Chuyên gia lý giải cúm A bùng phát trái mùa

GD&TĐ -Giữa mùa hè, nhưng virus gây cúm A cũng hoành hành. Một trong những nguyên nhân có thể do 2 năm qua, virus này bị Covid chiếm mất “vật chủ” là con người. Do đó, khi Covid lắng xuống, các virus khác bùng lên.

Bệnh nhi mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Số ca mắc cúm A tăng “bất thường”

Gần đây, mỗi ngày, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận hàng chục ca bệnh có dấu hiệu cúm A. Số lượng bệnh nhân tăng vọt, khiến các bác sĩ bất ngờ. Bởi, thông thường, cúm A xuất hiện vào mùa đông xuân.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho biết, thông thường, thời điểm này hằng năm, tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A.

Tuy nhiên, năm nay đang ghi nhận sự đảo ngược. Số mắc sốt xuất huyết còn ít, nhưng bệnh nhân cúm A bất ngờ tăng mạnh.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp đến có dấu hiệu cúm A. TS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, trong vài tuần gần đây, đơn vị tiếp nhận số bệnh nhân cúm A tăng “bất thường” so với cùng kỳ các năm trước.

“Mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát, do vậy ban đầu các bác sĩ không nghĩ đến căn bệnh này. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, thấy bệnh nhân có những biểu hiện rầm rộ và điển hình của bệnh cúm, các bác sĩ đã tiến hành thêm xét nghiệm khẳng định và phát hiện nhiều trẻ mắc cúm A”, bác sĩ Thúy chia sẻ.

Cụ thể, trong hàng trăm trường hợp đến khám mỗi ngày tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A. Thông thường vào mùa hè, bệnh cúm mùa ít xuất hiện. Lý do là vì thời tiết khô nóng không thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm cho virus cúm phát triển và gây bệnh. Loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm.

Lý giải về nguyên nhân bệnh cúm A xuất hiện “đột biến” thời gian gần đây, TS Đặng Thị Thúy cho biết, hiện nay, thời tiết biến đổi bất thường, có những nguyên nhân chưa lý giải hết được. Bệnh viện ghi nhận số ca bệnh cúm tăng bất thường so với cùng thời điểm hằng năm. Tuy nhiên, về tổng quan, chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận.

Theo bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, một điều lạ là năm nay, giữa mùa hè nhưng rất nhiều trẻ bị nhiễm RSV và cúm A, B.

Trong khi đó, mọi năm, những virus này chỉ xuất hiện ở mùa đông. “Năm nay giữa mùa hè, nhưng chúng cũng hoành hành. Có vẻ như 2 năm qua, các virus này bị Covid chiếm mất “vật chủ” là con người. Do đó, khi Covid lắng xuống thì các virus khác bùng lên.

Vậy nên, cha mẹ cần chú ý giữ gìn cho con. Thực hiện các biện pháp để phòng bệnh truyền nhiễm nói chung, RSV và cúm nói riêng như: Rửa tay, vệ sinh tốt, dinh dưỡng tốt, tránh nơi đông người... và đeo khẩu trang”, bác sĩ Công chia sẻ.

Người bệnh có thể tự khỏi

Để phòng cúm A, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, phương pháp tốt nhất để phòng cúm A là tiêm vắc-xin cúm hằng năm.

ThS.BS Đoàn Ngọc Quỳnh - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - cho biết, cúm A là một loại cúm mùa có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm virus cúm A có thể cải thiện mà không cần dùng thuốc theo toa. Tuy nhiên, bệnh nhân nên đi khám và được bác sĩ tư vấn để chẩn đoán tình trạng bệnh. Cúm A thường có biểu hiện giống với cảm lạnh thông thường, nhưng có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn.

“Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A có thể nghiêm trọng và gây ra đại dịch bệnh trên diện rộng.

Một số trường hợp nhẹ hơn, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể. Các trường hợp nghiêm trọng của cúm A có thể đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Quỳnh giải thích.

Cúm A thường xuất hiện nhiều hơn trong các dịch bệnh cúm mùa và gây ra đại dịch. Bởi, virus cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh, tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Việc tiêm phòng cúm trong quá khứ sẽ không ngăn nhiễm trùng từ một chủng mới.

Không giống cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: Ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.

“Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên đi khám để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra”, bác sĩ Quỳnh khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.