Từ đó, bùng lên thành đại dịch cúm. Trong những tháng cuối năm, bệnh cúm tăng do nhiệt độ thấp thuận lợi cho virus cúm tồn tại.
Bệnh tăng vào mùa đông - xuân
Theo thống kê từ Bộ Y tế, hằng năm, nước ta ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số trường hợp mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối. Trong đó, phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A độc lực thấp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tại khoa Nhi, Bệnh viện E, số lượng ca thăm khám liên quan đến bệnh cúm RSV, sốt xuất huyết… lên đến 100 - 150 ca/ngày. Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cũng ghi nhận trung bình từ 70 - 80 bệnh nhi thăm khám. Trong đó, phần lớn có các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người…
Theo Sở Y tế Hà Nội, các bệnh truyền nhiễm khác như Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Bệnh sốt xuất huyết đang tăng về số lượng. Mới đây, số lượng bệnh nhân nhiễm Adenovirus ở mức cao. Hiện, dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Do vậy, người dân và hệ thống y tế dự phòng cần phải chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Tại Việt Nam, cúm là một trong các bệnh hô hấp có thể bùng phát thành dịch. Số ca mắc cúm thường gia tăng vào mùa đông - xuân. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6, dịch cúm A bùng phát ở Hà Nội khiến gần 3.000 người mắc. Nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tổn thương thần kinh trung ương…
Một số trường hợp nặng phải thở máy, điều trị trong các phòng hồi sức tích cực (ICU). Đợt bùng phát dịch cúm A ở Hà Nội được xem là trái mùa.
Biến chủng thông minh
Theo nghiên cứu về bệnh cúm được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet, tỷ lệ ca mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới.
Theo các chuyên gia, nhóm virus cúm mùa được phân loại thành chủng A, B, C. Trong đó, các chủng cúm A và B khả năng lây lan nhanh, gây thành dịch lớn.
BS.CKII Mã Thanh Phong, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Hiện nay, nhiều người nhầm cúm mùa là cảm lạnh nên dẫn đến chủ quan không phòng ngừa. Trong khi đây là 2 bệnh khác nhau. Cúm gây sốt, ho, sổ mũi, nhức đầu như cảm lạnh.
Tuy nhiên, cúm có thể rất nhanh diễn tiến sang biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm tai giữa và thậm chí tử vong, nhất là ở người cao tuổi, trẻ nhỏ và người đã bị suy giảm miễn dịch”.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “Hoạt động trái mùa của virus cúm không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia trên thế giới.
Chương trình giám sát cúm mùa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận cúm có những diễn biến bất thường như các đợt bùng phát dữ dội ở một số quốc gia, hoạt động trái mùa của cúm và khả năng lưu hành cúm đồng thời với SARS-CoV-2”.
Chuyên gia này dẫn chứng, WHO và các quốc gia phải thường xuyên giám sát dịch cúm. Những đột biến gene liên tục của virus cúm có thể tạo ra các chủng virus cúm khác biệt rất xa so với chủng ban đầu. Những chủng đó thoát khỏi sự phát hiện của hệ miễn dịch. Từ đó, bùng lên thành đại dịch cúm.
Đây cũng là lý do các vắc-xin cúm phải cập nhật thành phần kháng nguyên hằng năm để theo kịp sự thay đổi của virus cúm. Vắc-xin cần được tiêm ngay thời điểm trước mùa đông để kịp sinh kháng thể. Bởi, trong những tháng cuối năm, bệnh cúm gia tăng do nhiệt độ thấp thuận lợi cho virus cúm tồn tại.
Bác sĩ Chính cho biết, biến chủng virus cúm rất thông minh, có khả năng khiến miễn dịch con người giảm theo thời gian. Xu hướng dịch khó dự báo. Cúm phân loại dựa theo cấu trúc của protein bề mặt virus gồm Hemagglutinin (viết tắt là HA hoặc H) và Neuraminidase (viết tắt là NA hoặc N). Hai loại kháng nguyên này được ví như “lớp áo khoác” và thay mỗi năm, tạo nên những tuýp kháng nguyên mới nguy hiểm hơn.
Để phòng bệnh cúm lây lan, bác sĩ Chính khuyến cáo, người dân cần sử dụng điều hòa đúng cách. Không nên bật điều hoà cả ngày mà cần có khoảng thời gian tắt, mở cửa cho không khí lưu thông và diệt trừ virus.
Cùng với đó, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo đúng lịch, nhất là các nhóm có sức đề kháng kém như trẻ em (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: Sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...).
Đồng thời, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
Ngoài ra, cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi có các triệu chứng mắc bệnh truyền nhiễm, cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.