Israel chuẩn bị tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 4, Tổng thống Putin có thể phải tự cách ly

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có hơn 226 triệu ca mắc Covid-19, gồm hơn 406 ngàn ca mới. Số ca tử vong toàn cầu 4.651.424 ca, gồm 6.536 ca mới.

Ấn Độ lo làn sóng dịch mới vì chủ quan.
Ấn Độ lo làn sóng dịch mới vì chủ quan.

Israel đang chuẩn bị đảm bảo đủ nguồn vắc xin để có thể tiêm liều thứ 4 nếu cần thiết – quan chức y tế hàng đầu Nachman Ash cho biết. Tính đến nay, Israel đã tiêm liều thứ 3 cho 2,8 triệu người, chủ yếu là với vắc xin Pfizer. Các quan chức y tế cho biết tác dụng của những liều vắc xin ban đầu sẽ yếu dần 5 tháng sau khi tiêm nên cần phải tiêm tăng cường.

Đầu tháng 9, Israel trở thành điểm nóng Covid-19 với tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới. Ông Ash tuần trước cho biết những mũi tiêm tăng cường dường như đã chặn được làn sóng lây nhiễm. Tỷ lệ ca nhiễm nặng trên 100.000 trong những người chưa tiêm vắc xin cao hơn nhiều so với những người đã tiêm 2 liều.

Mỹ và Anh cũng có kế hoạch tiêm tăng cường vào cuối tháng này, trong khi đó châu Âu đang xem xét liều thứ 3.

Tuy nhiên, trong một bài đánh giá có khả năng thúc đẩy cuộc tranh luận, một hội đồng các nhà khoa học trên thế giới cho rằng vắc xin Covid-19 hoạt động tốt đến mức hầu hết mọi người không cần tiêm vắc xin tăng cường.

Theo đó, các chính phủ nên tập trung vào việc tiêm chủng cho người chưa được tiêm và chờ đợi thêm dữ liệu về loại mũi tiêm tăng cường, liều lượng tăng cường nào có hiệu quả nhất – các tác giả gồm 2 chuyên gia nổi tiếng của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ lập luận trên tạp chí y tế The Lancet.

Tại Ấn Độ, 2 chuyên gia y tế nói rằng sự chủ quan ngày càng tăng khi tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 giảm xuống có thể dẫn đến việc mọi người bỏ qua mũi tiêm vắc xin thứ 2, khiến cộng đồng dễ bị tổn thương bởi đại dịch.

Ấn Độ đã cung cấp 744 triệu liều vắc xin cho công chúng, hơn 60% trong số 944 triệu người trưởng thành đã được tiêm mũi đầu tiên và 19% được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.

Tại Nga, Tổng thống Putin cho biết nhiều người mắc Covid-19 ở xung quanh ông khiến ông có thể phải cách ly.

“Ngay cả những người trong đoàn tháp tùng tôi cũng gặp vấn đề với Covid-19. Chúng tôi cần tìm hiểu xem điều gì đang thực sự xảy ra ở đó. Tôi nghĩ rằng bản thân tôi có thể sớm phải cách ly. Rất nhiều người xung quanh bị ốm” – Ông Putin nói trong cuộc họp với các vận động viên Paralympic.

Trong khi đó phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nhà lãnh đạo đang nói “theo nghĩa bóng”.

Tổng thống Putin đã được tiêm vắc xin Covid-19 nội địa Sputnik V hồi tháng 4 vừa qua.

Các trường học ở Moscow đã mở cửa trở lại vào đầu tháng này và tỷ lệ tiêm vắc xin vẫn khá thấp, gây lo ngại về một làn sóng dịch Covid-19 khác ở thủ đô Nga.

Tại Australia, theo mô hình từ cơ quan y tế công cộng OzSAGE, các bệnh viện ở bang đông dân nhất Australia có nguy cơ bị quá tải vì số ca mắc Covid-19 vào cuối năm nếu kế hoạch mở cửa lại của chính phủ được thực thi.

Giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales Raina Maclntyre là tác giả của mô hình trên. Bà cho rằng sẽ có đợt cao điểm thứ 2 các ca mắc nếu các hạn chế được nới lỏng vào tháng tới khi 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng. Việc nới lỏng hơn nữa khi 80% người lớn được tiêm chủng sẽ khiến các bệnh viên quá tải trong tháng 12 và tháng 1.

Theo Dailymaverick/Worldometer/CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.