Khoảng cách rất lớn...

GD&TĐ - EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại Hội nghị về huy động nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

Lý do, theo Tổng Giám đốc EVN là năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Cụ thể, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá than tăng tới 600% so với đầu năm ngoái nhưng giá bán điện vẫn giữ từ năm 2019, chưa được điều chỉnh.

Với diễn biến này, tình hình tài chính của công ty trong năm nay và tới đây rất khó khăn, có thể mất cân đối tài chính, không có chi phí, nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện...

Hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng rất khó, ảnh hưởng lớn đến bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Do đó, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, dựa trên biến động đầu vào của tất cả khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng 3 - 5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh.

Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5 - 10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công Thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.

Tuy nhiên, dù đã thực hiện được gần 5 năm nhưng thực tế, việc điều chỉnh giá ở mức nào đều phải có sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền do điện là đầu vào sản xuất, ảnh hưởng tới nhiều ngành, lĩnh vực.

Như vậy về “lý thuyết”, đề xuất này của EVN là phù hợp và cần thiết bởi thực tế, giá bán điện của nước ta được cho là đang thấp một cách không hợp lý và chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không hề dễ.

Điều này có thể dẫn chứng qua việc Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ ngày 8/10/2013 với các mục tiêu cụ thể là hình thành và phát triển thị trường điện lực qua 3 cấp độ.

Thứ nhất là thị trường phát triển cạnh tranh (từ nay đến hết năm 2014). Thứ hai là thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thí điểm từ năm 2015 - 2016 và hoàn chỉnh từ năm 2017 - 2021). Cuối cùng là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2021 - 2023) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ sau năm 2023).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ “dấu hiệu” nào cho thấy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ hoàn chỉnh và đi vào vận hành dù rằng nếu giá điện theo cơ chế thị trường sẽ giúp thu hút đầu tư vào các dự án điện, có đủ nguồn điện cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời là cơ sở để tiến hành tái cơ cấu ngành, từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh ở những bước tiếp theo. Và như vậy, đương nhiên giữa đề xuất và thực hiện sẽ là khoảng cách rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ