Phát triển GD đến 2030, tầm nhìn đến 2045: Nỗ lực về đích phổ cập trẻ 3-5 tuổi

GD&TĐ - Trong Chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi.

Cô trò Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ
Cô trò Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Chủ trương lớn

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi là cần thiết. Điều này đảm bảo tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường và hưởng thụ một chương trình giáo dục bình đẳng.

Đồng thời, chiến lược sẽ nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và ý nghĩa của giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ, cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các cấp chính quyền, cha mẹ và cộng đồng trong việc đầu tư, phát triển giáo dục mầm non, cũng như huy động nhiều nguồn lực xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ nhỏ.

Theo cô Huyền, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, trẻ từ 3 - 5 tuổi sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục toàn diện, đảm bảo chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ, cũng như tâm lý. Đây là bước đột phá quan trọng trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, thể lực và tâm thế để trẻ chuyển tiếp vào cấp tiểu học, đồng thời góp phần thực hiện quyền trẻ em.

Ngoài ra, chủ trương này sẽ thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cho các trường mầm non, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Khi mọi trẻ em được tiếp cận nền giáo dục mầm non chất lượng, phụ huynh sẽ yên tâm hơn, từ đó tăng sự tin tưởng của cộng đồng vào sự phát triển giáo dục mầm non.

Bà Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, phụ huynh sẽ có thêm thời gian chăm lo kinh tế gia đình, trong khi trẻ được tiếp cận kiến thức, kỹ năng từ sớm, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên, công tác phổ cập vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trẻ 3 tuổi thường chưa tự phục vụ bản thân, khiến phụ huynh chưa sẵn sàng gửi con đến lớp.

Nhiều gia đình vẫn dựa vào ông bà trong việc chăm sóc trẻ, nên số lượng trẻ 3 tuổi đến trường còn hạn chế. Ngoài ra, việc điều tra phổ cập gặp khó khăn do tốc độ tăng dân cư cơ học nhanh, thiếu sự phối hợp của người dân, và cơ sở hạ tầng tại các trường vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu. Áp lực công việc, thời gian làm việc kéo dài và thu nhập thấp cũng khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ việc, tạo thách thức lớn trong việc triển khai chủ trương này.

pho-cap-cho-tre-3-5-tuoi-1.jpg
Trẻ tập làm bánh trôi dịp Tết Hàn Thực tại Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Cần giải pháp lâu dài

Gắn bó nhiều năm với giáo dục vùng khó của tỉnh Đắk Nông, cô H’Phen Êya - Tổ trưởng chuyên môn khối Lá, Trường Mầm non Eatling (huyện Cư Jút) khẳng định, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi không chỉ là một chính sách, mà còn là bước tiến quan trọng đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những trẻ em này thường gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục, dẫn đến hạn chế trong ngôn ngữ, giao tiếp và kỹ năng sống. Việc phổ cập giáo dục mầm non giúp giảm thiểu những chênh lệch, hạn chế tình trạng trẻ bỏ học để phụ giúp gia đình, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho trẻ khi bước vào lớp 1.

Nhà nước hiện có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em ở vùng khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo và trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, cô H’Phen Êya đề xuất mở rộng chính sách để tất cả trẻ 3 - 5 tuổi đều được thụ hưởng chế độ hỗ trợ này.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiền Yên B (Hoài Đức, Hà Nội), nhấn mạnh, những năm đầu đời rất quan trọng với sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ được đến trường sớm sẽ giúp các em trở nên mạnh dạn, tự tin, kiểm soát tốt cảm xúc, hình thành thói quen tích cực, cũng như có cơ hội trải nghiệm các hoạt động giáo dục để phát triển toàn diện.

Về giải pháp, bà Hà đề xuất Nhà nước cần ban hành chính sách bắt buộc phổ cập giáo dục mầm non, xây dựng chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên mầm non, tăng cường truyền thông để phụ huynh hiểu rõ lợi ích của giáo dục mầm non và chủ động đưa trẻ đến trường. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất cần được chú trọng để đảm bảo tất cả trẻ em đều được tiếp cận giáo dục mầm non chất lượng.

Từ góc nhìn của đơn vị quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Huyền kiến nghị triển khai Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non theo đề án của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, cô đề xuất bổ sung giáo viên tiếng Anh trong đội ngũ nhân sự của mỗi trường để hỗ trợ công tác giảng dạy, phù hợp với Luật Thủ đô và định hướng liên kết giáo dục quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác điều tra dân số, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ phụ cấp thêm cho cán bộ điều tra và những người trực tiếp thực hiện công tác phổ cập.

Đồng thời, cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Bên cạnh đó, việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và phần mềm phổ cập ổn định là yếu tố quan trọng để cán bộ điều tra và nhân viên phổ cập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. - Bà Chu Thị Hương (Hiệu trưởng Trường Mầm non Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.