Tháo gỡ bất cập dạy - học môn Khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Đối với môn Khoa học tự nhiên, nhiều trường THCS hiện tổ chức dạy song song, thời khóa biểu có đầy đủ cả 3 phân môn Lý – Hóa – Sinh.

Cô trò Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.
Cô trò Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.

Tuy nhiên, việc dạy học như trên không phát huy hết “tinh thần” cũng như mục tiêu tích hợp. Trong khi đó, với những trường nỗ lực dạy tích hợp theo chuyên đề lại gặp nhiều khó khăn, bất cập khi giáo viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu, cơ cấu đội ngũ thừa thiếu cục bộ.

Thay đổi thời khóa biểu liên tục

Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An) trong 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 đều tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo hình thức song song, phân công giáo viên phụ trách từng phân môn Lý – Hóa – Sinh.

Nói về cách thức dạy học môn Khoa học tự nhiên như trên, cô Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận có một số bất cập, chưa thuận lợi. Khi dạy song song đồng thời 3 môn sẽ dẫn đến tình trạng có những môn đi trước chương trình.

Ví dụ có những kiến thức môn Hóa chưa dạy nhưng môn Sinh đã dạy rồi và thiếu sự kết nối giữa các môn. Hoặc có trường hợp, bài học của phân môn này, nhưng có nội dung tích hợp kiến thức của 1 - 2 môn còn lại, buộc giáo viên phải tự tìm hiểu thêm các môn học khác để tổ chức bài giảng phù hợp.

Trường THCS Lý Nhật Quang là trường trọng điểm, chất lượng cao của huyện Đô Lương cũng như của Nghệ An. Vì vậy, hình thức dạy song song đồng thời 3 môn cũng là phương án tối ưu nhằm đảm bảo chất lượng dạy học trong điều kiện giáo viên chưa được đào tạo bài bản về tích hợp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực triển khai chuyển đổi số, ứng dụng khoa học tự nhiên trong dạy học, tăng cường trao đổi chuyên môn, bài giảng. Nếu bài học có liên quan đến nội dung nhiều môn hoặc tích hợp sâu, thì các giáo viên cùng hỗ trợ nhau về mặt kiến thức để xây dựng giáo án.

Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Du (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) có 508 học sinh với 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Với môn Khoa học tự nhiên khối 6 - 7 và 8 toàn trường có 4 giáo viên phụ trách giảng dạy. Thầy Nguyễn Ngọc Linh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, mặc dù giáo viên đã được tập huấn giảng dạy môn Khoa học tự nhiên nhưng khi bước vào thực hiện không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ.

Giờ học tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Giờ học tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An).

“Giáo viên mặc dù được bồi dưỡng dạy tích hợp nhưng khi bắt tay vào thực hiện sẽ không tránh khỏi khó khăn. Để công việc giảng dạy thuận lợi, hiệu quả trong quá trình lên lớp giáo viên 3 phân môn sẽ trao đổi, hỗ trợ nhau để học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất”, thầy Linh nói.

Hiện nay, nhà trường đang tổ chức dạy song song đối với 3 phân môn. Với hình thức này, giáo viên có điều kiện dạy chuyên sâu từng môn học theo đúng chuyên môn được đào tạo nhưng thời khóa biểu của trường phải thay đổi liên tục. Theo đó, cứ khoảng 2 - 3 tuần, nhà trường sắp xếp, thay đổi thời khóa biểu để phù hợp với chương trình và giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Bất cập khi thừa thiếu giáo viên cục bộ

Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) triển khai môn Khoa học tự nhiên theo tinh thần tích hợp, dạy theo chuyên đề. Cụ thể, phân công 1 giáo viên phụ trách, dù rằng giáo viên đó chỉ được đào tạo sư phạm một phân môn, tốt nghiệp ngành Lý, ngành Hóa học, hoặc Sinh học. Bù lại, tổ chuyên môn trong nhà trường thường xuyên hỗ trợ bằng hình thức các giáo viên chủ trì sẽ tổ chức họp chuyên môn, hướng dẫn và giúp các giáo viên dạy liên môn thiết kế bài giảng.

Cô Nguyễn Thị Huyền Nga - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Những giáo viên đang bố trí dạy Khoa học tự nhiên đều là giáo viên trẻ, yêu nghề và ham học hỏi. Qua 2 năm triển khai đối với lớp 6 - 7 cơ bản thuận lợi và phù hợp. Tuy nhiên, sang lớp 8, lớp 9 lượng kiến thức nhiều hơn, khó hơn, tích hợp sâu hơn thì rõ ràng cách bố trí giáo viên “2 trong 1”, “3 trong 1” sẽ nặng cho giáo viên. Nếu gắng sức thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cũng cho hay, qua sinh hoạt chuyên môn, nhiều giáo viên nêu thực tế nếu học theo hình thức cuốn chiếu hoặc dạy theo từng chuyên đề như hiện nay học sinh sẽ quên rất nhiều kiến thức, vì thời gian học các môn học có khi sẽ gián đoạn nhiều tháng. Hơn nữa, nếu giáo viên phụ trách môn nhưng không được đào tạo bài bản, không có chuyên ngành thì sẽ khó đào tạo được học sinh giỏi...

Giáo viên thảo luận, trao đổi nhằm chia sẻ cách làm hay, hiệu quả khi dạy 3 phân môn Khoa học tự nhiên.
Giáo viên thảo luận, trao đổi nhằm chia sẻ cách làm hay, hiệu quả khi dạy 3 phân môn Khoa học tự nhiên.

Qua trao đổi với nhiều giáo viên, lãnh đạo các nhà trường, lúng túng trong tổ chức dạy học môn tích hợp ở cấp THCS phần lớn do đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế hiện nay chưa có sinh viên sư phạm tốt nghiệp môn tích hợp nên chưa thể tuyển dụng. Trước đó, một số giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm có đào tạo liên môn nhưng chỉ 2 môn như Văn - Sử, Sử - Giáo dục công dân, Sinh - Thể dục hoặc Địa - Hóa. Điều này lại không phù hợp với Chương trình GDPT 2018 khi tích hợp Sử - Địa, giáo viên Hóa - Sinh hoặc giáo viên Lý - Hóa...

Việc giáo viên được đào tạo 1 chuyên môn thực hiện dạy học tích hợp theo chủ đề dẫn đến nguy cơ quá tải đối với giáo viên và nhà trường. Cụ thể với lớp 7, nếu dạy theo hình thức này, học kỳ I, học sinh học hai môn Vật lý và Hóa học và sang học kỳ II học sinh mới học môn Sinh học.

Dẫn đến trong học kỳ I, giáo viên dạy Hóa học có thể dạy đến trên 30 tiết (vượt hơn 10 tiết so với quy định), nhưng sang học kỳ II, giáo viên Sinh học lại quá tải. Hiện, nhiều trường không thể triển khai dạy học theo hình thức này, bởi thứ nhất là không có kinh phí để hợp đồng thêm giáo viên. Trong trường hợp nếu bố trí giáo viên dạy quá tiết lại không có kinh phí để trả thêm giờ cho giáo viên.

Một bất cập khác hiện nay ở các nhà trường đó là thừa thiếu giáo viên cục bộ nên rất khó bố trí. Trường THCS Hưng Lộc (TP Vinh) có 3 giáo viên Vật lý, 3 giáo viên Sinh học nhưng chỉ có 1 giáo viên Hóa học. Cô Đậu Thị Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Cơ cấu giáo viên như vậy buộc chúng tôi phải hợp đồng thêm giáo viên Hóa học dù cơ cấu giáo viên theo tỷ lệ của trường là đã đủ 1,7 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, vì không có giáo viên để hợp đồng nên chúng tôi đang hợp đồng chung với một giáo viên đang dạy ở Trường THCS Đặng Thai Mai”.

Giáo viên Kon Tum tham gia tập huấn, bồi dưỡng dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên.

Giáo viên Kon Tum tham gia tập huấn, bồi dưỡng dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên.

Tăng cường bồi dưỡng

Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) triển khai mô hình tiên tiến. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng lại chương trình phù hợp với nhu cầu học sinh và cơ cấu giáo viên. Theo cô Tăng Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng nhà trường, năm học này chỉ còn khối 9 học chương trình hiện hành. Khối 7 và 8 học Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch, còn khối 6 sẽ có thêm chương trình tăng cường theo mô hình tiên tiến.

Đối với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường có thuận lợi là cơ bản đủ giáo viên, với 2 người môn Vật lý, 2 người môn Sinh học và 1 người môn Hóa học. Nhà trường đang triển khai dạy tích hợp chứ không song song từng phân môn riêng biệt.

Để đáp ứng yêu cầu dạy học mới, giáo viên được sở GD&ĐT tập huấn, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực sinh hoạt chuyên môn liên trường, giao lưu cụm trường để nâng cao năng lực, phương pháp dạy học cho giáo viên. Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, cấp kinh phí bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Trong đó năm 2023 dự kiến sẽ tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho 17 nghìn giáo viên.

Ông Lê Hải Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), cho hay, các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cấp THCS tại địa phương đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng dạy tích hợp. Tuy nhiên, để giáo viên dạy toàn bộ các phân môn ở một khối lớp thì phải có lộ trình. Hiện nay, các trường đều phân công từ 2 - 3 giáo viên phụ trách môn học này. Do đó, giáo viên ở các phân môn thường xuyên trao đổi, phối hợp để cùng học tập và nghiên cứu nội dung mới nhằm chia sẻ cách làm hay, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT Kon Tum, cho biết, ngành Giáo dục Kon Tum đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy phân môn theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Thời gian cũng như khối lượng kiến thức được bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên còn hạn chế nên Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT, nhà trường tạo điều kiện để thầy, cô tự bồi dưỡng nhằm nâng cao nghiệp vụ. Thời gian tới nếu các trường, giáo viên còn gặp khó thì sẽ tiếp tục bồi dưỡng để tháo gỡ vướng mắc.

“Ngành Giáo dục Kon Tum đang tìm giải pháp nhằm tháo gỡ và triển khai phương án tối ưu nhất để học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng, thuận lợi. Đơn vị đã thành lập tổ hướng dẫn giáo viên xây dựng bài giảng bằng clip liên quan đến kiến thức của các phân môn còn lại.

Từ đó, giáo viên có thể khai thác được kiến thức nền, bổ trợ cho các môn học khác, tạo sự liền mạch giúp học sinh dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ. Trong quá trình triển khai sẽ gặp không ít khó khăn, tuy nhiên ngành Giáo dục Kon Tum sẽ dần tháo gỡ để chương trình được triển khai hiệu quả, đảm bảo”, ông Nguyễn Đình Vinh nói.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, khi được tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp, giáo viên sẽ có phương pháp, kỹ năng dạy học tích hợp. Đồng thời, ngành cũng khuyến khích các nhà trường tích cực sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường để giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế. Đồng thời động viên thầy, cô giáo tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ