“Phượt” chạy bộ còn có tên khác là “chạy Ultra”. Trào lưu này vốn xuất xứ từ các nước châu Âu, gần đây, đã du nhập vào Việt Nam và được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.
Trần Quốc Hoàn (trường ĐH Ngoại thương, Cơ sở 2, TP. HCM) chia sẻ: “Một lần, tình cờ lướt mạng, mình thấy hình thức “phượt” này thú vị quá. Sau khi tìm hiểu, mình rủ một số bạn lập nhóm “phượt” chạy bộ. Đến nay, nhóm mình đã duy trì hoạt động được hơn 1 năm”.
“Phượt” chạy bộ khá giống với chạy thể dục. Tuy nhiên, “phượt” chạy bộ thường được áp dụng với quãng đường xa hơn. Chặng đường “phượt” có thể kéo dài từ 10 đến hàng trăm kilômét.
Các thành viên của “phượt” chạy bộ thường tập trung thành nhóm, cùng chạy tới đích là các địa điểm chưa từng ghé qua, để tìm hiểu nét riêng về văn hóa ở khu vực đó.
Ngoài ra, để nâng “đô” dần, các “phượt thủ” còn kéo chặng “phượt” của mình ngày càng xa hơn. Nguyễn Minh Hiếu (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Đây là cách “phượt” không tốn nhiều tiền. Mỗi tuần, tụi mình tổ chức “phượt” một lần, với chặng đường khoảng 10 km và con số này được nâng lên từ từ”.
Theo chia sẻ của các “phượt thủ” chạy bộ, để có một chặng “phượt” thành công, các bạn phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng cung đường dự định. “Trước khi chạy, chúng mình thường cử người đi tiền trạm, sau đó, vạch sơ đồ chạy chi tiết.
Thường thì chạy khoảng 5 km, chúng mình xen vào một cung đi bộ. Khi được 10 km, chúng mình có một chặng nghỉ ngơi từ 15 – 30 phút. Như vậy, không ai bị đuối sức khi đến đích”, Quốc Hoàn chia sẻ.
Vừa “phượt”, vừa làm từ thiện
Không chỉ “phượt” để rèn luyện sức khỏe và trải nghiệm, thời gian gần đây, các bạn tham gia “phượt” chạy bộ còn tổ chức các hoạt động mang đậm tính nhân văn, thu hút được khá nhiều bạn trẻ, như chuỗi chương trình từ thiện “Chạy bộ kiếm cơm”.
Với 1 km chạy qua, các “phượt thủ” sẽ đóng góp 1.000 đồng vào quỹ từ thiện của nhóm. Nguyễn Gia Minh (trường ĐH Hoa Sen, thành viên của nhóm “phượt” chạy bộ VietRunners & Friends, TP. HCM) cho biết: “Với dân “phượt” chạy bộ như chúng mình, một người chạy được khoảng từ 90 – 200 km/tuần.
Như vậy, trung bình, một “phượt thủ” có thể đóng góp cho quỹ từ thiện từ 90.000 – 200.000 đồng/tuần. Toàn bộ số tiền do các “phượt thủ” đóng góp sẽ được ủng hộ cho quán cơm 2.000 đồng. Chương trình có cái tên ngồ ngộ “Chạy bộ kiếm cơm” là vì thế.
Ngoài số tiền do các “phượt thủ” đóng góp, số tiền “thách đấu” quãng đường chạy từ các thành viên để ủng hộ thêm cho nguồn quỹ từ thiện cũng khá lớn. Đều đặn hằng tháng, nhóm “phượt” VietRunners & Friends ủng hộ quán cơm từ thiện 2.000 đồng được từ 7 – 10 triệu đồng.
Cẩn trọng không thừa
Trào lưu “phượt” chạy bộ đang nở rộ, thu hút đông đảo các bạn trẻ. Tuy nhiên, các bạn khi tham gia cần phải có quá trình luyện tập kỹ càng, trang bị đủ kỹ năng cần thiết.
Thực tế, đã có không ít “phượt thủ” tham gia “phượt” chạy bộ đối mặt với những nguy hiểm bất ngờ trên các cung đường. Phạm Minh Tuấn (trường CĐ Kinh tế TP. HCM) cho biết, đầu tháng Chín, Tuấn tham gia một chuyến “phượt” từ TP. HCM về Long An.
Do “phượt” vào buổi tối để tránh nắng nên nhóm Tuấn xuất phát tại TP. HCM lúc 20h. Gần đến Long An, Tuấn tách nhóm vào tiệm tạp hóa ven đường, mua thêm đồ dùng cá nhân. Khi một mình đuổi theo đội “phượt”, bất ngờ, Tuấn bị một số thanh niên lạ mặt chặn đường cướp tiền và toàn bộ vật dụng trong balô.
Bên cạnh đó, hiện có một số bạn trẻ tham gia “phượt” chạy bộ nhưng chưa được trang bị kiến thức và rèn luyện nên dễ đuối sức trên đường. Nếu điều này xảy ra ở các khu vực hoang vu, không có trạm y tế thì sẽ vô cùng nguy hiểm.