Cúm mùa đang hoành hoành, chăm sóc trẻ bị bệnh thế nào mới đúng?

GD&TĐ - Khi bị ho, sốt, mệt mỏi... nhiều người thường nghĩ ngay đến Covid-19 mà chủ quan bỏ qua các biểu hiện của bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm cúm mùa hoành hành, nhiều trẻ đã mắc bệnh với triệu chứng nặng...

Ảnh: VNVC.
Ảnh: VNVC.

Theo BS. Lê Trương Tuyết Minh - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mọi nhà trong suốt 2 năm qua. Trong khi Covid-19 đang có xu hướng giảm nhanh thì nhiều dịch sốt khác đang bắt đầu tăng mạnh. Một trong số các dịch sốt có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây phải kể đến cúm mùa.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân hoặc khi chuyển mùa.

Theo CDC Mỹ, ước đoán hàng năm có từ 290.000 đến 650 000 ca tử vong liên quan đến cúm mùa, trong đó tỉ lệ tử vong trẻ em từ 110-140 trẻ chết/10.000 người tử vong.

Thống kê của WHO cho thấy, dịch cúm ở Việt Nam thường bắt đầu sau tháng 4, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 6 đến tháng 8.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tỉ lệ trẻ em mắc cúm mùa nhập viện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ngày càng gia tăng và có nhiều cháu có diễn biến nặng.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Lâm sàng cúm mùa như thế nào?

Trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành.

Lâm sàng thường xuất hiện sau 1- 4 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm với biểu hiện sốt (thường trên 38oC), đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, ăn không ngon, mệt mỏi và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

Chẩn đoán mức độ bệnh

Cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ): Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.

Cúm có biến chứng (cúm nặng): Là ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:

Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm) và/hoặc:

Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu)

Nhóm trẻ có nguy cơ cao biến chứng cúm nặng: Trẻ < 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 2 tuổi.

Trẻ mắc những bệnh mãn tính: chậm phát triển trí tuệ hoặc vận động, hen phế quản, tim bẩm sinh, suy thận mạn, xơ gan.

Trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì nặng.

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

Nguyên tắc điều trị

Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.

Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.

Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.

Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.

Điều trị theo mức độ bệnh:

Cúm có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.

Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ: nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus.

Cúm chưa biến chứng: Có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.

Điều trị thuốc kháng virus

Chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.

Thuốc được sử dụng hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir.

Liều lượng Oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng. Thời gian điều trị là 5 ngày.

Zanamivir: Dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có Oseltamivir hoặc kháng với Oseltamivir.

Chăm sóc trẻ cúm mùa như thế nào?

Hạ sốt cho trẻ. Nới rộng quần áo cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.

Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.)

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của Bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38.5 độ C

Cách vệ sinh đường hô hấp

Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn.)

Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ

Cách phòng bệnh cúm mùa cho trẻ

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.

WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau: Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ; ­Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; Người cao tuổi (trên 65 tuổi); Người mắc bệnh mãn tính; Nhân viên y tế.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ