Biến thể mới của SARS-CoV-2 có “xuyên thủng” vắc-xin?

GD&TĐ - Mới đây, các nhà khoa học Anh phát hiện, virus biến thể VUI-202012/01 (còn gọi là B.1.1.7) có 23 đột biến.

Biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Ảnh minh họa.
Biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Ảnh minh họa.

Đây được coi là lời cảnh báo rằng, sẽ tới lúc vắc-xin không đạt hiệu quả tuyệt đối. Khi đó, Covid-19 có thể trở thành dịch bệnh theo mùa.

Tăng tốc độ lây truyền 70%

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh 27/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đến nay, Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát thành công dịch Covid-19”.

Phát biểu về đột biến mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ. Đồng thời, đột biến trên vùng gene N501Y của virus. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên 70%. Đây là điều hết sức quan ngại.

“Nhiều nước tiến hành phong tỏa với Anh, không tiếp nhận các chuyến bay, công dân Anh hay các hình thức khác nhập cảnh Anh. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, đối với các quốc gia, mùa đông năm nay vô cùng khốc liệt. Nếu không phòng, chống sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề. Do đó, cần sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các nước để thành công chống dịch.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Ngành Y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu. Sắp tới, Bộ Y tế chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này. Nhờ đó, xem khả năng lây truyền và xâm nhập vào Việt Nam.

Liên quan đến vắc-xin ngừa Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, các đơn vị liên quan ngành Y tế đã đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc-xin.

Đến nay, Việt Nam đã chính thức thử nghiệm vắc-xin Nano Covax của Nanogen. Theo báo cáo, các tình nguyện viên tiêm trong giai đoạn 1 đều an toàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, theo ước tính và các bằng chứng khoa học, đến nay chưa có vắc-xin nào chứng minh hiệu quả bảo vệ lâu dài. 

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam chưa ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam chưa ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Đột biến khiến virus suy yếu

Chia sẻ về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhận định: “Thực tế, đột biến gen là một phần của tiến hóa”.

Bác sĩ Phúc giải thích, đột biến sẽ thay đổi đặc tính protein. Tuy nhiên, sự thay đổi này khiến virus yếu đi, thay vì tăng cường sức mạnh. Nhờ đó, ít gây nguy hại hơn với con người. Và đó là điều kiện để virus tồn tại lâu dài - một phần quy luật của tiến hóa.

“Tôi cho rằng, SARS-CoV-2 cũng sẽ nằm trong quy luật tiến hóa chung. Virus đột biến sẽ tăng khả năng lây nhiễm, dần trở thành virus theo mùa. Tuy nhiên, độc lực giảm đi, khiến virus bớt đáng sợ hơn”, chuyên gia dự đoán.

Mới đây, các nhà khoa học Anh phát hiện, virus biến thể VUI-202012/01 (còn gọi là B.1.1.7) có 23 đột biến. Trong đó, 17 đột biến chưa từng xảy ra, bao gồm 14 đột biến acid amin và biến mất 3 thành phần protein. 8 trong số các đột biến xảy ra ở protein đột biến (protein S) trên bề mặt của vỏ virus.

Bác sĩ Phúc cho rằng, đột biến N501Y là quan trọng nhất, có thể làm tăng ái lực của virus với thụ thể ACE2 ở người. Điều này có nghĩa là làm tăng khả năng xâm nhập của virus vào tế bào người. Trong khi đó, đột biến N501Y, N439K và Y453F được cho là khiến cho virus xâm nhập vào cơ thể người dễ dàng hơn và tăng khả năng tái sinh.

“Tôi suy đoán, virus tăng xâm nhập tế bào cơ thể cùng tăng tái tổng hợp virus, hệ quả tất yếu sẽ tăng khả năng lây nhiễm. Virus đột biến ở vị trí N501Y có ái tính cao với thụ thể ACE2, nên sẽ đe dọa nhóm bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh mãn tính như suy thận, suy gan, bệnh đường hô hấp”, bác sĩ Phúc nhận định.

“Tiến hoá” thành dịch bệnh theo mùa?

Theo bác sĩ Phúc, 3 loại vắc-xin ngừa Covid-19 tiên tiến nhất (của Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna) đều nhắm vào protein đột biến của virus. Ví dụ, vắc-xin Oxford sử dụng gen đột biến protein thông qua vector adenovirus vô hại. 2 loại vắc-xin khác cung cấp trực tiếp gen protein đột biến dưới dạng mRNA được bọc trong một hạt nano. Khi virus đột biến xâm nhập cơ thể, phản ứng miễn dịch sẽ nhận ra virus lạ và bắt đầu tạo ra các kháng thể.

“Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể sau khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tạo ra nhiều kháng thể nhất với protein N, không phải protein đột biến. Như vậy, tôi suy luận, vắc-xin Sinovac sử dụng công nghệ virus bất hoạt của Trung Quốc sẽ đáp ứng được yêu cầu tạo cả kháng thể protein đột biến lẫn protein N”, chuyên gia dự đoán.

Do đó, theo bác sĩ Phúc, trong tương lai gần, đối với các dịch bệnh bao gồm Covid-19, vắc-xin sẽ phát triển theo hướng protein N, khắc phục tình trạng virus đột biến.

“VUI-202012/01 với 23 đột biến. Đó là lời cảnh báo, sẽ đến lúc vắc-xin hay kháng thể của người từng mắc Covid-19 không đủ sức nhận diện hết được virus. Nghĩa là hiệu quả của vắc-xin sẽ giảm đi. Vắc-xin chỉ giúp giảm lây nhiễm, không còn là bùa hộ mệnh linh thiêng. VUI-202012/01 cũng là lời cảnh báo Covid-19 đang chuyển sang bệnh dịch theo mùa”, bác sĩ Trần Văn Phúc cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ