Những ý tưởng mang tính thực tiễn và nhân văn
Tại hội nghị khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu của SV đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho Ban giám khảo, như đề tài: Gậy tự hành cho người khiếm thị của hai SV Trần Bảo Nhân, Dương Thúy Vy (năm 3- Khoa CNTT), “Thiết kế bài tập phát triển tri giác màu cho trẻ nhìn kém trên phần mềm Unity 5” của nhóm Trương Thị Hoài Hạnh, Diệp Mỹ Quyên (Khoa giáo dục đặc biệt), CD hướng nghiệp cho học sinh khiếm thị…
Với đề tài “Gậy tự hành cho người khiếm thị” hai bạn SV Trần Bảo Nhân& Dương Thúy Vy nhận được sự đồng ý rất cao từ ban giám khảo.
TS Ngô Quốc Việt - giáo viên hướng dẫn nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu Gậy tự hành cho người khiếm thị - cho biết: Mục tiêu của các bạn là phát triển ứng dụng hỗ trợ gậy tự hành cho người khiếm thị, phát hiện được vật cản trên đường, thông báo khoảng cách từ người đến vật cản thông qua âm báo để thay đổi hướng di chuyển.
Hiện người khiếm thị vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại do đa số còn sử dụng gậy dò đường thủ công, vốn còn nhiều trở ngại trong việc cảm nhận các vật cản. Đây là đề tài được tôi đánh giá là thực tế, mang tính cấp thiết về KHCN, có tính ứng dụng cao và có tính nhân văn cao.
Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, thực hiện tích hợp các ứng dụng với sự hướng dẫn của TS. Ngô Quốc Việt, hai SV Trần Bảo Nhân, Dương Thúy Vy đã chế tạo được thiết bị như mong muốn, giá khoảng 350.000 đồng (thời gian tới sẽ giảm hơn sau khi cải tiến).
Đánh giá ban đầu qua thử nghiệm, sử dụng trong việc di chuyển trên đoạn đường thẳng, thiết bị hoạt động chính xác với mọi trường hợp vật cản. Khi hoạt động ở những điều kiện thời tiết khác nhau, thiết bị vẫn hoạt động tốt ở khá nhiều môi trường.
Sinh viên một trường khối kỹ thuật hào hứng với các ý tưởng nghiên cứu khoa học của mình |
Chung ý tưởng hướng nghiên cứu đến người khuyết tật, hai sinh viên Trương Thị Hoài Hạnh, Diệp Mỹ Quyên (Khoa giáo dục đặc biệt) đã thực hiện đề tài “Thiết kế bài tập phát triển tri giác màu cho trẻ nhìn kém trên phần mềm Unity 5” . Đây là đề tài nghiên cứu nhằm giúp cho các em học sinh có thị lực yếu có thêm nhiều cơ hội phát triển khả năng tri giác màu của mình.
ThS. Hoàng Thị Nga - giáo viên hướng dẫn cho các bạn - cho biết: Đây là một nghiên cứu khá bài bản và chuyên nghiệp. Tính ứng dụng và tương tác cao. Nhóm đã nghiên cứu và tạo ra phần mềm bài tập phát triển tri giác màu cho trẻ nhìn kém sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
Phần mềm được thiết kế theo mức độ kỹ năng từ thấp lên cao: từ nhận biết màu sắc tới ghép tương ứng, phân loại và hiểu ý nghĩa của màu sắc qua các câu chuyện của cuộc sống. Thông qua ứng dụng, giáo viên có thể dựa trên khả năng của từng trẻ để sử dụng phần mềm như một phương tiện giúp phát triển tri giác màu và cũng có thể sử dụng như một trò chơi giúp trẻ thư giãn, giải trí.
SV Trương Thị Hoài Hạnh nói về ý tưởng của nhóm mình: “ Màu sắc giúp cho đời sống tinh thần của con người trở nên đa dạng, phong phú, tri giác sự vật một cách dễ dàng và chính xác. Nhưng đối với trẻ nhìn kém, do thị lực bị hạn chế, các em ít có cơ hội nhìn màu sắc giống như trẻ bình thường. Chính vì thế tụi em đã thực hiện dự án này”.
Phải tạo cho SV có được không gian NCKH
“Để SV làm NCKH một cách hiệu quả, thực tiễn và mang tính ứng dụng cao thì ngoài các chính sách hỗ trợ, điều quan trọng nhất là mình phải khơi gợi được những ý tưởng nghiên cứu nơi SV. Chúng ta cho các bạn ấy (SV) được một không gian khoa học, không gian nghiên cứu thì hiệu quả của công tác NCKH mới cao”- PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TPHCM nói.
Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, trong những năm qua nhà trường đã có nhiều biện pháp thúc đẩy hoạt động SV nghiên cứu khoa học. Quy định về tổ chức hoạt động NCKH của SV được trường ban hành ngay từ đầu năm học 2012 - 2013, kịp thời cụ thể hóa quy chế về SV NCKH trong các trường đại học và cao đẳng của Bộ GD&ĐT, từ đó giúp cho SV tiếp cận với quy trình chuẩn trong việc thực hiện một đề tài NCKH.
Hàng năm, ngoài kinh phí được bộ phân bổ, trường đã trích ngân sách hỗ trợ thỏa đáng cho hoạt động NCKH của SV. Các đơn vị thuộc trường cũng luôn quan tâm đến hoạt động NCKH của SV, thể hiện qua số lượng, chất lượng và tiến bộ các đề tài thực hiện hàng năm. Những đề tài nghiên cứu ứng dụng của SV dành cho người khuyết tật hay trẻ chậm phát triển đã cho thấy tính thực tiễn của các nghiên cứu ngày càng cao.
Ông dẫn chứng, đề tài "Gậy tự hành cho người khiếm thị" của hai bạn SV Trần Bảo Nhân, Dương Thúy Vy (năm 3- Khoa CNTT) nghe qua có vẻ khá đơn giản nhưng đấy là đề tài rất ổn, dễ xây dựng và có chi phí không cao.
“Khi nghe các em trình bày ý tưởng, tôi thấy ngay tính hiệu quả, thiết thực mà ý tưởng nghiên cứu này mang lại cho cộng đồng. Những ý tưởng có tính hiệu quả và ứng dụng ngay vào đời sống luôn được trường khuyến khích. Một ý tưởng nghiên cứu khá tốt”-thầy Hồng nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, vấn đề để SV NCKH hiệu quả không chỉ nằm ở cơ chế, kinh phí, cái chính là cần phải cho các em thấy đựng tinh thần nghiên cứu. Chỉ cần cho SV nhìn thấy Hội đồng khoa học nhà trường luôn hào hứng với mọi ý tưởng, sự sáng tạo mà SV mang tới, môi trường NCKH chắc chắn sẽ sôi động.