Giải mã ký ức của trẻ sơ sinh

GD&TĐ - Những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của con người, là lúc mà bộ não bắt đầu hình thành và xây dựng những kết nối phức tạp.

Trẻ em có khả năng hình thành ký ức tuy nhiên chưa thể lưu trữ hoàn toàn chúng.
Trẻ em có khả năng hình thành ký ức tuy nhiên chưa thể lưu trữ hoàn toàn chúng.

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta không thể nhớ được những trải nghiệm từ khi còn là trẻ sơ sinh.

Bước tiến đột phá

Các nhà khoa học đến từ Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu theo dõi và quan sát sự hình thành ký ức ở trẻ sơ sinh. Điều đặc biệt ở nghiên cứu này là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể quan sát trực tiếp quá trình hình thành ký ức trong não của trẻ khi các bé còn thức, thay vì khi đang ngủ như trong các nghiên cứu trước đó.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với 26 trẻ sơ sinh từ 4 đến 25 tháng tuổi, và sử dụng một công cụ quét não đặc biệt để theo dõi hoạt động của não khi trẻ nhìn vào các hình ảnh khuôn mặt và đồ vật. Kết quả cho thấy, hồi hải mã (hippocampus) của trẻ hoạt động mạnh mẽ hơn khi chúng nhìn thấy một hình ảnh cụ thể.

Trẻ sẽ nhìn vào hình ảnh đó lâu hơn khi hình ảnh đó xuất hiện lại sau một thời gian ngắn. Bà Tristan Yates - nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Columbia cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy não của trẻ sơ sinh có khả năng hình thành ký ức, nhưng thời gian tồn tại của những ký ức này vẫn còn mơ hồ”.

Phát hiện của các nhà khoa học đã mở rộng hiểu biết về quá trình hình thành ký ức, đặc biệt là về trí nhớ theo sự kiện, tức khả năng nhớ lại các sự kiện cụ thể và bối cảnh diễn ra các sự kiện đó.

Trước đây, các nghiên cứu cho rằng trí nhớ theo sự kiện chỉ bắt đầu hình thành sau sinh nhật đầu tiên của trẻ, thường là khoảng 18 đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Yale và Columbia cho thấy trí nhớ này có thể bắt đầu phát triển sớm hơn nhiều, đặc biệt ở trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi trở lên.

Nhưng, các chuyên gia vẫn đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh hiện tượng “mất trí nhớ ở trẻ sơ sinh”, chỉ việc con người không thể nhớ lại ký ức từ thời thơ ấu. Một giả thuyết cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của bộ não trong những năm đầu đời có thể là nguyên nhân.

Trong quá trình này, các tế bào thần kinh mới được tạo ra với tốc độ rất nhanh, và các ký ức ban đầu có thể bị “ghi đè” lên bởi những ký ức mới. Nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy khi các nhà khoa học làm chậm quá trình sinh thần kinh ở chuột con, chúng có thể giữ lại ký ức lâu hơn, giống như chuột trưởng thành.

giai-ma-ky-uc-cua-tre-so-sinh.jpg
Các tế bào não bộ của trẻ bắt đầu phát triển đầy đủ từ khoảng ba đến bốn tuổi.

Khôi phục ký ức tuổi thơ

Ngoài lý thuyết về sự phát triển thần kinh, một số nhà khoa học cho rằng sự mất trí nhớ ở trẻ sơ sinh có thể liên quan đến sự thiếu hụt ngôn ngữ và “nhận thức bản thân” trong giai đoạn này. Trí nhớ theo sự kiện không chỉ đòi hỏi sự phát triển của các cấu trúc não bộ, mà còn cần sự phát triển của khả năng sử dụng ngôn ngữ để mô tả các sự kiện và nhận thức về bản thân trong các bối cảnh đó.

Vì ngôn ngữ và khả năng hình thành “nhận thức bản thân” không phát triển đầy đủ cho đến khoảng ba hoặc bốn tuổi, nên não bộ của trẻ sơ sinh có thể thiếu các công cụ cần thiết để ghi nhớ và sắp xếp các sự kiện theo cách mà người lớn vẫn làm.

Một lý thuyết khác cho rằng quá trình quên có thể phục vụ một mục đích phát triển. Việc “quên” những trải nghiệm ban đầu có thể giúp bộ não tập trung vào việc xây dựng những hiểu biết chung về thế giới, mà không bị phân tâm bởi những chi tiết không còn có ích. Tuy hầu hết mọi người không thể nhớ lại những trải nghiệm từ khi còn là trẻ sơ sinh, song một số nghiên cứu cho thấy rằng những ký ức thời thơ ấu có thể được khôi phục trong một số trường hợp.

Nghiên cứu trên động vật, chẳng hạn như chuột, chỉ ra rằng ký ức thời thơ ấu có thể được phục hồi bằng các phương pháp như quang di truyền học, kích hoạt các tế bào não cụ thể liên quan đến ký ức. Tuy nhiên, phương pháp này chưa thể áp dụng cho con người.

Chuyên gia nghiên cứu Paul Frankland - Bệnh viện Nhi đồng Toronto, Canada, cho rằng có thể có những điều kiện tự nhiên khiến những ký ức thời thơ ấu dễ dàng tiếp cận hơn trong tương lai. Trong khi đó, các nhà phân tích tâm lý, như Sigmund Freud tin rằng những ký ức thời thơ ấu không bị mất đi mà bị chôn vùi trong tiềm thức, và liệu pháp tâm lý có thể giúp chúng ta “khôi phục” những ký ức đó.

Những nghiên cứu gần đây về sự hình thành ký ức ở trẻ sơ sinh đã mở ra những hiểu biết mới về cách mà bộ não của chúng ta ghi nhớ và xây dựng ký ức. Dù vẫn chưa thể lý giải hoàn toàn lý do tại sao ký ức thời thơ ấu thường biến mất, nhưng rõ ràng là bộ não của trẻ sơ sinh có khả năng tiếp nhận và lưu trữ thông tin từ rất sớm.

Mặc dù vậy, các nghiên cứu này cũng cho thấy rằng ký ức thời thơ ấu không phải là một hiện tượng chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những quá trình phát triển thần kinh phức tạp, mở ra cơ hội cho nhân loại hiểu rõ hơn về sự phát triển của trí nhớ và bộ não con người.

Hồi hải mã là phần não liên quan đến việc hình thành và lưu trữ ký ức, và nó phát triển theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy khi trẻ sơ sinh bước vào giai đoạn trưởng thành hơn, hồi hải mã sẽ phát triển đủ khả năng để hỗ trợ quá trình hình thành ký ức lâu dài.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.