Khó khỏa lấp cơn 'khát' nhân lực Ngành Du lịch

GD&TĐ - Hiện ngành Du lịch còn trống 485 nghìn vị trí làm việc trong cơ sở lưu trú.

Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế. Ảnh minh hoạ
Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế. Ảnh minh hoạ

Để “khỏa lấp” thiếu hụt trên, ngành Du lịch tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, tọa đàm về đào tạo nguồn nhân lực… nhưng kết quả chưa như mong đợi.

Thừa việc

Theo Bộ VH,TT&DL, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2026 đón 18 triệu du khách quốc tế và 85 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 800 - 900 nghìn tỷ đồng.

Trong tọa đàm về đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch TPHCM vào ngày 8/4 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, năm 2022 - 2023, ngành Du lịch cần 485.000 lao động làm việc trong cơ sở lưu trú. Đến năm 2025, cả nước cần có từ 950.000 đến 1,05 triệu buồng lưu trú; nhu cầu về lao động trong khối cơ sở lưu trú là hơn 800.000 người.

Cũng tại buổi toạ đàm này, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Khách sạn IHG khu vực phía Nam, bà Đoàn Trần Phương Thảo cho biết, cần tuyển dụng 40.000 lao động có trình độ trong ngành Du lịch TPHCM, tuy nhiên chỉ 15.000 người được đào tạo tay nghề cao.

Từ các con số trên cho thấy, ngành Du lịch luôn mở rộng cơ hội đối với lực lượng lao động nhất là giới trẻ. Dù nam hay nữ đều có những vị trí phù hợp.

Theo học ngành Du lịch, sinh viên sẽ được trang bị nghiệp vụ chuyên môn, cùng những kỹ năng thiết yếu. Tại các trường đào tạo hiện nay, ngoài nền tảng kiến thức cơ bản, sinh viên được tiếp xúc với các môn chuyên sâu như: Quan hệ quốc tế và lễ tân; Giao tiếp kinh doanh; Marketing du lịch; Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, lễ tân, xuất nhập cảnh du lịch; Quản trị kinh doanh lữ hành - khách sạn; Quản trị doanh nghiệp du lịch; Quản trị chiến lược trong du lịch; Tổ chức sự kiện du lịch...

Thiếu người làm

Khảo sát từ các doanh nghiệp du lịch hiện nay cho thấy, cơ bản lực lượng lao động du lịch đang làm việc chỉ có thể đáp ứng khoảng hơn 50% nhu cầu của thị trường, chưa kể nếu có nhu cầu phát sinh trong thời gian sắp tới.

Sở Du lịch TPHCM cũng nhận định, vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cho công tác đào tạo trong việc phát triển du lịch, phục hồi sau dịch Covid-19.

Hiện nay, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng. Hiện trạng này do nhiều nguyên nhân như sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương; thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT Việt Nam) chỉ ra rằng, với tốc độ tăng trưởng khách trong nước và quốc tế, mỗi năm Việt Nam cần từ 12.000 - 15.000 lao động du lịch có trình độ cao, trong khi lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 4.000 người, tức là khoảng 1/3 nhu cầu của ngành.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đặt vấn đề: Làm thế nào nếu chúng ta thiếu gần 10.000 lao động du lịch đủ trình độ mỗi năm? Như thế có nghĩa, nhiều nơi người lao động không được đào tạo về du lịch mà là các ngành khác chuyển sang. Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, hiện tại phải đầu tư ngay cho đào tạo du lịch, vì sự đầu tư này sẽ không có tác dụng ngay lập tức mà cần từ 10 đến 15 năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch phân tích: Sau dịch Covid-19, tuyển dụng nhân lực làm việc trong các khách sạn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành Du lịch khách sạn cần có chính sách đãi ngộ tốt; đào tạo kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số; chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch; nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng nhu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, phát triển các dịch vụ mới trong hoạt động lưu trú; chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo quốc tế...

Bất cập trong đào tạo

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Với mục tiêu này, các chuyên gia đánh giá, ngành Du lịch cần nâng tầm chất lượng hình ảnh cho khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề cần cải thiện nhất chính là đào tạo nguồn nhân lực. Qua nhiều môi trường rèn luyện như tại các trường đào tạo ngành nghề đặc thù sẽ cho nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại các trường đại học, chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế.

Vị chuyên gia này cho rằng, đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.

Đưa ra một số định hướng và giải pháp để bảo đảm nguồn nhân lực phục hồi sau đại dịch, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chỉ rõ, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc; cần tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch.

Về đào tạo, ông cho rằng cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi. Việc giải quyết được vấn đề nhân lực du lịch trong bối cảnh mới sẽ góp phần vào phục hồi dần du lịch, lấp lỗ hổng cho ngành công nghiệp không khói phát triển…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.