thì chắc chắn những sản phẩm này cũng có độ bền khá tốt chứ không đơn giản chỉ là để trưng bày”. Dù vậy, điều khiến anh Nhân tâm đắc nhất không phải là đã làm ra những sản phẩm đẹp, sản phẩm tiện dụng từ xơ mướp mà công việc của anh đã góp phần nâng cao giá trị của thứ “nguyên liệu nhà nghèo” này, mang lại “đồng vào đồng ra” cho người dân nghèo miền quê. Anh bảo, trước đây ở quê mỗi khi có trái mướp nào già thì đa phần là bỏ đi, chỉ một số ít hộ sử dụng để rửa chén, bát... nhưng bây giờ thì anh đặt mua hết.

Tôn vinh nguyên liệu nhà quê

Để đưa được các mặt hàng xơ mướp vào thị trường, cơ sở anh Nhân lúc đầu gặp không ít khó khăn. Với số vốn ít ỏi, không đủ tiền thuê nhân công, nhóm 4-5 thành viên phải tìm nguyên liệu và tự tay làm. Nguyên liệu được thu mua từ các hộ gia đình chuyên trồng mướp ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định. Do nguyên liệu tự nhiên nên quá trình chế biến khá lâu. Xơ mướp đủ già sẽ chắc, được bóc vỏ, tách hạt, giặt sạch, ép, phân loại và sau đó đem đi nhuộm bằng màu thực phẩm.

Những sản phẩm đầu tiên khi đưa ra thị trường bị khách hàng đắn đo so sánh với các mặt hàng đa dạng mẫu mã từ nguyên liệu khác. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng thường cho rằng xơ mướp là nguyên liệu tầm thường, không bền không đẹp. Cũng vì vậy mà trong thời gian đầu, doanh thu cơ sở anh Nhân chưa ổn định, chỉ đạt mức trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, anh vẫn không bỏ cuộc. “Tôi thích làm sản phẩm tặng bạn bè, muốn biến vật vô tri, vô giác thành những món hàng thông dụng và tăng giá trị người lao động. Để khách hàng chấp nhận sản phẩm của mình, tôi chỉ có nói thật, làm thật, nói nhiều và làm nhiều hơn”, anh Nhân chia sẻ. Đồng thời, anh Nhân liên tục đi chào hàng ở các phiên chợ xanh để tiếp cận được những người quan tâm đến sản phẩm sạch.

Chị Minh Liên (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết chị thường đến phiên chợ xanh để mua thực phẩm và mới thấy sản phẩm giày bằng xơ mướp cách đây 2 phiên. Ban đầu chị hơi phân vân về độ bền so với những sản phẩm bằng chất liệu khác. “Tôi thấy giày xơ mướp khá hay, màu sắc bắt mắt. Giá mỗi đôi là 350.000 đồng, không phải là thấp với sản phẩm bằng nguyên liệu khác lại không kiểm chứng được độ bền. Nhưng được giới thiệu mặt hàng sạch và đã có sản phẩm xơ mướp để 20 năm vẫn chưa hư nên tôi quyết định mua thử. Giày này êm chân, ít bám bụi nên không phải vệ sinh nhiều”, chị Liên nói.

Hiện tại, lượng khách biết đến và đón nhận giày, ví xơ mướp bắt đầu tăng dần lên. Theo chia sẻ của chính anh Nhân, mỗi tháng, anh thu về vài chục triệu, khi nào cao có thể lên đến 80-100 triệu đồng. Khách hàng của anh hầu như tập trung ở khu vực miền Bắc. Một số khách nước ngoài đặt hàng theo hình thức xách tay. Với đặc điểm không mối mọt, ít bám bụi, ít thấm nước nên bền màu, làm từ nguyên liệu tự nhiên, không dùng màu công nghiệp nên sản phẩm càng được nhiều người biết đến, đặc biệt những ai quan tâm đến đồ sạch.

Anh Nhân cũng thổ lộ kế hoạch mở rộng quy mô và hướng tới thị trường nước ngoài với các sản phẩm từ xơ mướp. Hiện tại, anh đã gửi những lô hàng đầu tiên sang Mỹ, theo kiểu xách tay. Đồng thời, anh cũng sáng tạo mẫu mã đa dạng hơn để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ