Trước yêu cầu thực tiễn này, Thạc sĩ Phạm Đức Tài (Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT) đã đưa ra những vấn đề giáo viên cần quan tâm để phát triển kĩ năng, năng lực đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua hồ sơ học tập.
Để đánh giá thành công qua hồ sơ học tập
Theo Thạc sĩ Phạm Đức Tài, để thực hiện được một đánh giá thành công thông qua hồ sơ học tập, đòi hỏi giáo viên phải bỏ nhiều công sức chứ không chỉ đơn giản là tập hợp các sản phẩm của học sinh lại với nhau.
Đánh giá qua hồ sơ học tập là một dạng của đánh giá qua hoạt động, vì vậy, nó phụ thuộc và 4 yếu tố: Mục đích rõ ràng, tiêu chí hoạt động phù hợp, bối cảnh phù hợp và cách thức chấm điểm.
Giáo viên cần trả lời một số câu hỏi khi đánh giá hồ sơ học tập, như: Mục đích đánh giá? Cần đánh giá qua những tài liệu, sản phẩm gì, bỏ đi những tài liệu, sản phẩm gì? Hồ sơ học tập này sẽ được đánh giá như thế nào?
“Ở đây, mục đích đánh giá sẽ điều chỉnh việc thu thập và sắp xếp hồ sơ học tập. Mục đích của hồ sơ học tập là vấn đề đầu tiên giáo viên cần xác định khi sử dụng hồ sơ học tập để đánh giá.
Giáo viên cần xác định mục đích và định hướng lựa chọn sản phẩm đưa vào hồ sơ trước khi tiến hành đánh giá thông qua hồ sơ” - Thạc sĩ Phạm Đức Tài lưu ý.
Cũng theo Thạc sĩ Phạm Đức Tài, để khích lệ học sinh tự chủ với những hồ sơ học tập của mình, giáo viên nên cho phép học sinh lựa chọn ít nhất một vài sản phẩm đưa vào hồ sơ.
Nên thiết kế hồ sơ học tập với 2 loại sản phẩm: Một do giáo viên yêu cầu và một do học sinh tự lựa chọn. Khi cho phép học sinh lựa chọn sản phẩm đưa vào hồ sơ, giáo viên cần nêu rõ các yêu cầu giúp học sinh dễ thực hiện, như: Loại nào, giải thích tại sao lại đưa sản phẩm này, thời gian của hồ sơ, tự nêu nhận xét...
Mục đích của đánh giá toàn bộ một hồ sơ học tập thường là để tổng hợp đưa ra điểm số đánh giá. Đánh giá này đòi hỏi giáo viên phải xây dựng một bộ tiêu chí tổng hợp.
Mỗi sản phẩm trong hồ sơ học tập được đánh giá bằng các phương pháp như bảng kiểm, thang đo và rubic với các tiêu chí hoạt động đặc trưng của từng sản phẩm được đưa vào.
“Đánh giá qua hồ sơ học tập có thể rất tốn thời gian, vì không những đánh giá từng sản phẩm có mặt trong hồ sơ học tập mà giáo viên còn phải tính toán để đánh giá tổng hợp, từ đó đưa ra một kết quả đánh giá tổng thể hoạt động mà học sinh đã thể hiện thông qua hồ sơ học tập” - Thạc sĩ Phạm Đức Tài cho hay.
Lưu giữ hồ sơ học tập khoa học
Hồ sơ học tập dùng để theo dõi sự tiến bộ của học sinh, đánh giá học sinh, do đó, theo thạc sĩ Phạm Đức Tài, các sản phẩm đưa vào hồ sơ phải được lưu giữ một cách khoa học, đảm bảo tiện lợi cho việc cập nhật và sử dụng. Cần có nơi để lưu giữ, đảm bảo an toàn, nhưng giáo viên và học sinh vẫn có thể dễ dàng tiếp cận.
Hồ sơ học tập không phải là một cái khoa chứa tất cả những sản phẩm học tập. Thay vào đó, mỗi hồ sơ học tập đều có mục đích cụ thể, rõ ràng, phản ánh mục tiêu học tập.
Do mục đích rõ ràng này nên các sản phẩm được đưa vào hồ sơ học tập rất tập trung. Trong hồ sơ học tập không thể có những tập hợp sản phẩm sắp xếp một cách lộn xộn, không liên quan đến nhau.
“Cần trả lời một số câu hỏi khi lưu giữ hồ sơ học tập như: Lưu giữ để làm gì? Lưu giữ ở đâu và như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc lưu giữ? Có được bổ sung, loại bỏ hồ sơ không? Giáo viên, học sinh, phụ huynh... có thể tiếp cận hồ sơ như thế nào? Thời gian lưu giữ bao lâu?...” - Thạc sĩ Phạm Đức Tài lưu ý thêm.
Cần nghiên cứu bài bản những vấn đề liên quan đến hồ sơ học tập
Một hồ sơ học tập có thể bao gồm “bản ghi chép” về nhiều hoạt động khác nhau hay chỉ một hoạt động của học sinh. Những tài liệu có thể đưa vào hồ sơ học tập có thể kể đến:
Phương tiện truyền thông (video, băng tiếng, tranh ảnh, sản phẩm nghệ thuật, chương trình máy tính); kế hoạch, mục tiêu, tự đánh giá; bài làm cá nhân (bài kiểm tra, bài viết, báo cáo, bài về nhà, bài viết luận, bản đồ, sáng chế, poster, bài tập toán); bài tập nhóm (các buổi học mang tính hợp tác, hoạt động nhóm, học sinh đánh giá lẫn nhau); bài tập đang làm (các bản nháp, các bài giải mắc lỗi, các dự án khoa học); Giấy chứng nhận, giấy khen, huy chương, xác nhận thành tích của học sinh (nếu có)...
Để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, phát huy được những thế mạnh của hồ sơ trong dạy học, Thạc sĩ Phạm Đức Tài cho rằng cần tổ chức nghiên cứu một cách bài bản những vấn đề liên quan đến hồ sơ học tập. Các cấp quản lý giáo dục cần thông tin, tuyên truyền để giáo viên, học sinh và xã hội hiểu rõ về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của hồ sơ học tập.
Đồng thời, tổ chức biên soạn những tài liệu tham khảo về hồ sơ học tập; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên kiến thức, kĩ năng xây dựng và sử dụng hồ sơ học tập trong đánh giá kết quả học tập của học sinh.
“Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá cần cụ thể hơn, đặc biệt về cách thực hiện để giúp giáo viên có thể làm được ngay. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng cần xem xét, lồng ghép nội dung này trong học phần phương pháp dạy học, đánh giá, hoặc rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho sinh viên để khi ra trường có thể thực hiện được ngay các vấn đề kiểm tra, đánh giá, trong đó có việc sử dụng hồ sơ học tập” - Thạc sĩ Phạm Đức Tài nhấn mạnh.
"Hồ sơ học tập thực chất là bộ sưu tập hay tập hợp những sự thể hiện của học sinh, cho thấy sản phẩm hay những công việc mà học sinh đã hoàn thành trong một quá trình. Trong hồ sơ học tập, sản phẩm phải được lựa chọn có chủ đích. Tùy thuộc mục đích của hồ sơ, các sản phẩm này sẽ thể hiện học sinh đạt được những mục tiêu học tập quan trọng nào hoặc quá trình tiến bộ của học sinh như thế nào. Hồ sơ học tập cho phép học sinh nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân, đánh giá việc học tập của mình từ góc độ thời gian và sự phát triển cá nhân. Giáo viên thông qua hồ sơ học tập, nắm bắt được sự tiến bộ của học sinh, từ đó đề ra kế hoạch, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với đối tượng, đảm bảo sự tiến bộ của học sinh”. Thạc sĩ Phạm Đức Tài |