Nhiều điều cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh để triển khai hiệu quả môn học mới này, từ nhận thức đến các điều kiện thực hiện và cả chỉnh sửa chính sách cho phù hợp.
GS.TS Đinh Quang Báo (Chủ biên chương trình môn Sinh học, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội): Giáo viên phải nắm vững “bản thiết kế” môn Khoa học tự nhiên
GS.TS Đinh Quang Báo. |
Nội dung giáo dục Khoa học tự nhiên được xây dựng kết hợp 3 trục cơ bản là: Các nguyên lí và khái niệm chung nhất về thế giới tự nhiên; các chủ đề khoa học tự nhiên; năng lực khoa học tự nhiên.
Trong đó, các nguyên lí và khái niệm chung nhất về thế giới tự nhiên là vấn đề xuyên suốt, gắn các chủ đề khoa học tự nhiên. Để tổ chức dạy học tích hợp môn học Khoa học tự nhiên, cần xác định logic quan hệ giữa 3 trục cơ bản của chương trình đã nêu trên. Dữ liệu để kết nối 3 trục là các đơn vị nội dung về vật lí, hóa học, sinh học.
Với giáo viên, để dạy môn Khoa học tự nhiên, việc đầu tiên là phải lập được 4 bảng ma trận các quan hệ: Quan hệ năng lực khoa học nhiên và chủ đề khoa học tự nhiên; quan hệ giữa các nguyên lí với các mạch nội dung vật lí, hóa học, sinh học; quan hệ giữa các chủ đề nội dung khoa học tự nhiên với các mạch nội dung vật lí, hóa học, sinh học; quan hệ giữa các chủ đề nội dung khoa học tự nhiên với kế hoạch dạy học các lớp từ 6 - 9. Hiện nay, việc lập các ma trận này cần sự phối hợp giáo viên Vật lí, Hóa học, Sinh học. Cần tập huấn cho tập thể giáo viên các trường kĩ năng lập các ma trận đó.
Khi đã lập được các ma trận như trên, việc phân công dạy sẽ linh hoạt. Một người dạy, hay 3 người dạy không phải là cứng nhắc nữa. Thực tiễn hiện nay, chỉ nên ai được đào tạo sâu nhất phân môn nào thì dạy phân môn đó, chỉ khác là họ phải cùng dạy theo ma trận đã xây dựng. Sản phẩm lao động sư phạm của tập thể giáo viên 3 phân môn còn là các chủ đề tích hợp. Nói một cách nôm na, giáo viên phải đọc được bản thiết kế môn Khoa học tự nhiên dạy cái gì; nguyên liệu, cách thức để dạy cấu trúc ấy thế nào… để biết rõ phần việc của mình trong dạy học môn học.
Ông Trịnh Văn Ngoãn (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long): Cần phân tiết chuẩn theo năm học
Ông Trịnh Văn Ngoãn. |
2 năm triển khai thực hiện chương trình môn Khoa học tự nhiên ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực; trong đó có việc thay đổi thói quen, cách làm, cách dạy, cách học, cách hướng dẫn theo yêu cầu của chương trình mới.
Tại Vĩnh Long, hiện tỉ lệ giáo viên/lớp cấp THCS đã tiệm cận với định mức của Bộ GD&ĐT. Lực lượng giáo viên Vật lí, Hóa học, Sinh học cơ bản đủ để triển khai thực hiện chương trình môn Khoa học tự nhiên. Cụ thể, tính đến 31/5, toàn tỉnh có trên 3.100 giáo viên THCS (tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1,88); trong đó có 512 giáo viên được phân công giảng dạy Khoa học tự nhiên khối lớp 6, 7, 8 năm học 2023 - 2024. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp. Do đó, Vĩnh Long có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong năm học 2023 - 2024 nhưng chỉ tập trung cho cấp mầm non và tiểu học, chỉ tiêu tuyển dụng cấp THCS không nhiều.
Sở GD&ĐT đã tích cực chủ trì, phối hợp tổ chức rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ cùng các điều kiện bảo đảm khác. Lộ trình bồi dưỡng, đánh giá cán bộ quản lí, giáo viên luôn gắn liền với việc tinh giản biên chế, tuyển dụng theo nguyên tắc có vào, có ra để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của đội ngũ. Với nguyên tắc nơi nào có học sinh, nơi ấy phải có đủ giáo viên giảng dạy, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Long luôn ưu tiên bố trí đủ biên chế cho ngành Giáo dục và bảo đảm kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, xem đây là sự đầu tư cho tương lai và cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Bộ GD&ĐT đã thống nhất quan điểm “không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ. Với mỗi mạch kiến thức trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí cấp THCS có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học”; chỉ cần “bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình”.
Tuy nhiên, quy định về giờ chuẩn của cán bộ quản lí, giáo viên theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT) lại được tính theo tuần (không thực hiện định mức giờ/năm học). Điều này gây khó khăn trong phân công giảng dạy các môn học tích hợp. Rất mong Bộ GD&ĐT điều chỉnh các thông tư trên theo hướng phân tiết chuẩn cho cán bộ quản lí, giáo viên theo năm học.
Cô Trương Thị Quý Hoa (Hiệu trưởng Trường THCS Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội): Bồi dưỡng giáo viên không phải để hoàn thiện chứng chỉ
Cô Trương Thị Quý Hoa. |
Sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn tích hợp của nhà trường đã chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoạt động chuyên môn của nhóm giáo viên dạy học môn tích hợp đã thể hiện tính chuyên nghiệp.
Giáo viên cốt cán, đại trà được tập huấn trực tiếp, thường xuyên, cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ khi giảng dạy môn tích hợp đầy đủ; từ đó chủ động, linh hoạt trong dạy học tích hợp, sáng tạo lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Thầy cô cũng tự học tập, bồi dưỡng, đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng chương trình.
Đưa vào dạy học môn tích hợp là phù hợp với xu hướng giáo dục mới, song còn nhiều thách thức. Giáo viên dạy đơn môn dù được tập huấn, bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng giảng dạy có chất lượng môn học. Cơ sở vật chất nhiều trường hạn chế, chưa đáp ứng được đổi mới phương pháp dạy học…
Để triển khai dạy học tốt môn tích hợp, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên có đầy đủ chứng chỉ môn tích hợp, kết hợp xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng tại cơ sở; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giáo viên; đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học giảng dạy môn tích hợp.
Để tiếp tục triển khai môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên hiệu quả, trước hết cần thiết kế chương trình với nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên, khả năng tiếp thu của học sinh. Tăng cường bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp theo quyết định của Bộ GD&ĐT, song phải có chiều sâu để giáo viên lấy kiến thức, không phải để hoàn thiện chứng chỉ.
Cần thực hiện bồi dưỡng vào dịp hè và bảo đảm quyền lợi cho giáo viên; kinh phí đào tạo phải do ngân sách địa phương chi trả. Năm nay có khóa sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên đầu tiên ra trường. Các cấp quản lý cần quan tâm tuyển dụng đội ngũ này cho đơn vị có nhu cầu. Cùng với đó, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT; công tác truyền thông thực hiện liên tục để chia sẻ kinh nghiệm từ những trường, cá nhân dạy môn tích hợp hiệu quả.