Mùa này, nước hồ thủy điện xanh như một miếng ngọc quý, có chỗ nước nông trơ cả cồn cát vàng. Nghe nói ngày xưa đây là những quả đồi và núi đá vôi giờ muốn đến được những nơi này phải đi thuyền hoặc men theo các quả đồi.
Giờ đã là cuối xuân, mấy hôm nay vãn sương, nắng bắt đầu gắt, Hợi phải lấy cặp sách che đầu. Hôm mới lên đây dạy, anh có mũ lưỡi trai hãng Nike rất đẹp nhưng đã đội cho một đứa trẻ đi chăn trâu hôm mới lên đây.

Anh thương những đứa trẻ ở vùng rừng núi này. Đứng ở đây nhìn đâu đâu cũng thấy ngô trổ cờ, dưới gốc chắc cỏ cũng lên tốt phải biết. Việc nhà nhiều thế này thể nào lại có đứa nghỉ học giúp bố mẹ. Con đường đến trường đã xa xôi lại càng xa hơn.
Lớp 3A mà Hợi dạy chỉ có 19 trẻ nhưng chẳng mấy khi đủ mặt. Hôm đông nhất là hơn mười đứa, thầy cứ đứng ở cửa lớp ngóng từng “chiến binh” của mình. Nhìn bằng mắt thường thì ai cũng thấy từ trường đến các thôn bản quanh đây cũng đâu đến nỗi xa lắm nhưng đi rồi mới biết để đi từ đồi này đến được đồi khác, bọn trẻ có khi phải đi vòng đến vài cây số.
Đấy là chưa nói đến lúc đường bị sạt lở hay lũ ập về dâng cao. Lúc đến trường, đứa nào đứa nấy tóc không ướt nhép mồ hôi, sương mù, chân không bê bết bùn mới lạ. Nhiều khi chính Hợi cũng phải tự hỏi: “Vì sao một đứa trẻ ở đây vẫn thích đi học?” - “Vì thầy có nhiều câu chuyện hay”, cái Đông nhiều lần nói với anh thế. Thằng Lâm, cái thằng cu đi học bữa đực, bữa cái, mặt lúc nào cũng lem luốc vì thích ăn khoai nướng thì bảo: “Em thích thầy làm thí nghiện”.
Khổ quá, cười đến chảy nước mắt, “nghiệm” chứ không phải “nghiện”. Hóa ra nó thích mấy cái trò pha chế, nhào trộn, muối cái này ủ cái kia. Có lần được nếm quả vả muối chua xong nó chạy khắp sân, khè khè cái lưỡi rồi bảo: “Sợ nhưng mà ngon quá thầy Hợi ơi”.
Đứng nghĩ ngợi đủ thứ chuyện rồi mới nhớ ra sao giờ này vẫn chưa thấy đứa nào đến lớp. Trong khi, lớp bên kia của Liên đã thấy í ới tiếng trẻ con trêu đùa nhau. Ở quả đồi này chỉ có hai lớp 3, lại nhớ hôm nào lên đây nhận công tác, thầy giáo phụ trách chi trường bảo: “Ngày xưa có sự tích bọc trăm trứng. Nay có hai nhóm học sinh. Thầy dưới phố lên thì tôi dành cho cái lớp các em từ đồi núi xuống. Cô Liên là dân thổ ở đây thì nhận các em dưới bến lên. Biết đâu sau này thầy cô lại có duyên…”.
Chữ “duyên” lửng ấy lại khiến hai giáo viên trẻ đâm ra ngại nhau từ đấy. Chẳng rõ ngày xưa xem phim, đọc truyện thấy giáo viên cắm bản tình tứ thế nào chứ ở đây hai đứa cứ “kiềng” nhau.
Đồng hồ trên tay đã chỉ gần tám giờ sáng, vẫn chưa thấy có ai, bỗng có tiếng Liên vang lên từ phía sau lưng:
- Đừng chờ nữa. Bọn trẻ lớp đằng ấy hôm nay không đến lớp được đâu.
- Sao cậu biết?
- Thì lúc sáng nghe cậu bé cưỡi trâu đi qua đây bảo đêm qua lũ về to, cái cầu treo qua suối đứt rồi. Chắc vài ngày nữa nước rút hoặc nối lại cầu mới thì mới đi lại được chứ.
Hợi nghe xong thì buồn thiu, đúng là ở đây phải biết chờ đợi. Nhưng cả ngày mà không được gặp học trò thì cũng chẳng có ai nói chuyện. Liên đã quay về lớp, Hợi thấy buồn lại gọi với theo:
- Ra chơi thì lại ra đây mình bàn cái này.
- Đang ra chơi rồi đây thây, tưởng hết muốn nói chuyện rồi nên tôi về lớp.
Hợi ngồi bệt xuống bậu cửa, mặc cho cái quần đen lấm bụi, cứ thế thao thao bất tuyệt. Hình như mỗi khi có người trò chuyện, cái đầu của anh cũng lanh lợi hơn. Bàn tới bàn lui, Liên bảo:
- Thế chỉ có cách giữ chân tụi trẻ ở lại. Nhưng giữ bằng cách nào?
- Cách thì tôi chưa tìm ra nhưng chắc sẽ có, là chưa có manh mối nào thôi.
* * *
Nghĩ tới nghĩ lui, Hợi vẫn chưa có cách nào. Một sáng, Hợi thức dậy sớm, anh vừa nấu xong bát mì tôm thì nghe thấy tiếng mõ trâu lốc cốc đâu đây.
- Ăn mì suông thể nào thầy giáo gầy như que củi.
Hợi giật mình ngước nhìn lên phía cửa sổ thì thấy thằng cu cưỡi trâu hôm nọ vẫn đội nguyên cái mũ Nike ngồi vắt vẻo trên lưng trâu trên sườn đồi sau nhà. Nói rồi nó nhảy xuống gài vào cửa sổ phòng anh một cành ớt rừng và bảo: “Không có thịt thì ăn tạm cái đánh lừa mồm đi thầy giáo. Khó lắm tôi mới kiếm được đấy”. Nói xong, nó lại thúc trâu đi, cái mũ Nike chập chờn rồi mất hút…
Nó đi rồi Hợi mới bứt một quả nếm thử, ớt thơm và ngon thật. Hợi lấy hạt đem gieo, chăm chỉ tưới tắm mấy hôm sau thấy nảy mầm, cây lên không nhanh nhưng, lâu ra quả. Một lần, sau giờ dạy, Hợi chỉ ra đám đất sau lớp học rồi bảo Liên: “Đánh lừa mồm” lên tốt rồi kìa. Liên chạy đến tận nơi xem khóm ớt rừng rồi chẳng nói chẳng rằng hái một nắm lá đem về nấu canh, mặc cho Hợi kêu trời xót mấy cây ớt giống.
Trưa, Liên gọi Hợi với mấy đứa trẻ sang ăn cơm. Cơm có canh rau lá ớt, cá suối. Đang và cơm, bỗng Hợi ngây người ra như thể bị trúng tà rồi buông đũa bát, chạy về phòng lục tung đồ đạc lấy chai trà xanh 0 độ ra vòi nước rửa.
- Hợi làm cái gì đấy, ăn phải ớt cay quá à?
Mặc cho Liên hỏi dồn dập, Hợi vẫn cẩn thận. Anh sẽ ngâm ớt vào cái chai này. Ngắm nghía cái chai một lát rồi anh lại đi tìm chai khác. Cái “bệnh” này của Hợi thì Liên không lạ gì, cô lặng lẽ bê mâm bát ra bể rửa.
Mấy tháng sau, người đi nương thấy trên đồi Vạn Mai hiện lên dãy nhà nội trú của học sinh. Hợi đã xin nghỉ hai tuần, mang theo mấy chục chai ớt ngâm về thành phố. Anh tập hợp nhóm bạn thân làm kinh doanh, kiến trúc sư, luật sư… Gặp đứa nào Hợi cũng nhét cho một chai, bắt phải mở nắp ra ngửi ngay. Chúng nó bảo: “Thơm thật, nhưng là có ý gì đây?”. Hợi nói thẳng: “Đương nhiên rồi, quà biếu đấy. Nhận quà rồi thì giúp bọn trẻ của tôi...”.
Sau một tháng gom góp kinh phí ủng hộ và mất hai tuần thi công dãy nhà lắp ghép có cả vệ sinh khép kín đi vào sử dụng. Mái ấm đã có, những tưởng từ nay học trò sẽ yên tâm học hành thì một bài toán mới lại đặt ra. Kinh phí hỗ trợ eo hẹp, tụi nhỏ mang từ nhà đến vài bắp ngô, củ khoai, mấy củ măng... thì sao đủ ăn. Có đứa đói khóc không ngủ được. Khi cái dạ dày sôi réo, chẳng con chữ nào nhét vào đầu chúng được nữa.
Chiều Chủ nhật, Hợi trèo lên cành cây, ngóng lũ trẻ trở lại trường để mai đi học. Liên cắp cái rổ về đến đầu dốc giật mình khi nhìn thấy anh.
- Ối giời ơi. Thầy làm gì trên đấy.
- Ngóng học sinh, chưa thấy ai. Sốt ruột quá.
- Ngóng làm gì, chắc mai các em mới đến. Giờ mà đến lại đói, đêm sao ngủ được.
- Thế Liên đi hái rau gì đấy.
- Rau đắng, tí đồ rau đắng. Có cho thêm hoa chuối nữa.
Đang rửa rau với Liên bỗng Hợi thừ người ra: “Ngẫm ra thì ở đây chỉ toàn cay với đắng nhỉ”. Đúng lúc ấy, thằng Lâm từ đâu chạy đến, tay xách một con cá suối được xâu bằng lạt.
- Bố em bảo mang biếu thầy cô, cải cải… thiện.
Thằng bé cứ đúng lúc quan trọng lại nói lắp. Hợi đã nhìn thấy bố của Lâm đứng sau lưng từ lúc nào. Anh chạy vào phòng lấy chai ớt đưa cho ông để cảm ơn. Bố của Lâm xoa đầu cậu con trước khi về rồi ngước nhìn Hợi:
- Ớt càng cay thì càng ngon thầy ạ vì ăn vào bụng thấy ngọt. Tôi ăn để cảm nhận tấm lòng thầy cô đã dành cho gia đình tôi.
“Hay”, Hợi tự dưng lẩm bẩm một mình. Đêm ấy trăng sáng, anh nằm không thể ngủ được. Bất giác nghĩ đến tụi trẻ con với bữa đạm bạc, đến chai ớt, rổ rau, đến mấy thằng bạn dưới thành phố ngày ngày thèm bữa cơm quê dân dã.
Trời vừa hé sáng, Hợi đã dậy vung cuốc. Mồ hôi lấm tấm trên lưng. Tiếng cuốc của anh đánh thức Liên dậy theo.
- Gớm chết cái ông này, định không cho ai ngủ hả.
- Thì tranh thủ, đêm qua có ngủ được đâu.
- Thế ông định đào vàng bạc châu báu gì?
- Là cuốc đất trồng rau đắng, ớt cay thôi Liên.
- À, hiểu rồi, mai tôi bảo học sinh cùng tham gia nhé.
Vườn rau lên xanh tốt khiến cho Hợi thấy vui. Có một anh lái thuyền từ bến lên nghe anh nói chuyện thì hăng hái nhận chở hàng miễn phí về dưới thành phố. Từ lúc có thêm khoản thu nhập, Hợi đặt mua thêm cá, thịt, cải thiện bữa ăn cho tụi trẻ. Học trò cũng hăng hái học hơn. Chỉ có anh là lúc nào cũng thấy quần áo ám mùi nhựa rau đắng và mùi ớt ngâm.
Thấy Hợi đang vò áo, Liên và cái Đông đứng cười khúc khích. Cái Đông bảo:
- Thầy ơi, thầy phải có vợ đi, vợ giặt áo mới sạch.
Liên hơi đỏ mặt nhưng vẫn cố trêu Hợi:
- Có vò thế chứ vò nữa cũng chả cô nào dưới thành phố mê được anh đâu.
- Còn cô đây, ở đây nhìn trước nhìn sau chỉ có mình là đẹp trai nhất…
Cái Đông hét toáng lên:
- Còn có anh chăn trâu đấy, hay giúp đỡ cô Liên lắm!
- Ơ, anh chăn trâu nào? - Hợi giật mình - mà cậu em bé ấy sao chẳng đi học nhỉ, hay là mình đến vận động gia đình.
Thằng Lâm đang gặm củ khoai nướng mà anh cho bỗng cười hơ hớ, lần này thì nó không nói lắp nữa:
- Thầy ơi, là chú em đấy, chú em bị lùn từ bé, người tí hon ấy, chứ chú còn nhiều hơn tuổi thầy.
Hợi lại có thêm một bất ngờ. Thảo nào đất này lắm chuyện lạ, nhưng thôi, cứ tập trung bán đi cay đắng để mang về ngọt ngào cho cuộc sống đã. Hợi lại ra vườn rau, nắng bừng lên trên đồi Vạn Mai báo hiệu một ngày đẹp trời…