Dinh dưỡng quan trọng là vậy nhưng ngày nay, trong nhiều gia đình, ở trường học, vấn đề này đôi khi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Khảo sát cho thấy, bữa ăn của trẻ đôi khi thiếu và lượng lẫn chất nhưng cũng có lúc lại quá tải… khiến trẻ rơi vào cảnh no dồn đói góp. Sự phát triển vì thế cũng phập phù, lên xuống theo mỗi bữa ăn.
Suy dinh dưỡng, béo phì, thiếu vi chất
Với tình trạng trẻ nơi thì suy dinh dưỡng, chỗ béo phì và phần đông thiếu vi chất cho thấy tình trạng dinh dưỡng trẻ em nước ta như bức tranh loang lổ nhiều màu sắc.
Thống kê gần đây của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng có giảm trong nhiều năm qua nhưng mức giảm không đáng kể. Năm 2008, cả nước có 19,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 32,6% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đến năm 2011, tỷ lệ trên còn 16,8% và 27,5%. Năm 2015 còn 24,6% trẻ bị thấp còi và thể nhẹ cân là 14,1%.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn tập trung ở những vùng khó khăn. Lai Châu là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi (36,4%) và nhẹ cân (23%), tiếp đó là Hà Giang, Sơn La, Lào Cai. Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn ở mức có sức khỏe cộng đồng. Với tỷ lệ suy dinh dưỡng như hiện nay, tính trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân và 4 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị thấp còi. Còn ở các thành phố lớn, bên cạnh số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ thì một số trẻ lại rơi vào cảnh thừa cân, béo phì. Điều đáng nói là tỷ lệ này tăng nhanh, có trường học năm trước mới dừng lại ở một con số nhưng năm sau gấp 2 lần.
Một điều đáng buồn là không chỉ trẻ suy dinh dưỡng mà ngay cả trẻ thừa cân cũng rơi vào tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Hiện cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu. Ở bậc tiểu học, điều tra tại 6 tỉnh thành cho thấy tỷ lệ thiếu máu là 11,8%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 7,7% và có gần một nửa trẻ em tiểu học (48,9%) ở tình trạng thiếu vitamin A giới hạn (retinol huyết thanh 0,7 và <1,05 umol/L). Tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em tiểu học dao động từ 46 - 58%. Tỷ lệ vitamin D huyết thanh thấp dao động từ 12 - 19%.
Bữa ăn đơn điệu
PGS. TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Suy dinh dưỡng ở trẻ em một phần liên quan đến tình trạng nghèo đói.
Nghèo đói khiến bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng. Sau khi sinh con, do không có điều kiện lẫn kiến thức dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng...
Khi trẻ đến tuổi đi mẫu giáo, tiểu học, tình trạng dinh dưỡng cũng không được cải thiện đáng kể bởi với số tiền đóng góp ít ỏi, nhà trường chỉ đảm bảo cho trẻ được ăn no còn ăn đủ chất thì nhiều nơi chưa dám nghĩ tới. Vùng khó thì vậy còn ở nơi thuận lợi, cha mẹ sẵn sàng dồn mọi nguồn lực cho con nhưng đôi khi bữa ăn ở trường học lại không được như kỳ vọng. Điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 6 - 11 tuổi tại 6 tỉnh thành năm 2011 cho thấy: Khẩu phần năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị, khẩu phần canxi rất thấp (ở nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt 59%, ở nhóm tuổi 9 - 11 tuổi chỉ đạt 45% nhu cầu) khẩu phần sắt của nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt khoảng 68% và nhóm tuổi 9 - 11 tuổi đạt 54% nhu cầu, khẩu phần vitamin A của nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt khoảng 54% và nhóm tuổi 9 - 11 tuổi đạt 43% nhu cầu, khẩu phần vitamin C sau chế biến của nhóm tuổi 6 - 9 tuổi đạt khoảng 61% và nhóm tuổi 9 - 11 tuổi chỉ đạt 49% nhu cầu.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc thiếu quy định chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường. Bữa ăn học đường xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên mỗi nơi một kiểu. Bản thân các trường học cũng xây dựng thực đơn theo kinh nghiệm chứ chưa dựa trên khuyến cáo khoa học. Người xây dựng thực đơn cho trẻ không phải cử nhân tiết chế dinh dưỡng mà là giáo viên, kế toán của trường nên mới có chuyện trẻ tiểu học, THCS có chế độ ăn như nhau. Món ăn truyền thống trong các trường là thịt băm, đậu sốt, canh rau. Bữa lỡ là bánh ngọt, xúc xích… khiến trẻ kén ăn càng gầy gò còn trẻ phàm ăn thường xuyên được thưởng thức món ăn yêu thích cho dù cân nặng tăng vù vù.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy bữa ăn học đường góp phần không nhỏ vào việc cải thiện thể lực, trí lực của HS. Với những quy định cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp cho trẻ phát triển tối đa cả về thể chất và tinh thần, các cử nhân tiết chế dinh dưỡng ngoài trách nhiệm xây dựng khẩu phần ăn cho từng đối tượng còn thực hiện giáo dục dinh dưỡng cho HS để giúp cho HS có thói quen ăn uống lành mạnh từ tuổi nhỏ. Ở nước ta, bữa ăn học đường đã có mặt ở nhiều nơi nhưng mới chỉ đáp ứng nhu cầu được ăn, ăn no cho trẻ chưa chất lượng ra sao, thành phần dinh dưỡng thế nào hầu như chưa được nhà trường và cả phụ huynh tính đến.
Cân đối về dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng dựa trên những khuyến nghị về dinh dưỡng cho HS tiểu học. Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương để chế biến món ăn phong phú với giá thành hợp lý. Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đường và muối. Dễ chế biến, đẹp mắt, ngon miệng và phù hợp với khẩu vị của HS.
- Các trường, phụ huynh có thể tham khảo, áp dụng, truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho HS.