Khỏe mạnh nhờ ăn uống văn minh dịp lễ, Tết

GD&TĐ - Ngày lễ Tết nghỉ xả láng đến ăn vô số bữa, nạp đầy chất vô tội vạ có thể khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề như tiêu chảy, đầy bụng, ngộ độc…

Cần “ăn chín uống sôi”

Tết là thời điểm học sinh được nghỉ và có thể thỏa thích ăn nhiều món ngon, lạ miệng với những thực phẩm phong phú đa dạng. Tuy nhiên, món ăn ngày Tết thường chứa nhiều chất đạm, đường, dầu mỡ với số bữa ăn tăng đáng kể.

Điều này có thể khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề về tiêu hóa. Do vậy, cha mẹ cần có kế hoạch chăm sóc và lên chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lí trong các kỳ nghỉ dài hoặc giãn cách do dịch bệnh.

Bác sĩ Lê Minh Hằng – Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trương ương chia sẻ, ăn chín, uống chín vốn là một điều cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, vào những dịp lễ Tết, mọi người thường vui quá đà mà quên đi nguyên tắc này.

Vì thế, rất nhiều trường hợp ăn vội vàng, ăn thức ăn nguội lạnh, uống nước không được nấu chín hoặc ăn những món ăn nhanh, ăn bánh kẹo, mứt, trái cây,… không đảm bảo hợp vệ sinh.

Trực trong những ngày nghỉ lễ, bác sĩ Hằng cho biết, phần lớn các bệnh nhân, nhất là lứa tuổi học sinh đều bị ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa,… Trước đây, nhiều trường hợp ngộ độc, tiêu chảy đã xảy ra và gây thành dịch do hành vi ăn uống thiếu vệ sinh gây nên.

Bác sĩ Hằng thông tin, ngộ độc thực phẩm là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em vào dịp Tết. Nguyên nhân do bé ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn có trong đồ ăn. Bởi thức ăn ngày Tết thường được chế biến sẵn, đa dạng và phong phú. Nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc.

“Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Bé nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn” – bác sĩ Lê Minh Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, đa số trẻ thường bị nôn ói rất nhiều do tác dụng của độc tố. Nếu không được chăm sóc thích hợp thường dẫn đến những biến chứng nặng như hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, tiêu đàm, tiêu máu là dấu hiệu nhiễm trùng gây tổn thương ruột. Một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý từ khâu chọn thực phẩm. Đặc biệt, nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không nên sử dụng đồ đông lạnh. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu.

“Phải đảm bảo rằng, tất cả đồ ăn cho trẻ đều được “ăn chín uống sôi”. Bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn cũng như lúc cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn. Ngoài ra, cần tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn để ngừa ngộ độc thực phẩm” – bác sĩ Lê Minh Hằng nhấn mạnh.

Dịp lễ Tết, cha mẹ cần lưu ý kỹ về an toàn thực phẩm để trẻ có sức khỏe tốt và an toàn. Ảnh minh họa.

Dịp lễ Tết, cha mẹ cần lưu ý kỹ về an toàn thực phẩm để trẻ có sức khỏe tốt và an toàn. Ảnh minh họa.

Không nên tích trữ thực phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Theo đó, các cơ sở sản xuất cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn. Không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm. Không nên mua, tích trữ, chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng.

Cô giáo Nguyễn Thùy An, Trường THCS Thống Nhất, Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ, nhiều học sinh còn “nếm thử” rượu. Mặc dù chỉ là uống một lượng rất ít nhưng có trường hợp bị ngộ độc nặng, chưa kể đến hành vi uống rượu ở người dưới 18 tuổi là không được phép.

Cô Thùy An cho rằng, với tâm lý ngày Tết xả hơi, một số cha mẹ cũng “thoáng” trong vấn đề này. Tuy vậy, với những hậu quả nặng nề mà bia rượu gây ra, dù ít nhưng cũng không nên để các em thử hay trải nghiệm.

Dịp Tết thường có nhiều loại thực phẩm phong phú được mua về. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý xem những loại nào có thể kỵ nhau khi nấu lên. Có những loại thực phẩm không nên nấu chung với nhau và không tốt cho cơ thể cũng như hệ tiêu hóa.

Cô An cũng đưa ra lời khuyên, bên cạnh việc chăm sóc bản thân, người lớn cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vào dịp lễ Tết. Trẻ thường tiếp xúc với môi trường đông người vào những dịp này nên dễ mắc một số bệnh như viêm phổi, thủy đậu, sởi, rubella, hoặc những bệnh xảy ra quanh năm như sốt rét, sốt xuất huyết. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ, chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết. Điều này để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.

Tết Nguyên đán và sau Tết là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với nhiều lượt khách tham dự. Đây cũng chính là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm. Nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng...; Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Người dân cũng không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Trong bất kỳ trường hợp nào đều không nên ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.

Bên cạnh đó, dịp Tết, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Vì vậy, cha mẹ càng phải lưu ý nhiều hơn về vấn đề ăn uống cho con để tránh bị ngộ độc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.