Khoảng trống… chờ lấp

GD&TĐ - Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn học đường lại lần nữa làm nóng các diễn đàn dư luận, sau vụ ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Các cơ quan chức năng đã và đang có những động thái quyết liệt để làm rõ trách nhiệm đơn vị/cá nhân liên quan vụ này, trong đó Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Về phía ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND cấp tỉnh đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm ATVSTP trong các trường học. Mỗi cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn bán trú, các nhà cung cấp suất ăn học đường trên cả nước cũng đã siết chặt hơn về ATVSTP, kỹ lưỡng hơn trong thực hiện các quy trình, kiểm tra, giám sát bếp/suất ăn học đường.

Thực tế, chất lượng thực phẩm, ATVSTP bếp ăn bán trú, suất ăn công nghiệp luôn được các nhà trường quan tâm, chứ không phải đợi sau mỗi sự cố mới lo “làm chuồng” như một số người vẫn nghĩ. Đầu mỗi năm học, không chỉ Bộ, sở có công văn chỉ đạo, quán triệt, mà trong từng cuộc họp giao ban các cấp, họp ban đại diện phụ huynh…, vấn đề bảo đảm ATVSTP đều được đề cập, nhắc nhở.

Trừ số ít đơn vị chưa làm tốt, còn lại đa số trường học đều thực hiện bảo đảm quy trình ATVSTP gồm kiểm tra giấy tờ nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu 24 giờ… Tại nhiều địa phương, không chỉ ban giám hiệu mà ngay cả phụ huynh cũng được quyền giám sát đột xuất các khâu trong quy trình chế biến suất ăn.

Thế nhưng, dù làm cẩn thận, chu đáo nhưng nhiều trường học vẫn bày tỏ sự lo lắng về những phần việc liên quan tới bảo đảm ATVSTP nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tác nhân gây vụ ngộ độc cho hàng loạt học sinh ở Trường iSchool Nha Trang được Viện Pasteur Nha Trang kết luận là 3 loại vi khuẩn: Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.

Vậy làm sao phát hiện được vi sinh vật có hại như Salmonella nhiễm vào thực phẩm, thức ăn là câu hỏi nhiều cán bộ quản lý, nhân viên chế biến băn khoăn những ngày qua. “Dù làm tốt quy trình từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đầu vào thì chúng tôi cũng chỉ dừng ở mức kiểm tra giấy tờ ATVSTP; cảm nhận bằng giác quan mà thôi. Chúng tôi không có chuyên môn để phát hiện vi khuẩn”, một hiệu trưởng chia sẻ.

Thực tế cho thấy, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường không thể có đủ chuyên môn như nhân viên y tế - những người chịu trách nhiệm về ATVSTP trong việc kiểm tra ATVSTP mỗi ngày. Hiện chỉ có sở, phòng y tế, cơ quan chịu trách nhiệm ATVSTP mới có đủ chuyên môn kiểm tra vi khuẩn trong những mẫu lưu thực phẩm tại trường học. Với thực phẩm, nguyên liệu của cơ sở chế biến thức ăn ngoài trường, việc kiểm tra lại càng nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường, vì phụ thuộc sự quản lý của các cơ quan khác.

Mất ATVSTP bữa ăn học đường, gây nên các vụ ngộ độc cho học sinh, trước hết trách nhiệm vẫn thuộc về nhà trường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Thế nhưng cũng cần thấy một thực trạng là các hiệu trưởng đang thiếu người tham vấn về mặt chuyên môn y tế liên quan đến bảo đảm ATVSTP, bởi hiện số lượng các trường học có nhân viên y tế chuyên trách khá ít ỏi. Trong lúc đó do mỏng nhân sự, công tác phối hợp kiểm tra giám sát liên ngành Giáo dục - Y tế nhiều nơi vẫn thưa thớt, mang tính hình thức.

ATVSTP là lĩnh vực mang tính chuyên môn (y tế) cao. Vì thế, để nhà trường làm tốt công tác này rất cần tăng cường phối hợp tập huấn, thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế. Đặc biệt các cơ quan hữu quan sớm nghiên cứu để có định biên nhân viên y tế tại trường học, nhất là trường có tổ chức bán trú, nội trú, giảm dần tình trạng giáo viên, nhân viên chuyên trách. Có như thế công tác bảo đảm ATVSTP nói riêng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh nói chung mới ngày càng chuyên nghiệp hơn, hạn chế sự cố rủi ro.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ