Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em nhiễm Covid-19

GD&TĐ - Hiện số trẻ em nhiễm Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cao. Cụ thể, số trẻ nhiễm từ ngày 14/2 đến 21/2 gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7/2 đến ngày 13/2).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết số trẻ em nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP đang tăng cao. Cụ thể, số trẻ nhiễm từ ngày 14/2 đến 21/2 gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7/2 đến ngày 13/2).

Trước tình hình này, ông Hải cho biết thêm TP đã có kế hoạch chăm sóc trẻ em bị nhiễm, đó là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như béo phì.

Chiến dịch này gồm 7 nội dung: cung cấp số điện thoại để tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân, người chăm sóc bệnh nhi; tập huấn giáo viên nhận biết các dấu hiệu trẻ nhiễm Covid-19 để xử lý; tập huấn hệ thống y tế từ trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm y tế lưu động, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP; phân tầng điều trị và hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, trường học; xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc gia tăng; tăng cường truyền thông về nguyên nhân, mức độ và các giải pháp, sẵn sàng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng này là do Thành phố vừa trải qua kỳ nghỉ Tết dài, mật độ giao lưu trong xã hội tăng, nên tăng khả năng lây nhiễm bệnh. Mặt khác, sau Tết, học sinh các cấp tại Thành phố đã tham gia học trực tiếp tại trường. Bên cạnh đó, qua khảo sát và nghiên cứu, trong số ca dương tính được xét nghiệm thì số ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm ưu thế - đây là chủng có mức độ lây lan nhanh.

Bà Mai cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số trẻ mắc Covid-19 tăng do trẻ đi học trực tiếp trở lại làm tăng nguy cơ tiếp xúc, biến chủng Omicron là tác nhân gây bệnh chiếm đa số đối với những người mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19.

Theo đó, tại mỗi đơn vị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường sàng lọc khi tiếp nhận trẻ đến khám chữa bệnh vì triệu chứng sốt, kèm hoặc không kèm các triệu chứng hô hấp khác, cần thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 sớm (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) để phát hiện, cách ly điều trị kịp thời.

Khuyến khích thành lập khoa Covid-19 tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc đơn vị chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại khu vực cách ly dành cho người mắc Covid-19 của bệnh viện. Lưu ý, trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phải được xem là nhóm nguy cơ, nhất là trẻ em có bệnh nền như béo phì, các bệnh lý bẩm sinh...

Trong giai đoạn hiện nay, khi phát hiện trẻ có xét nghiệm tầm soát dương tính và có chỉ định nhập viện điều trị, các đơn vị liên hệ ngay Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển viện kịp thời...

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các bệnh viện khẩn trương rà soát, giường bệnh bệnh, trang thiết bị phù hợp với quy mô bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận trẻ mắc Covid-19; đồng thời cử nhân sự tham gia tập huấn hướng dẫn chẩn đoán trẻ bị Covid-19.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng giao cho 3 bệnh viện nhi đồng thành phố, đảm bảo mỗi bệnh viện có khoa Covid-19 150 giường trong đó có 50 giường hồi sức tích cực và sẵn sàng mở rộng quy mô khoa Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.