Nhiều địa phương còn chậm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024

GD&TĐ - Vừa qua, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai Luật Đất đai năm 2024.
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai Luật Đất đai năm 2024.

Luật Đất đai là dữ liệu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng... Hiện, nhiều địa phương còn vướng mắc trong công tác triển khai.

Phương án “3 cùng”

Vừa qua, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì (viết tắt: Luật Đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở).

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ đã cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền gồm 15 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng và không có thông tư nào chậm ban hành.

Vừa qua có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương cùng một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.

Tuy nhiên, hiện chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân chỉ rõ, các chính sách mới bước đầu mang lại hiệu quả như phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân và doanh nghiệp. Đây là cơ sở dữ liệu góp phần thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Luật Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, đề ra một số chủ trương, chính sách mới để tạo nguồn lực phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, bảo đảm chế độ chính sách về nhà ở”.

Việc ban hành sớm Luật Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng cần phải được đẩy nhanh để đáp ứng yêu cầu giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, phát huy nguồn lực đất đai.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp đồng hành 3 phương án “cùng làm, cùng tham gia, cùng thống nhất”.

Chính phủ yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định… Đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Đến thời điểm này, TPHCM đã ban hành được 8/14 văn bản quan trọng gắn với bảng giá cho nhà ở, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... các văn bản còn lại thuộc thẩm quyền thành phố đang được lấy ý kiến và sẽ ban hành sớm.

“Về 9 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, có 1 nội dung đã hoàn thành, 1 nội dung đã lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, 7 nội dung đang tập trung hoàn thiện và lấy ý kiến lần 2, dự kiến ban hành chậm nhất vào ngày 20/10”, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết.

Vướng mắc điều chỉnh bảng giá đất

Việc tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương có 3 nút thắt cần được tháo gỡ. Thứ nhất, tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật theo thẩm quyền của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm là do luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nên số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều.

Tiếp đến, việc điều chỉnh bảng giá đất để tiếp tục áp dụng đến 31/12/2025, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai năm 2024.

Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho rằng, công tác điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay. Vướng mắc xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện tại một số địa phương.

Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, còn những tồn tại hạn chế: Việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá… Công tác đấu giá đất tại nhiều địa phương còn bất cập như: Nhà đầu cơ thao túng, thổi giá và bán lại để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo, trong khi đó nhu cầu thực rất ít...

trien-khai-thuc-hien-luat-dat-dai-nam-2024-1-533.jpg

Khẩn trương ban hành

Để đôn đốc các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo thẩm quyền, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng bảng giá theo Luật Đất đai năm 2024.

Địa phương cần chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm...

Khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, Quảng Nam chưa đạt yêu cầu. Lý do, quá trình xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định của các sở, ngành, địa phương còn chậm.

“Hiện Quảng Nam đã lấy ý kiến và dự kiến trình kỳ họp HĐND tỉnh trong tháng 10 về chính sách bồi thường, tái định cư, chính sách hỗ trợ đất đai đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Tuấn nói.

Tính đến ngày 7/10, trong 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản thì chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật. Có 13 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản gồm Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.