Khi vắc-xin dồi dào

GD&TĐ - Sự dồi dào nguồn lực vắc-xin cũng đang giúp nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ đối phó hiệu quả với Covid-19 và đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi phần lớn thế giới còn thiếu vắc-xin để chống dịch hiệu quả thì một số nước đã đi trước một bước, trong đó Israel thậm chí đã lên kế hoạch chuẩn bị đủ cho mũi tiêm thứ tư, hoặc Đan Mạch đã cho dỡ bỏ quy định giấy chứng nhận tiêm vắc-xin vì không còn cần thiết nữa.

Vốn dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng từ những ngày đầu vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng, Israel đang tiếp tục giữ vững lợi thế này bằng cách đẩy mạnh tiêm mũi thứ ba cho người dân và chuẩn bị nguồn lực cho mũi thứ tư phòng khi cần thiết. Chính quyền nước này đang tính trước cho tình huống mũi tiêm thứ ba bị giảm hiệu quả trong khi Covid-19 vẫn chưa bị tiêu diệt.

Quan chức phụ trách vận hành của Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho biết, hiện họ vẫn hy vọng hiệu quả phòng dịch của mũi thứ ba kéo dài thêm nên chưa thể xác định khi nào người dân sẽ cần tiêm mũi thứ tư. Nước này bắt đầu chiến dịch tiêm mũi thứ 3 sớm nhất thế giới từ tháng 8 vừa qua và đến nay đã có 2,8 triệu người nhận mũi tăng cường này, chiếm khoảng 30% dân số.

Israel có lý do để chuẩn bị phương án cho mũi thứ tư vì tình hình thực tế tại nước này cho thấy việc tiêm hai mũi vắc-xin như tiêu chuẩn thông thường là chưa đủ với biến chủng Delta. Trong khi đó, hiện vẫn còn khoảng 1 triệu người, chiếm gần 10% dân số Israel, chưa tiêm mũi vắc-xin nào vì nhiều lý do khác nhau như sức khỏe hoặc quan điểm cá nhân.

Từ đầu tháng 9 đến nay, Israel lại trở thành ổ dịch khi trung bình mỗi ngày có hàng chục nghìn ca mắc mới. Tuy nhiên, số liệu thống kê ở quốc gia dẫn đầu về tiêm chủng này cho kết quả khả quan khi đa phần những người đã tiêm vắc-xin không có các triệu trứng nặng nếu nhiễm Covid-19. Ngược lại, số người chưa tiêm chủng gặp phải tình trạng nghiêm trọng cao hơn nhiều.

Cũng theo nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học Israel, hiệu quả của vắc-xin sẽ mất dần sau 5 tháng kể từ khi được tiêm. Theo đó, nếu Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài mà chưa bị khống chế và các biến chủng liên tục xuất hiện thì đồng nghĩa chiến dịch tiêm vắc-xin sẽ phải tiếp tục. Vì vậy, quá trình chuẩn bị kế hoạch vắc-xin sớm của Israel giống như một bài học thực tế cho thế giới tham khảo trong việc chống Covid-19.

Một quốc gia khác cũng đang “dễ thở” với việc đối phó Covid-19 nhờ dồi dào vắc-xin là Đan Mạch. Nước này đã dỡ bỏ mọi quy định phòng dịch để cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường kể từ ngày 10/9. Thậm chí, Đan Mạch còn hủy quy định người dân xuất trình giấy chứng nhận tiêm vắc-xin vì không còn cần thiết khi đã có 75% dân số tiêm phòng đầy đủ.

Đan Mạch đã phong tỏa sớm nhất châu Âu (từ tháng 3/2020) và giờ cũng là nước mở cửa hoàn toàn sớm nhất châu lục. Bộ trưởng Y tế nước này Magnus Heunicke cho rằng, đây là kết quả của chiến dịch tiêm chủng.

Nhờ việc dập tắt được Covid-19, Đan Mạch giờ đã có thể bán vắc-xin chưa cần dùng đến cho nước khác, trong đó 500.000 liều Pfizer vừa được xuất sang New Zealand hôm 12/9.

Sự dồi dào nguồn lực vắc-xin cũng đang giúp nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ đối phó hiệu quả với Covid-19 và đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo bản chất của virus thì thế giới sẽ không thể an toàn khi vẫn còn có quốc gia chìm trong đại dịch.

Do đó, câu chuyện vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng sẽ vẫn là chủ đề nóng nhất toàn cầu cho đến khi nào Covid-19 bị dập tắt hoàn toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.