Sáng tạo đổi mới kiểm tra, đánh giá dạy - học môn Khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Giáo viên tập trung vào khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức, vận dụng thực tế nhằm hướng tới phát triển năng lực toàn diện của người học...

Giờ học STEM của học sinh Trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm.
Giờ học STEM của học sinh Trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm.

Đối với môn Khoa học tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018, các trường THCS ở TPHCM đã đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá

Chia sẻ về việc đổi mới kiểm tra tại Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức), cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào đầu năm học, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn cùng nhóm Khoa học tự nhiên xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, trong đó có kế hoạch kiểm tra đánh giá thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ.

Không chỉ đối với khối 6, 7 mà khối 8 tới đây việc kiểm tra, đánh giá cũng có sự đổi mới theo tình hình thực tế, nhằm phát triển các năng lực, phẩm chất của học sinh như tự học, phát hiện, giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp và hợp tác.

“Nếu như trước đây, đánh giá kết quả học tập của học sinh thường lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm, thì nay sẽ tập trung vào đánh giá năng lực của người học. Trong đó chú trọng đánh giá khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Đối với môn Khoa học tự nhiên, kiểm tra định kỳ học sinh thực hiện trên giấy. Đề kiểm tra sẽ có 70% là trắc nghiệm, còn 30% tự luận. Kiểm tra thường xuyên sẽ tăng cường các bài thực hành”, cô Hiếu chia sẻ.

Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Cài, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức), việc kiểm tra, đánh giá đối với khối 8, giáo viên vẫn áp dụng các hình thức kiểm tra từ khối 6, 7, đảm bảo đủ số cột điểm theo quy định chung.

Trong đó, hình thức kiểm tra sẽ đa dạng như: Kiểm tra trên giấy, thực hành, báo cáo sản phẩm STEM, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhóm và từng cá nhân thực hiện. Đối với môn Khoa học tự nhiên ở khối 8 trong các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên tới đây sẽ thiên về thực hành, báo cáo sản phẩm hoạt động STEM và nghiên cứu khoa học nhiều hơn.

“Tại trường có câu lạc bộ STEM, có giáo viên phụ trách để phát triển phần dạy học cho học sinh, nhất là đối với các môn Khoa học tự nhiên. Trong đó chú trọng vào phần thực hành, vận dụng nhiều hơn lý thuyết và quan tâm đến tích hợp liên môn.

Thầy cô cũng sẽ tập trung hơn vào phần đánh giá học sinh thông qua quá trình tạo ra sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và tính ứng dụng. Trong quá trình đánh giá, giáo viên sẽ là người khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tự lên ý tưởng, tự tạo ra sản phẩm thông qua các hoạt động nhóm, khuyến khích các em tự đánh giá và đánh giá chéo”, cô Cài cho hay.

Tiết học của học sinh Trường THCS Lương Định Của.

Tiết học của học sinh Trường THCS Lương Định Của.

Đánh giá cả quá trình học tập

Thực tế, với môn Khoa học tự nhiên, các trường THCS tại TPHCM đã chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang năng lực của người học; chuyển trọng tâm chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực, giáo viên chỉ đóng vai trò là người khơi gợi vấn đề.

Trong đánh giá thành tích học tập sẽ chú ý cả quá trình học tập. Đồng thời sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau nhằm phát huy tính chủ động của học sinh trong việc tự đánh giá bản thân và đánh giá chéo lẫn nhau.

Cô Phạm Thị Cài cho biết, đối với các bài kiểm tra định kì, mức độ của đề gồm: 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng thấp, 10% vận dụng cao, đặc biệt chú trọng phần vận dụng liên hệ thực tế, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. “Từ khi tích hợp thành các môn Khoa học tự nhiên, giáo viên được tập huấn về phương pháp, cách thức tổ chức để đảm nhiệm dạy cả 3 môn.

Tuy nhiên môn Khoa học tự nhiên khối 6, 7 kiến thức còn nhẹ nhàng, riêng với lớp 8 theo Chương trình GDPT 2018 có phần sâu hơn. Việc đánh giá học sinh không phải dựa vào điểm cuối kỳ mà là cả một quá trình, đánh giá phẩm chất năng lực học sinh một cách toàn diện, chú trọng phát triển năng lực cá nhân”, cô Cài chia sẻ.

Tại Trường THCS Trần Quang Khải (Quận 12), việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì được các thầy cô trong tổ Khoa học tự nhiên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào nội dung chương trình. Khi đánh giá năng lực của học sinh, giáo viên của trường thực hiện kết hợp giữa kết quả các bài kiểm tra và cả quá trình học tập.

Từ đó kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ; ghi nhận những khó khăn không thể tự vượt qua để hướng dẫn, giúp đỡ các em từng bước khắc phục, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng để ngày càng tiến bộ.

Cô Trương Thị Cẩm Nhung, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Trần Quang Khải cho biết: “Môn Khoa học tự nhiên lớp 8 kiến thức chuyên sâu và bắt đầu thấy rõ sự phân môn. Bài kiểm tra định kỳ sẽ được thiết kế dưới dạng bài tổ hợp nội dung, kiến thức của 3 phân môn Hóa học, Sinh học và Vật lí.

Còn hình thức kiểm tra thường xuyên giáo viên sẽ tăng cường cho các em thảo luận nhóm, thuyết trình một vấn đề trước lớp để lấy điểm. Hình thức này học sinh rất thích thú. Đặc biệt, ngoài kiểm tra trực tiếp trên lớp, chúng tôi còn soạn các câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm K12 online để các em làm ở nhà, sau đó chấm điểm”.

“Môn Khoa học tự nhiên của Chương trình GDPT 2018 giảm được số tiết kiểm tra cũng như áp lực về mặt điểm số đối với học sinh. Thay vì trước đây 3 môn tương ứng với 3 bài kiểm tra, giờ đây chỉ còn 1 bài giữa kỳ và cuối kỳ. Mức độ kiến thức cũng nhẹ nhàng hơn so với việc học thành từng môn học riêng biệt trước kia. Giáo viên ra đề thường khá sát đề cương, với mong muốn giảm nhẹ áp lực cho học sinh”, cô Trương Thị Cẩm Nhung cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ