Hà Nội: Xử lý chất thải y tế nguy hại theo cách nào?

GD&TĐ - Theo khảo sát, 31/2.956 cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại. Một số cơ sở y tế đã và đang áp dụng mô hình xử lý tại chỗ theo công nghệ đốt và công nghệ không đốt.

Công nghệ không đốt tiệt trùng được đánh giá cao nhưng lại có nhược điểm là chất thải phải được chôn lấp
Công nghệ không đốt tiệt trùng được đánh giá cao nhưng lại có nhược điểm là chất thải phải được chôn lấp

Khó kiểm soát chất thải y tế

Mới đây, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê từ các báo cáo quan trắc, chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng 23% so với tổng lượng chất thải y tế phát sinh.

Hiện có 192 bệnh viện có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế và đều đã thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế. Trong đó, tuyến Trung ương có 1 bệnh viện, tuyến tỉnh có 52 bệnh viện và tuyến huyện có 135 bệnh viện. Riêng khối tư nhân có 4 bệnh viện.

Tổng lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý theo yêu cầu trong kỳ báo cáo đạt tỷ lệ 99%; trong đó các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tư nhân đã xử lý 100% lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các lò đốt đang sử dụng đã xuống cấp, thiếu linh kiện thay thế, không được bảo dưỡng định kỳ nên việc xử lý chất thải bằng lò đốt tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, một số bệnh viện có các thông số không đạt tiêu chuẩn về SO2, CO, NOx, bụi tổng, Pb…

Như vậy, việc kiểm soát chất thải y tế không chỉ là vấn đề “nóng” đối với ngành Y tế mà là của toàn xã hội. Nếu không được xử lý tốt, hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện “đẩy” vào môi trường mỗi ngày sẽ là nguồn gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Gom lại để xử lý tập trung

Hầu hết các lò theo công nghệ đốt mà Hà Nội đầu tư cho các bệnh viện đã hỏng
Hầu hết các lò theo công nghệ đốt mà Hà Nội đầu tư cho các bệnh viện đã hỏng 

Vì thế, đề án “Xử lý chất thải y tế nguy hại TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” được UBND TP phê duyệt là tin vui không chỉ với ngành Y tế mà còn là tin vui đối với cộng đồng, trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo đề án này, đến năm 2020, Hà Nội đảm bảo 100% các cơ sở y tế trên địa bàn, từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện, thực hiện việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội hiện có 46 bệnh viện Trung ương và bộ, ngành. Trong đó, có 14/21 bệnh viện thuộc Bộ Y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN 28:2010/BTNMT về nước thải y tế; 7/21 bệnh viện đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới nguồn dự án WB và nguồn khác. Đối với các cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành khác quản lý, do đầu tư hệ thống nước thải nhiều năm trước đây, nên hệ thống xử lý chất thải lỏng tại một số bệnh viện đã xuống cấp, xả thải chưa bảo đảm đúng quy định vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.

Đối với hệ thống xử lý chất thải lỏng của các cơ sở y tế do Hà Nội quản lý, trong giai đoạn 2010 – 2016, Hà Nội đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 34 bệnh viện tư nhân đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế ở Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Còn 11 bệnh viện đầu tư theo quy mô trước đây, hiện đã xuống cấp. Do vậy, với nguồn vốn thực hiện đề án nói trên mới chỉ góp phần hóa giải được nỗi lo về chất thải y tế nguy hại đối với môi trường.

Theo số liệu riêng của Sở TN&MT Hà Nội năm 2018, thì hầu hết các cơ sở y tế thuộc đối tượng phải đăng ký cấp Số chủ nguồn thải (>600kg/năm) đã thực hiện, không có cơ sở nào tự xử lý, 1 cơ sở xử lý chất thải rắn theo cụm là Trạm Y tế Hồ Tây, các cơ sở còn lại đều ký hợp đồng thuê đơn vị chức năng vận chuyển xử lý tập trung. Như vậy, chất thải y tế nguy hại tại Hà Nội hiện được xử lý chủ yếu bằng hình thức tập trung tại những nơi xa dân cư gồm 2 loại công nghệ đốt và không đốt.

Cẩn trọng với công nghệ không đốt

Gần 100% cơ sở y tế do Hà Nội quản lý đều ký hợp đồng thuê đơn vị chức năng vận chuyển xử lý tập trung
 Gần 100% cơ sở y tế do Hà Nội quản lý đều ký hợp đồng thuê đơn vị chức năng vận chuyển xử lý tập trung

Theo UBND TP Hà Nội, có 16 bệnh viện huyện đã được đầu tư hệ thống lò đốt theo công nghệ S1-SH của Nhật Bản và 3 đơn vị được đầu tư trước đó: Bệnh viện Hà Đông theo công nghệ P100 của Mỹ; Bệnh viện Sơn Tây theo công nghệ Howel của Áo và Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì.

Tổng số tiền đầu tư cho 16 bệnh viện công lập giai đoạn 2010 – 2013 là 24 tỷ đồng và được bàn giao cho các bệnh viện sử dụng. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội thì đến nay hầu hết các lò đốt đó đã hỏng, phải đổ dầu vào lò đốt đi đốt lại… gây ô nhiễm môi trường và tốn kém.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 bệnh viện thực hiện xử lý tại chỗ bằng lò đốt là Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức. Tuy nhiên, theo kế hoạch các lò đốt này sẽ phải đóng cửa vào năm 2020.

Để thay thế công nghệ đốt, Hà Nội đã thay thế công nghệ không đốt tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Phổi Trung ương (dừng xử lý năm 2018), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền.

Theo các chuyên gia, công nghệ áp dụng cho 4 đơn vị này là công nghệ vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa. Công suất xử lý khoảng 20 – 24kg/h, chi phí xử lý <6.000 đồng/kg. Chất thải sau khử tiệt khuẩn được cắt nhỏ, làm mất hình dạng, không còn khả năng lây nhiễm.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng phát sinh nhược điểm là không phù hợp với chất thải giải phẫu, chất thải hóa học và dược phẩm, không làm giảm tối đa thể tích chất thải và phải chôn lấp cẩn thận nếu không sẽ ô nhiễm do vi khuẩn phát sinh.

Trong 5/21 hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được đánh giá xuống cấp là BV Phụ sản T.Ư, BV Hữu nghị Việt Đức, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư; hoặc quá tải là cụm BV Bạch Mai và Nhi T.Ư đang xây mới hệ thống xử lý nước thải theo dự án của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.