Khỏi bệnh Covid-19 bao lâu thì có thể tái nhiễm?

GD&TĐ - Đây là băn khoăn của rất nhiều người sau khi khỏi bệnh Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, hiện nay thực tế có không ít trường hợp điều trị khỏi trong thời gian ngắn sau đó tiếp tục dương tính Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, hiện tại tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội căng thẳng, xuất hiện tình trạng 1 người nhiễm và lây cho cả nhà. Ngoài ra, khi nhiều người trong gia đình nhiễm sẽ xảy ra trường hợp người âm tính trước, người âm tính sau.

Với trường hợp người đã có kết quả xét nghiệm âm tính không cần phải cách ly với các F0 còn lại bởi lúc này cơ thể của F0 đã âm tính vẫn còn kháng thể giúp họ bảo vệ bản thân. Tình trạng tái nhiễm thường chỉ xuất hiện sau 1, 2 tháng từ khi khỏi bệnh.

Người bệnh có kết quả âm tính nên an tâm, không phải quá lo lắng về vấn đề cách ly. Nếu sức khỏe đảm bảo có thể hỗ trợ, chăm sóc các F0 còn lại bởi khả năng chăm sóc nhau vô cùng quan trọng trong bối cảnh nhiều gia đình đang cách ly, điều trị tại nhà.

Theo phân tích của bác sĩ, sau 1, 2 tháng từ khi khỏi bệnh, người bệnh có khả năng tái nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên là do nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian.

Tiếp đến, chúng ta tái nhiễm Covid-19 nhưng tái nhiễm các biến chủng khác nhau. Sự khác biệt giữa các protein gai càng lớn của các biến chủng, chúng ta lại càng ít có miễn dịch chéo. Tức là miễn dịch của cơ thể tạo ra để chống lại biến chủng này không đủ để ngăn cản biến chủng phía sau. Ví dụ lần đầu bạn nhiễm chủng Delta, lần sau bạn vẫn có nguy cơ nhiễm chủng Omicron.

Theo bác sĩ, đối với trường hợp đã nhiễm Omicron, rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng. Do hệ miễn dịch đã học được cách tấn công lại virus. Việc tái nhiễm 2 biến chủng khác nhau có thể xảy ra nhưng thời gian tái nhiễm thường từ 1 tháng trở lên vì vậy khi F0 vừa âm tính không phải cách ly với các F0 còn lại.

Chuyên gia y tế lưu ý:

Khi tái nhiễm, các F0 cần bình tĩnh, tuyệt đối không hoang mang, hoảng loạn. Ở nhà cần chuẩn bị máy đo Sp02, nhiệt kế và máy đo huyết áp. Trong đó, máy đo Sp02 là thứ cần phải có trong nhà để trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị nhằm đo được nồng độ oxy máu của bệnh nhân.

Việc thứ 2 là phải ghi lại toàn bộ các thông tin trong ngày để khi bác sĩ cần sẽ cung cấp được thông tin ngay.

Một trong những thông tin vô cùng quan trọng đối với bác sĩ đó là ngày khởi phát. Ngày khởi phát là ngày đầu tiên F0 có triệu chứng. Các triệu chứng rất mơ hồ như mệt mỏi, đau người, rát họng…

Việc thứ 3 là tìm trong danh sách điện thoại mình xem có ai là bác sĩ, có ai là y tá để hỗ trợ mình trong thời gian ở nhà tự điều trị. Nếu không có thì cũng không sao.

Cuối cùng là nên liên hệ với trạm y tế phường. Đó là những việc mà chúng ta cần làm khi phát hiện mình là F0.

Cũng liên quan đến vấn đề tái nhiễm Covid-19, theo bác sĩ Huỳnh Kim Long, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết, người bệnh đã từng dương tính với Covid 19 và đã xét nghiệm âm tính trở lại thì cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại chủng virus này. Tuy nhiên, thời gian kéo dài bao lâu thì vẫn chưa được đưa ra bởi các nghiên cứu chính thức.

Nguy cơ tái nhiễm Covid là có và đã được ghi nhận trên thế giới những ca tái nhiễm vì SAR-CoV2 có nhiều biến chủng khác nhau, nếu bị nhiễm bởi chủng khác có thể tái nhiễm và miễn dịch của cơ thể không kéo dài.

Theo bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh (Phòng khám Gia đình Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thường thì khi đã nhiễm virus rồi, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể mới để bảo vệ. Gần đây trong cộng đồng đã xuất hiện một số ca tái nhiễm trở lại sau 1 tháng. Tuy nhiên, từ những lần nhiễm sau thì bệnh lại rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng nào.

Bác sĩ Nghĩa thông tin thêm, theo số liệu thống kê, người tái nhiễm 2 lần với bệnh cũng rất nhiều nhưng thời gian cũng phải khoảng trên 1 tháng. Dù vậy, tỷ lệ người dân tiêm đủ trên 2 mũi và hoàn thành mũi 3 hiện nay cũng đạt con số khá tốt nên dù có tái nhiễm cũng không cần quá lo.

Còn theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

BS Phúc giải thích, sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, như lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron"- BS Phúc cho biết.

Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 gia tăng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những người từng mắc Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm với biến chủng Omicron và nguy cơ này đang gia tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, những thông tin khoa học về tái nhiễm hiện còn nhiều hạn chế.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tái nhiễm Covid-19 nghĩa là một người đã bị nhiễm, hồi phục và sau đó bị nhiễm lại. Thực trạng hiện nay cho thấy sau khi khỏi Covid-19, việc tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai, và đang cần chờ thêm kết quả của nhiều nghiên cứu mới.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Vương quốc Anh, tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 đã tăng gấp 15 lần kể từ khi Omicron xuất hiện, và tỷ lệ tái nhiễm hiện chiếm khoảng 10% tổng số ca nhiễm được báo cáo ở Anh, so với chỉ 1% trong tháng 11/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ