8 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương
Ngày nay, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trên 8 triệu tấn rác nhựa đã thải ra đại dương. 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền và 20% còn lại là do các hoạt động trên biển.
Trên thế giới, đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đến các dự án thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức quốc tế, chính phủ, phi chính phủ, khối tư nhân.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13 và cùng với lãnh đạo của các quốc gia ra Tuyên bố cấp cao Đông Á về Chống rác thải nhựa trên biển. Việt Nam cũng đã tham dự và cùng với các quốc gia ASEAN ra Tuyên bố Băng-cốc về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN và Khung hành động ASEAN về rác thải biển ngày 22/6/2019.
Phong trào lan tỏa ở 80 quốc gia
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Liên Hợp Quốc đã phát động phong trào “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Thời gian qua, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới đưa ra các lệnh cấm tương tự đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ các đại dương.
Cụ thể, tại San Francisco (Mỹ) đã thực hiện lệnh cấm túi nhựa dẫn đến việc giảm 72% rác thải nhựa trên các bãi biển địa phương từ năm 2010 đến 2017. Bỉ, Đức, Đan Mạch, Nam Phi đã áp dụng biện pháp đánh thuế để giảm thiểu rác thải biển.
Năm 2016, Chính phủ Canada đưa vi hạt nhựa vào Danh sách chất độc hại theo Luật Bảo vệ Môi trường. Panama là quốc gia Trung Mỹ đầu tiên tiến hành cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển.
Rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường và sinh thái biển (Internet) |
Từ nay đến năm 2022, Thái Lan sẽ chấm dứt sử dụng các loại túi ni lông mỏng hơn 36 micron, các loại hộp xốp đựng thực phẩm, các loại ống hút bằng nhựa và cốc nhựa sử dụng một lần.
New Zealand đã ra lệnh cấm sử dụng túi nhựa một lần từ ngày 1/7/2019.
Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nylon, thay vào đó là các loại túi sử dụng chất liệu có thể phân hủy được. Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã cấm nhập khẩu nhựa thải, nằm trong sáng kiến làm sạch môi trường của quốc gia này.
Một số quốc gia chưa thể triệt để giải quyết thói quen sử dụng túi nylon của người dân đã bắt đầu có các biện pháp phòng chống, hạn chế như trả tiền cho người dân để tái chế, thu thập chất thải nhựa như tại Cameroon). Morocco thay dần túi nylon bằng túi vải).
Nhiều sáng kiến, nghiên cứu, ứng dụng đã được các nước triển khai thực hiện. Năm 2017, tại Colombia đưa ra ý sáng kiến giao nhựa thải để nhận phần thưởng. Bằng sáng kiến này, các thành phố ở Colombia đã khích lệ và tạo được văn hóa tái chế nhựa trên khắp cả nước.
Hay tại Indonesia, mọi người có thể đổi rác thải để được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Hoặc như tại Philipin, Camerun và một số nước tại châu Âu đã có các sáng kiến thu vớt lưới đánh bắt cá để tái chế và làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm khác.