Khó giải bài toán ô nhiễm ở “làng tạo nhựa”

GD&TĐ - Từ lâu, chính quyền xã Tiên Dược (Sóc Sơn – Hà Nội) đã nghĩ cách giải bài toán ô nhiễm môi trường từ nghề tạo nhựa. Tuy nhiên, càng đi tìm lời giải thì môi trường lại càng ô nhiễm!

Mặc dù biết rõ các cơ sở làm nghề tạo nhựa, giặt tải... trên địa bàn gây ô nhiễm nhưng UBND xã Tiên Dược lại không có thẩm quyền xử lý.
Mặc dù biết rõ các cơ sở làm nghề tạo nhựa, giặt tải... trên địa bàn gây ô nhiễm nhưng UBND xã Tiên Dược lại không có thẩm quyền xử lý.

Ba lần tìm lời giải đều thất bại

Hàng chục năm qua người dân xã Tiên Dược phải sống chung với ô nhiễm môi trường do hoạt động của các cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, giặt bao tải, sản xuất gioăng kính... gây ra.

Chính quyền địa phương xác định việc cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo đảm môi trường sống vẫn là bài toán cần lời giải cấp bách. Vì thế, trong thời gian dài UBND xã Tiên Dược phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đến từng hộ vận động dừng sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhiều hộ nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường là cần kíp hơn cả nên đã tự nguyện bỏ nghề, dỡ bỏ cơ sở. Tuy nhiên, những hộ còn lại vì lợi ích kinh tế đã đầu tư thêm máy móc, mở rộng cơ sở, tuyển thêm công nhân, tăng gia sản xuất… Tiên Dược trở thành một điểm đen ô nhiễm.

Không chỉ không khí, nguồn nước mà ngay cả đến đồ ăn thức uống của địa phương cũng nhiễm độc.

Cách giải thứ hai mà UBND xã Tiên Dược áp dụng đó là cưỡng chế các cơ sở sản xuất trái phép trên đất nông nghiệp. Trong 2 năm, 2016 - 2017, chính quyền đã quyết liệt ra quân xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất hạt nhựa, làm gioăng kính và giặt bao tải.

Tuy nhiên, ngay sau đó, các cơ sở này chuyển máy móc thiết bị vào hẳn khu dân cư - mở xưởng trên đất thổ cư để hoạt động. Từ đó, các cơ sở sản xuất tạo nhựa hoạt động bất kể ngày đêm và vô tư xả khói cùng nước thải ra môi trường.

Như vậy, giải bài toán môi trường bằng cách “cưỡng chế” của chính quyền xã Tiên Dược và huyện Sóc Sơn lại thất bại.

Cách giải thứ ba và được xem là cách cuối cùng là UBND xã Tiên Dược phải có 1 khu cụm công nghiệp sản xuất tập trung để quản lý nguồn thải tránh ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo đại diện xã Tiên Dược thì xã từng xin thành lập một khu sản xuất riêng, nhưng do địa phương là lõi vệ tinh của Hà Nội nên không được phép.

Bài toán ngày càng bế tắc

Khảo sát tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược cho thấy, mặc dù có khá ít hộ tham gia sản xuất nhưng đường làng ngõ xóm chất đầy phế thải, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Quá trình đốt nhựa và sản xuất gioăng kính... đã tạo ra lượng khói khổng lồ, mùi khét vẫn nồng nặc tỏa ra cả vùng.

Các hộ dân sống cạnh các cơ sở làm nghề giặt bao tải thì khói bụi bay bám khắp nhà. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng, người dân xã Tiên Dược ngoài việc gửi đơn đến các cấp chính quyền, thì một cách nữa để họ giải quyết đó là khuyên can các gia đình chuyển xưởng sản xuất đến một khu cụm công nghiệp gần đó.

“Các hộ không nghe đề xuất của chúng tôi. Họ cho là sản xuất tại khu dân cư, trên chính mảnh đất của họ là đúng pháp luật. Còn vấn đề về môi trường thì họ vẫn chối cãi, và cho rằng “chẳng tội gì phải mất mấy chục triệu một tháng để thuê xưởng ở cụm công nghiệp”, ông Dương Văn Nhất, trưởng xóm Trại, thôn Tiên Dược cho biết.

Trong khi đó, chúng tôi hỏi một người dân làm nghề giặt tải tại địa phương, người này cho biết: Nghề giặt tải, tạo nhựa hay làm gioăng kính cũng kiếm được đồng ra, đồng vào. Cũng biết là gây ô nhiễm môi trường nhưng nếu không làm thì không có nghề gì để mưu sinh.

Đến nay toàn xã Tiên Dược vẫn còn khoảng 30 hộ hoạt động sản xuất tạo nhựa, giặt tải và gioăng kính.

Phó chủ tịch UBND xã Tiên Dược, ông Trịnh Văn Phúc cho biết, xã đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hộ theo thẩm quyền, với hành vi không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; yêu cầu các hộ làm nghề phải có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa có chế tài xử lý dứt điểm như: Di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư có phát sinh chất thải ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.

Vậy là bài toán môi trường tại xã Tiên Dược không những không có lời giải mà ngày càng đi vào bế tắc.

“Chúng tôi thừa nhận là môi trường địa phương hiện nay quá ô nhiễm. Tuy nhiên, đó là chúng ta cảm nhận bằng mắt thường. Còn dựa vào các chỉ số quan trắc mà cơ quan chức năng thực hiện tại các hộ sản xuất thì không vượt nhiều.

Vừa qua, khi được người dân phản ánh về cơ sở của ông Lê Văn Hưng ở xóm Trại, chúng tôi có vào kiểm tra và sắp tới sẽ cưỡng chế 3m2 xưởng trên đất nông nghiệp gần đất thổ cư của họ”. Ông Trịnh Xuân Phúc, Phó chủ tịch xã Tiên Dược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ