Khởi công, khánh thành trực tuyến

GD&TĐ - Lâu nay, Chính phủ vẫn giao ban với các tỉnh hoặc với các Bộ, ngành để xử lý một vấn đề nóng nào đó bằng hình thức trực tuyến.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 33/CĐ-TTg về việc tổ chức khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, rà soát, tổng hợp các công trình, dự án quan trọng, các công trình lớn của ngành, lĩnh vực và của các tỉnh đủ điều kiện theo quy định dự kiến khởi công, khánh thành để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gửi về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/4/2025; báo cáo thông tin về các công trình, dự án gồm tên, loại hình, quy mô…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cho phép công trình, dự án nào đủ điều kiện, tiêu chí để có thể tổ chức lễ khởi công hoặc khánh thành đồng loạt vào ngày 19/4/2025.

Có thể nói, đây là một quyết định làm thay đổi “thói quen” rất mất thời gian và không kém phần lãng phí lâu nay. Phần lớn các công trình khởi công hoặc khánh thành, các chủ đầu tư thường gắn vào các sự kiện hoặc ngày lễ lớn để hối thúc bên thi công phải “hoàn thành đúng kế hoạch” đặng kịp ngày “chào mừng”.

Thường thì, một công trình quan trọng nào đó ở các địa phương, ngày khởi công hoặc khánh thành, dứt khoát phải mời cho được các đồng chỉ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước hoặc Chính phủ về dự. Có những công trình, trong một gói thầu mà có đến hai nhà thầu nhưng cùng khởi công một ngày và cùng mời lãnh đạo về dự.

Để cho buổi lễ được trang trọng và thông suốt, các nhà thầu phải chuẩn bị “hậu cần” cả tháng trước đó. Các địa phương thì chuẩn bị khâu an ninh phải được đảm bảo tuyệt đối và bố trí một gia đình nào đó mà “tiêu biểu” để lãnh đạo đến thăm và tặng quà.

Vì địa phương đã chuẩn bị các phương án rồi, các nhà thầu cũng đã dọn đường, dựng rạp cả rồi nên lãnh đạo buộc phải dự cả hai nơi. Nội dung phát biểu của lãnh đạo về dự án/ công trình đó na ná nhau, chỉ thay đổi tên nhà thầu. Các buổi lễ nặng tính hình thức như thế vừa tốn công sức, tiền bạc lại vừa “làm khó” cho người đến dự lễ.

Việc quyết định tổ chức lễ khởi công hay khánh thành các công trình trọng điểm để chào mừng ngày thống nhất đất nước bằng hình thức trực tuyến là một cách làm mới. Cách làm này vừa tiết kiệm được tiền bạc cho người tổ chức vừa tiết kiệm thời gian cho người được mời đến dự mà nội dung, ý nghĩa của buổi lễ vẫn trang trọng như thường.

Lâu nay, Chính phủ vẫn giao ban với các tỉnh hoặc với các Bộ, ngành để xử lý một vấn đề nóng nào đó bằng hình thức trực tuyến. Mỗi lần trực tuyến như thế, công việc vẫn được giải quyết tốt mà những cán bộ chủ chốt của các tỉnh đỡ phải về Hà Nội.

Bây giờ, công nghệ số đã chính thức góp mặt vào các buổi lễ khởi công hoặc khánh thành. Hy vọng, Chính phủ cũng như các địa phương tiếp tục duy trì hình thức trực tuyến này để giảm bớt tiền bạc, công sức mà hiệu quả thì vẫn như lúc khởi công hay khánh thành “trực tiếp” vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ