Khởi nghiệp từ một ý tưởng nhân văn

GD&TĐ - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và nếm trải nhiều thất bại, thế nhưng với một ý tưởng xuất sắc, tích hợp trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), Tiến sĩ Nguyễn Quang Tiệp đã thay đổi cuộc đời mình. Anh là tác giả của sổ liên lạc điện tử và quản lý học sinh bằng SMS.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tiệp
Tiến sĩ Nguyễn Quang Tiệp

“Cha đẻ” của sổ liên lạc điện tử và quản lý học sinh bằng SMS

Đam mê ngành CNTT từ thời còn là học sinh phổ thông nên khi bước chân vào giảng đường ĐH, Nguyễn Quang Tiệp không chỉ là một SV xuất sắc, mà còn là người sở hữu nhiều sản phẩm phần mềm mang tính ứng dụng cao.

Mới năm thứ 3 ĐH, anh đã xây dựng được phần mềm quản lý điểm số trường học và tương tác học sinh-phụ huynh thông qua công nghệ SMS và hệ thống internet. Một năm sau, anh hoàn thành nền tảng phần mềm trộn đề thi tiếng Anh, và phần mềm quản lý Trung tâm tiếng Anh.

Say mê lĩnh vực CNTT, đặc biệt là lĩnh vực phần mềm nên sau khi tốt nghiệp ĐH, điều đầu tiên chàng cử nhân trẻ Nguyễn Quang Tiệp thực hiện là kiếm tìm cho mình một môi trường làm việc khơi mở được sức sáng tạo. Trải qua 3-4 công ty chuyên về phát triển phần mềm và ứng dụng, anh quyết định dừng lại ở Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Biển Đen với vai trò giám đốc kỹ thuật.

“Chính điểm dừng ở đây đã mang lại cho tôi một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Nó không phải ở mức lương tốt, không phải ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, mà chính nơi đây đã cho tôi gặp được những con người đồng tâm, đồng chí, tiếp sức và chắp cánh cho ý tưởng của tôi được phát triển”- TS Tiệp nói.

Chia sẻ về bước ngoặt khởi nghiệp của mình, TS Nguyễn Quang Tiệp cho biết: Năm 2009 sau hơn 1 năm về đảm trách vị trí quản trị và xây dựng ứng dụng website cho công ty, anh nhận thấy công ty đang có hướng phát triển, tiếp cận thị trường gần như tương thích với các ý tưởng của anh thời sinh viên. Trong hàng loạt các cổng và kênh khai mở ứng dụng, anh nhận thấy việc xây dựng một phần mềm quản lý học sinh, hỗ trợ các thao tác văn phòng cho nhà trường, thầy cô giáo là điều thiết yếu.

Nghĩ là làm, anh trình bày ý tưởng với ban quản trị công ty và ngay lập tức nhận được cái gật đầu cùng lời hứa: “Em cứ làm, hoàn thiện xong phần mềm ứng dụng, công ty sẽ là người chuyển giao cho em”.

Có nơi nhận chuyển giao, ngay lập tức anh bắt tay vào viết phần mềm của mình. Trên nền tảng những ứng dụng cơ bản và sơ khai của phần mềm quản lý điểm số thời sinh viên, anh bắt đầu tập trung viết với sự hỗ trợ, tiếp sức của những người bạn có chung đam mê.

Mỗi người một mảng, một nhiệm vụ, nhóm của Tiệp lao vào viết ngày viết đêm, chỉnh sửa, dựng bản thử và kiểm tra lỗi phần mềm. Quần quật, giam mình trong phòng trọ mỗi ngày từ 12-14 tiếng suốt 3 tháng trời, cuối cùng phần mềm “Hệ thống quản lý trường học” cũng ra đời.

Nói về các khó khăn khi triển khai, TS Tiệp cho biết: Ngoài khó khăn và kinh phí để xây dựng tổng quát dự án này (vì phải mua rất nhiều tool, lệnh hỗ trợ- mỗi cái vài chục đến vài trăm USD) thì việc phải luôn cập nhật các dạng biểu mẫu văn bản, phương thức quản lý, cách thức sử dụng sổ điểm, máy in, cách thống kê… của từng trường.

“Để đi đến được bản đứng cuối cùng, tôi và mấy anh em đã thật sự phải đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Không chỉ vất vả ở khâu viết, dựng, việc tìm kiếm các tool trên thư viện tương tác, hỗ trợ phần mềm ứng dụng (có bản quyền), mà cái khó nhất là phần mềm phải đáp ứng được tất cả hàng trăm yêu cầu, lệnh, biểu mẫu, cách dùng của hàng ngàn trường. Mỗi thứ một tí, tất cả đều phải được tích hợp, đồng bộ để sao cho một trường với quy mô 100 học sinh, hay một trường với quy mô 2.000 học sinh vẫn sử dụng tốt”-TS Tiệp nói.

Nói về ý tưởng của mình, TS Nguyễn Quang Tiệp chia sẻ: Nhà tôi cũng có nhiều người làm trong môi trường giáo dục, nhìn cảnh mọi người cặm cụi hằng đêm ghi ghi, nhập điểm, văn bản… tôi nảy ra ý tưởng cần phải có một phần mềm ứng dụng thay thế tất cả các công đoạn trên nhằm tiết kiệm thời gian cho GV, và xây dựng một phương thức quản lý học sinh, tương tác giữa GV và phụ huynh hiệu quả, chặt chẽ hơn.

Sau khi bản chính của phần mềm “Hệ thống quản lý trường học” của anh chạy ổn, công ty ngay lập tức tiếp nhận, mua quyền sở hữu và triển khai với giá 1 tỉ đồng. Anh cũng chính là người được giao nhiệm vụ đi đến từng Sở GD&ĐT, từng hội đồng phản biện để trình bày các tính năng, phức hợp và sự tiện lợi mà phần mềm sẽ mang lại cho nhà trường.

Suốt ba tháng đi thuyết trình, phản biện và hướng dẫn cho từng nhà trường, đến tháng 8/2010 có 10 tỉnh, thành với 100% trường dụng sử dụng phần mềm của anh. Và đến thời điểm này đã có hàng ngàn trường, với hàng trăm ngàn học sinh đang được hỗ trợ, quản lý bằng phần mềm này.

Thất bại là khởi nguồn của “hạt giống” thành công

Đánh giá về phần mềm của mình, TS Nguyễn Quang Tiệp cho biết, đây là một phần mềm đáp ứng đầy đủ mọi hoạt động hành chính, công tác văn phòng của trường học. Đặc biệt là các công việc của một GV chủ nhiệm (chấm điểm, quản lý học bạ, hạnh kiểm, quản lý học sinh…). Trong đó, trọng tâm của phần mềm nằm ở việc nhập và quản lý điểm số của học sinh, chức năng của một sổ liên lạc điện tử.

Khi triển khai, nhiều trường còn ngại ngần. Nhưng sau một tháng chạy với những tính năng quản lý ưu việt như: Phụ huynh có thể biết con có đến trường hay không, hoặc con đi ra khỏi trường là ngay lập tức tin nhắn báo về máy.

Rồi phụ huynh có thể xem điểm số, hạnh kiểm, quá trình học tập của con bất cứ lúc nào qua mạng Internet, GV chủ nhiệm chỉ cần nhập các lệnh gõ đơn giản là các thao tác ghi điểm sẽ được thực hiện, tiết giảm rất nhiều thời gian…. Chính vì vậy, đến thời điểm này phần mềm đang được hàng ngàn trường trên cả nước sử dụng.

Nói về công việc của một lập trình viên, người chuyên viết phần mềm, TS Nguyễn Quang Tiệp chia sẻ: Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, giấc mơ khởi nghiệp và lập nghiệp của các lập trình viên, kỹ sư phần mềm có cơ hội hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, mọi người đừng chỉ nhìn vào những tấm gương thành công trong lĩnh vực viết phần mềm mà vội hiểu nhầm đây là một nghề “hot”, nghề kiếm được rất nhiều tiền.

“Nghề nào cũng có cái cực riêng của nó. Với người làm lập trình, viết phần mềm thì ngoài việc đòi hỏi người làm nghề tính kiên nhẫn, sự sáng tạo thì ý tưởng luôn là yếu tố sống còn của nghề này. Thời sinh viên, thậm chí là sau này đi học Thạc sĩ rồi Tiến sĩ không ít lần tôi nhốt mình trong nhà , không giao lưu bạn bè cả tuần để tìm ý tưởng.

Có ý tưởng rồi dựng và viết nhưng vẫn thất bại vì không thương mại được. Để đi đến được đích của dự án phần mềm “Hệ thống quản lý trường học” tôi đã thất bại không biết bao nhiều lần”- anh cho biết.

Do đó, sản phẩm “Hệ thống quản lý trường học” được chuyển giao sau khi anh mới ra trường 2 năm thật sự tạo cho anh một bước ngoặt rất lớn trên con đường lập thân, kiến tạo các giá trị nhân văn mà anh đang theo đuổi. Hiện ngoài hai phần mềm về quản lý trường học và quản lý học sinh bằng SMS, anh cũng đang dựng và viết phần mềm về quản lý… với đơn đặt hàng trị giá hàng trăm triệu đồng từ một doanh nghiệp.

Kể về một kỉ niệm sau gần 10 năm dấn thân với nghề, anh nhớ lại: Trước khi thành công với phần mềm “Hệ thống quản lý trường học”, anh từng đam mê và chạy theo việc dựng các ứng dụng và phần mềm cho điện thoại di động và quản trị mạng. Do đó, năm 2009 khi có được tí vốn liếng cùng với việc các Game đang ồ ạt đổ lên các “chợ” ứng dụng, anh cùng người bạn quyết đầu tư dựng hai trò chơi cơ bản…

Sau gần 9 tháng đầu tư, mày mò và đưa lên chợ, anh và người bạn đã thất bại ê chề khi số lượng tải về quá ít. Thất bại không nản, hai người tiếp tục dốc toàn lực đầu tư vào một Game X- tương tự bản Puzzle Game hiện nay, nhưng cũng không thành công, báo hại người bạn vì chán nản đã chuyển qua làm IT cho một doanh nghiệp.

“Sau 4-5 thất bại liên tiếp, điều tôi nhận ra để thành công với nghề này thì không thể thiếu một nhóm cộng sự thật tốt, cùng một tinh thần làm việc lạc quan. Ông bà ta vẫn nói, trong cái rủi có cái may, trong thất bại ẩn chứa “hạt mầm” của sự thành công. Một CEO phụ trách mảng phần mềm của Công ty Symantec từng nói với tôi: “Người lạc quan sống trên bán đảo của những khả năng vô tận. Người bi quan kẹt trên hòn đảo của những do dự vô cùng”.

Tôi thấy triết lý ấy thật rất đúng và lấy nó làm kim chỉ nam cho mình. Anh thất bại, anh không biết đứng lên. Anh có mọi giá trị nhưng anh thiếu niềm tin và luôn bi quan, anh không thể là người thành công”- TS Tiệp chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ