Khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên giữa đại dịch

GD&TĐ - Thời gian qua, các cơ sở GD-ĐT đã xác định việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của SV là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.

Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021 cấp trường được các trường đại học tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021 cấp trường được các trường đại học tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Sôi nổi hoạt động Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp

Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sinh viên chưa quay trở lại trường học nhưng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã tổ chức thành công vòng chung kết cấp trường cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp bằng hình thức trực tuyến để chọn ra các ý tưởng xuất sắc vào vòng chung kết toàn quốc.

Lê Thị Hồng Ngát - nhóm trưởng Dự án phần mềm quản lý vận tải 4.0 đoạt giải Nhất cuộc thi cấp trường bày tỏ niềm vui với dự án đoạt giải và cho biết tham dự cuộc thi đã giúp sinh viên có thêm rất nhiều kiến thức, giúp củng cố, nâng cao kiến thức lý luận, kiến thức xã hội, gắn lý thuyết với thực tiễn, rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng.

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải - chia sẻ: Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp là môi trường để sinh viên được trang bị những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, đánh giá hoạch định chiến lược kinh doanh từ đó vận dụng các kiến thức chuyên môn để áp dụng vào thực tiễn, hướng tới trở thành các nhà khởi nghiệp thành công trong tương lai.

Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp của Trường Đại học Thủy lợi cũng đã khép lại với đề tài đoạt giải Nhất “Nhà rửa xe máy Flash Wash” của nhóm sinh viên Khoa Điện - Điện tử và đề tài “Phần mềm Vergate” của nhóm sinh viên Khoa Công trình được cử tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi - thông tin: Trong những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học tại trường đã phát triển mạnh, CLB Khởi nghiệp thực sự đã trở thành “bà đỡ mát tay” cho các ý tưởng của sinh viên. Các đề tài tham dự cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp đều có tính khả thi, có tính ứng dụng cao, có giá trị thương mại.

Khởi động từ tháng 7/2021, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021”, Trường Đại học Ngoại thương đã chọn được 5 đội xuất sắc nhất để tham dự vòng chung kết cấp trường. Tại các vòng thi, Hội đồng ban giám khảo đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị, đồng thời đưa ra góp ý, nhận xét và gợi mở cho các dự án tiếp tục hoàn thiện.

PGS.TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo và Thúc đẩy khởi nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương - cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường đã xác định, bên cạnh 2 trụ cột là giáo dục, đào tạo và nghiên cứu thì sáng tạo khởi nghiệp sẽ là trụ cột thứ 3 giúp nhà trường có thể đạt được hiệu quả của các hoạt động đào tạo nghiên cứu, giúp kết quả của các hoạt động nghiên cứu đến gần thực tiễn hơn.

Nhà trường đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp như công nhận cuộc thi Khởi nghiệp như một hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, đặt ra những tiêu chí cụ thể của cuộc thi này. Sinh viên khi có thành tích cao tại các kỳ thi khởi nghiệp sẽ được nhà trường khen thưởng đột xuất hoặc thường xuyên. 

Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp trường.
Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi Sinh viên với ý tưởng 
khởi nghiệp cấp trường.

Đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo

Trường Đại học Tiền Giang là một trong những đơn vị đầu tiên đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Những năm qua, nhà trường đã không ngừng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức. Từ đây, các bạn sinh viên không chỉ được gặp gỡ, giao lưu với những nhân vật nổi tiếng, mà còn được lắng nghe những kinh nghiệm quý giá về khởi nghiệp.

PGS.TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang - cho biết, nhằm khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và giúp sinh viên có hành trang vững chắc trước khi dấn thân vào lập nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang đã có nhiều hoạt động hữu ích dành cho sinh viên. Bên cạnh việc dạy và học, trường cũng có không ít những hoạt động hữu ích nhằm nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên từ lý thuyết đến thực tiễn.

Nhằm ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên, trường đã và đang nỗ lực rất nhiều trong công tác hỗ trợ sinh viên thông qua các hoạt động và kế hoạch mang tầm chiến lược, chẳng hạn như việc trường lồng ghép kiến thức về khởi nghiệp vào những học phần trên lớp, đặc biệt là trong các tiết kỹ năng mềm hay thành lập câu lạc bộ, tổ chức hội thảo, tọa đàm...

Ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Hiện tại, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 15% cuối năm 2018 lên 30% cơ sở đào tạo, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 70% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 3 cơ sở giáo dục đại học. Có 50% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV, một số trường đại học lớn đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Có khoảng 45 cơ sở đào tạo, chiếm 25% số cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Một số doanh nghiệp của sinh viên sau khi được các trung tâm ươm tạo hỗ trợ đã có những bước tiến rõ rệt, một số doanh nghiệp đã đến các vòng gọi vốn Series B, Series C.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên và cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã được Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm, sau 3 lần tổ chức ngày hội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên trong toàn quốc. Hầu hết các dự án khởi nghiệp đã thu hút được sự quan tâm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.