Tuy nhiên, đến lớp 8 Chương trình GDPT 2018, kiến thức đi vào chuyên sâu thì một giáo viên khó có thể đảm nhận hết cả 3 phân môn.
Giải bài toán đội ngũ
Chuẩn bị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, năm học 2023 - 2024, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã họp với tổ Khoa học tự nhiên để lấy ý kiến tổ chức phương án dạy học cho các khối lớp 6 - 7 và 8. Theo đó, đối với khối lớp 6 và 7, môn Khoa học tự nhiên vẫn duy trì phương án một giáo viên đảm nhận dạy cả 3 phân môn như 2 năm học trước đây.
Riêng lớp 8, nhà trường sẽ tổ chức dạy học theo hình thức tuyến tính. Giáo viên sẽ đảm nhận dạy các phân môn theo chuyên môn mình được đào tạo. Những chủ đề mang tính tích hợp thì nội dung kiến thức của môn học nào nhiều hơn, sẽ do giáo viên môn đó đảm nhận. Như vậy, môn Khoa học tự nhiên khối lớp 8 sẽ do ít nhất 2 hoặc 3 giáo viên đảm nhận.
Cô Lê Tôn Nhật Vy – Tổ trưởng tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên cho biết: “Với cách tổ chức dạy học theo hình thức tuyến tính như vậy, có những giáo viên, ở học kỳ I sẽ đảm nhận nhiều tiết hơn so với định mức. Chẳng hạn như giáo viên dạy phân môn Hóa học thì học kỳ I sẽ có 21 tiết/tuần nếu tính cả tiết chủ nhiệm. Nhưng qua học kỳ II sẽ còn 17 tiết/tuần. Trong khi đó, giáo viên môn Vật lý khối lớp 8 sẽ chỉ dạy 5 tuần vào cuối học kỳ I và 4 tuần đầu của học kỳ II… Môn Sinh ở học kỳ I không có tiết nào, chỉ tập trung ở học kỳ II”.
Với phương án tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo hình thức tuyến tính, cứ khoảng 3 tháng, Trường THCS Nguyễn Huệ sẽ buộc phải sắp xếp lại thời khóa biểu một lần. Tuy nhiên, theo như cô Nhật Vy thì đây chỉ là thời khóa biểu phân công đứng lớp của giáo viên dạy các môn thành phần. Với học sinh, thời khóa biểu sẽ không thay đổi đáng kể, chỉ trong trường hợp giáo viên bị trùng tiết ở các khối lớp khác.
Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ chia sẻ rằng, do nhà trường phân chia phương án dạy học theo ca lớp chẵn – lẻ nên dù buổi sáng hay chiều thì vẫn có đầy đủ cả 4 khối lớp theo học. Ngoài ra, đối với môn Khoa học tự nhiên ở khối lớp 6 - 7 vẫn phân công một giáo viên đảm nhận dạy cả 3 phân môn.
Vì vậy, mỗi giáo viên có nhiều nhất là 2 giáo án ở 2 khối lớp, giảm được khối lượng công việc đáng kể. Cũng theo thầy Phước, với những giáo viên đảm nhận dạy các phân môn Khoa học tự nhiên khối lớp 8, nhà trường sẽ không phân công làm công tác chủ nhiệm ở các lớp này.
Trong khi đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) yêu cầu trong nửa đầu tháng 8, các trường THCS trên địa bàn quận rà soát lại số lượng giáo viên các môn thành phần của môn Khoa học tự nhiên. Trên cơ sở này, các trường sẽ xây dựng phương án tổ chức dạy học.
Bà Lê Thị Hoàng Chinh – Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê cho biết: “Chủ trương của Phòng GD&ĐT là vẫn ưu tiên phương án tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên của cả 3 khối lớp 6 - 7 - 8 theo hướng giáo viên dạy theo từng phân môn được đào tạo. Tuy nhiên, giáo viên chắc chắn sẽ quá tải trong một thời điểm nhất định vì cấu trúc của môn học này giống nhau ở các 3 khối lớp. Vì vậy, để giảm tải cho giáo viên, các trường có thể lựa chọn phương án một giáo viên đảm nhận dạy 3 phân môn ở khối lớp 6 và dạy học theo hình thức tuyến tính ở khối lớp 7 - 8”.
Một phương án nữa đang được Phòng GD&ĐT Thanh Khê tính đến là sẽ đề xuất với Phòng Nội vụ hợp đồng thêm một số giáo viên đơn môn với thời gian 3 tháng. Số giáo viên này sẽ đảm nhận dạy liên trường để giảm số lượng tiết/tuần cho số giáo viên đơn môn hiện có.
Giáo viên THCS quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tham gia khóa tập huấn giáo dục STEM do Phòng GD&ĐT tổ chức trong hè 2023. |
Bảo đảm yêu cầu tích hợp, liên môn
Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Tân Tự (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo hình thức cuốn chiếu. Theo đó, một phân môn sẽ được dạy trước cho đến khi kết thúc nội dung chương trình. Sau đó, nhà trường phân công giáo viên của phân môn tiếp theo dạy học. Theo như nhận xét của các giáo viên rằng hình thức dạy học này sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức của môn học được liền mạch hơn.
Thế nhưng, hình thức này gây nhàm chán cho học sinh vì phải dồn kiến thức một môn học trong cả tuần và phải kéo dài trong một thời gian ít nhất là 2 tháng. Chưa kể là học sinh học môn sau thì quên mất kiến thức của môn trước, giáo viên phải tổ chức ôn lại kiến thức đã học trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ.
Bà Lê Thị Hoàng Chinh cho rằng: “Chỉ có thể chia thời khóa biểu theo phân môn chứ không thể dạy đẩy được. Các chủ đề đều được sắp xếp theo logic tuyến tính rồi. Các mạch kiến thức đã được sắp xếp hợp lý nên không thể cắt một cách cơ học mạch kiến thức ra để dạy”.
Nếu học cuốn chiếu hết 3 tiết của phân môn Vật lý thì những nội dung liên quan đến Hóa học, rồi có thể 2 tiết Hóa lại liên quan đến kiến thức của môn Sinh học thì giải quyết thế nào. Nếu học cuốn chiếu môn này xong đến môn kia thì kiến thức không còn liên môn, tích hợp nữa.
Cô Lê Tôn Nhật Vy cho biết, để xử lý tình huống “học sinh quên kiến thức”, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, giáo viên các môn thành phần sẽ vẫn tự bồi dưỡng và cập nhật các nội dung kiến thức của các phân môn còn lại. “Nội dung kiểm tra giữa kỳ chỉ chiếm 20% kiến thức trong cấu trúc bài kiểm tra cuối học kỳ.
Hơn nữa, giáo viên đơn môn chỉ đảm nhận chuyển hệ thống câu hỏi ôn tập đến cho học sinh các lớp mình đang dạy. Sự liên kết giữa giáo viên đơn môn với học sinh vẫn phải được duy trì cho dù khối lượng kiến thức đảm nhận dạy học trong chương trình đã kết thúc. Giáo viên sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho học sinh trong ôn tập, củng cố kiến thức để có bài kiểm tra định kỳ đạt kết quả cao nhất” - cô Nhật Vy khẳng định.
“Tính trung bình thì tổng số tiết dạy/tuần của mỗi giáo viên sẽ không vượt định mức, vẫn đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, hiện khối lớp 9 vẫn đang dạy học theo chương trình cũ nên việc phân chia thời khóa biểu vẫn chưa căng thẳng lắm” - cô Lê Tôn Nhật Vy thông tin.
Tại chương trình “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” tổ chức ngày 15/8, chia sẻ với giáo viên về những băn khoăn khi tổ chức dạy học môn tích hợp cấp THCS theo chương trình mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên gặp phải khó khăn nhất định.
“Căn cứ vào thực tế, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thời gian tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp. Có thể vẫn kiên trì ở tiểu học nhưng với THCS sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao đưa ra một số điều chỉnh”, Bộ trưởng thông tin đồng thời khẳng định: Dù điều chỉnh thế nào cũng cố gắng để không gây xáo trộn đội ngũ hiện nay, nhất là giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng; thay đổi để tốt hơn, hiệu quả hơn cho việc đổi mới.