Trong suốt những năm tháng đứng lớp, không ít lần tôi rơi vào tình cảnh như thế. Xin chia sẻ với thầy cô câu chuyện nhỏ này nhưng với tôi là một kỷ niệm khó quên:
Như thường lệ, tôi đang bắt đầu giờ học Toán trong ngày thứ hai đầu tuần thì Vân lớp phó văn - thể - mỹ của lớp giơ tay xin đựợc phát biểu ý kiến. Những tưởng được học sinh hào hứng hỏi bài để mình cho cơ hội hướng dẫn nên tôi vui vẻ mời em đứng dậy nói nhưng thực tế không như tôi mong đợi.
Sau một lúc ngập ngừng, em nói: “Thưa thầy, em không thích học môn Toán vì em thấy thầy dạy môn Toán không có gì hấp dẫn, rất khô khan. Mỗi lần học Toán, em phải suy nghĩ nhiều, nhức đầu lắm ạ”. Một vài em khác cũng xôn xao phụ họa theo: “Bạn Vân nói đúng đó thầy, học Toán mệt lắm thầy ơi!”, “Học Văn, học Âm nhạc vui hơn thầy ơi!”, …Tôi như bị rơi vào thế bị tấn công liên tục của đám học trò nhỏ bên dưới.
Nếu như trước đây, tự ái vì bị các em “chê” trước lớp, tôi có thể mất bình tĩnh và cáu gắt với những học sinh này hoặc thuyết giảng một “liên khúc” về lợi ích, vẻ đẹp, sự cần thiết của môn Toán, …
Sau đó mặc cho học sinh có đồng ý hay không, tôi sẽ tiếp tục giảng dạy theo kế hoạch sau khi đã “dẹp loạn” được tất cả các học sinh nêu ý kiến. Nhưng với những kinh nghiệm giảng dạy đã tích lũy, cộng thêm những điều góp nhặt được từ buổi tập huấn “Kỹ năng lắng nghe” mà tôi có dịp được tham gia vào tuần trước do trường tổ chức, hôm ấy tôi không phản ứng gì vội mà chú ý lắng nghe hết ý kiến của các em. Tôi thể hiện sự mong muốn được lắng nghe thêm ý kiến của các em còn lại.
Sau khi nghe tất cả các em bộc bạch về những điều mà các em đã phải chịu đựng từ phía mình, tôi nén lòng để nói lên lời cảm ơn chân thành đến các em đã mạnh dạn nêu ý kiến của mình. Trong những ý kiến đó, tôi tiếp thu những ý kiến nào đúng và làm rõ những ý kiến nào chưa phù hợp.
Đồng thời cũng cho các em biết: “Các em hoàn toàn có quyền phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình vì mục đích xây dựng. Thầy rất cảm ơn và trân trọng những ý kiến đó. Thầy hứa sẽ xem xét lại nội dung và phương pháp dạy của thầy và sẽ điều chỉnh để phù hợp với các em hơn. Đồng thời tất cả các em cùng phấn đấu để xây dựng những giờ học Toán sinh động hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm vẻ đẹp của Toán học nhé!”.
Qua những phát biểu trên, tôi hiểu hơn học sinh của mình, chú ý hơn với những học sinh chán học để có biện pháp gúp đỡ kịp thời. Đồng thời mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học của mình để giờ học trở nên sinh động hơn, tạo hứng thú cho học sinh qua: các trò chơi toán học, tìm hiểu lịch sử toán học, giai thoại toán học, danh nhân toán học, yêu cầu học sinh tìm hiểu thêm sự cần thiết và vẻ đep của Toán học qua tài liệu, sách, báo.