Khi nhận lớp chủ nhiệm, em nổi bật với mái tóc bạch kim lấp lánh, làn da trắng hồng và thân hình cao lớn vượt hẳn các bạn cùng trang lứa. Em đến từ Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề thuộc Hội người mù của tỉnh. Với bệnh bạch tạng lại còn thêm khiếm thị, em trở thành cô học sinh nổi bật nhất trong lớp. Ban đầu, em có mái tóc 2 màu - trắng gốc, đen ngọn thật lạ lẫm. Hỏi ra mới biết em cố tình nhuộm tóc đen để che đi màu trắng.
Em mong dấu đi sự khác biệt nhưng nghe cô thủ thỉ khuyên em thôi không nhuộm đen mà giữ lại “màu trắng trong tinh khiết nguyên thủy”. Mắt kém, thị lực chỉ còn 2/10 nhưng em vẫn có thể di chuyển, sinh hoạt, học tập kèm phương tiện trợ thị. Em hoạt bát, sôi nổi và tỏ ra chững chạc hơn hẳn các bạn cùng lớp. Em hồn nhiên kể: “Em học đến lớp 9 rồi ở nhà 5 năm liền vì không biết là sẽ được học lên cấp 3. Biết rồi thì em phải tìm mọi cách để thoát nhà đi học”. Em có cái tên thật đẹp: Kim Thị Thanh Thủy, học sinh khiếm thị học hòa nhập thứ 6 của tôi.
Buổi đầu học quân sự, em rụt rè nhờ cô thay hộ gọng kính vì không biết đi đâu tìm của hàng. Hôm đó, chiều thu mưa sụt sùi tôi vẫn diện nguyên bộ quần áo mưa bước vào cửa hàng Kính mắt số 1. Chị chủ hàng thở dài, ái ngại khi tôi chìa cái kính gãy với mắt kính dày cộp, đầy xước xát: “ Đứa nào mà khổ thế hả giời, loạn thị nặng như thế này thì làm ăn cái gì nữa…”.
Ảnh MH |
Dời cửa hàng mà tôi thấy mưa cứ quất rát mặt, cả nước mưa và nước mắt. Hiểu ra thì thương đến lạ lùng. Họp phụ huynh đầu năm, mới bước đến hành lang tôi đã bị níu lại:“ Con bé kia người Mỹ hả cô? Con lai à? Sao nó trắng thế kia? ”. “Cháu bị bệnh bạch tạng thôi bác ạ. Cháu người Vĩnh Phúc quê ta đấy bác ơi!”. “Tôi không tin. Khiếp, nó trắng đến cả lông mi. Nom hãi quá. Bênh đấy có lây nhiễm không?”. “Bác yên tâm, cháu hoàn toàn bình thường chỉ thị lực yếu thôi. Cháu ham học lắm”. Ông phụ huynh vẫn lắc đầu, nhún vai bỏ đi, còn tôi vừa thương lại vừa giận.
Từ đó lớp tôi có cô học trò trong giờ học hay loay hoay với kính lúp, thiết bị thu phóng hoặc luôn dí sách vở vào sát mắt. Cuối giờ hay lân la hỏi thầy, hỏi bạn. Em rất hay khóc, nước mắt có màu và vị của mọi cảm xúc buồn vui. Nhưng em cũng rất lạc quan với thật nhiều câu chuyện về mình, về những con người, những cuộc đời mà em tiếp xúc, trải nghiệm.
Với các bạn cùng lớp em như một người chị chững chạc, chăm chỉ và trách nhiệm. Em rất ham đọc sách, hay hỏi thầy, hỏi bạn vì độ chênh kiến thức quá lớn. Thế mà buổi đại hội Chi đoàn đầu năm Thủy làm các bạn sáng mắt ngỡ ngàng khi tham luận về việc học tiếng Anh. Em thuộc làu làu nhiều địa chỉ, kinh nghiệm học tiếng Anh trên mạng. Em luôn lo lắng về kinh tế gia đình, về nguy cơ thất học và hay tràn nước mắt khi nói về quá khứ hay hình dung tương lai.
Em kể: “ Lúc nhỏ thì em không còn nhớ nhiều. Nhưng từ khi nhận thức được khoảng từ năm lớp 5 thì em còn nhớ rất rõ. Vì những hạn chế về mắt nên việc học của em không mấy suôn sẻ. Bạn bè thường không thân thiết gần gũi với em bởi em khác biệt quá. Lúc nào em cũng như con gà tồ vì hơn tuổi và to lớn.
Đến cấp 2 em càng ít bạn. Em bắt đầu nhận thức đầy đủ về sự thua thiệt, khác biệt của bản thân trong gia đình và ngoài nhà trường nên thường thu mình lại ngại tiếp xúc với mọi người. Em chỉ quanh quẩn ở nhà vơi công việc lặt vặt. Họ hàng thường ái ngại cho bố mẹ em vì có 2 đứa con đều mắc bệnh về mắt. Những lúc buồn em chỉ biết khóc. Em hay khóc vào những lúc đi chăn bò một mình ngoài bãi rồi tự nhủ với mình rằng mọi chuyện rồi sẽ qua.
Ảnh MH |
Trước đây, em thường hay trách bố mẹ không thương mình nhưng bây giờ khi đã có nhận thức hiểu được nỗi khổ của mẹ em không còn buồn nhiều nữa mà thương bố mẹ nhiều hơn. Bạn bè chơi với em không thân thiết lắm, em chỉ có duy nhất một người bạn thân. Nhưng khi em học hết cấp 2 thì bạn ấy nghỉ học đi làm. Em và bạn ấy ít liên lạc.
Khi ra ngoài xã hội em cũng giao tiếp với một số người. Rất ít người có thái độ tiêu cực, hắt hủi hay kì thị. Em không bao giờ quên ơn của các anh chị bác sỹ tại Bệnh viện Mắt Trung Ương. Lúc đó em xuống chữa mắt mà không có tiền. Các anh chị đã cho em tiền thuốc, tiền ăn và mua cho em đôi kính. Nhờ có đôi kính các anh chị tặng mà em đã tự tin hơn, cải thiện được tầm nhìn. Đối với em đây là điều em ao ước nhất. Sau đó, em bắt đầu đi xin việc làm.
Ban đầu em học nghề may, được một năm rồi biết đến Hội Người mù huyện Tam Dương. Em xin vào Hội học nghề tẩm quất, xoa bóp và được biết về chương trình học hòa nhập. Em đã xin lên Hội Người mù tỉnh Vĩnh Phúc để được học hòa nhập tại trường mình. Các thầy cô giáo ở đâu cũng rất quan tâm giúp đỡ em. Nhờ được đi ra ngoài, em biết rằng có nhiều người còn bất hạnh hơn mình. Em cảm thấy mình vẫn còn may mắn nên em sẽ cố gắng sống tốt hơn.
Thanh Thủy tự tin bên các bạn |
Ngày xưa, những lúc buồn nhất, em còn nghĩ đến việc tự tử nhưng bây giờ em đã có nhiều tấm gương người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống như chị Đào Thu Hương, như bạn Lê Thanh Ánh. Hiện em đang cố gắng học nghề tẩm quất xoa bóp và tin học văn phòng. Em mong sau này sẽ có việc làm, có thu nhập để không là gánh nặng…”.
Một năm học đã êm đềm trôi qua. Em được bao bọc trong vòng tay yêu thương của thầy cô và bạn bè. Em lạc quan, nồng nhiệt và hòa nhập vào mọi hoạt động của trường, lớp. Những chủ nhật không về em lại tích cực tham gia công việc từ thiện giúp đỡ mọi người.
Ở tuổi ngoài 22, em vẫn còn “ngốc nặng” về giới tính, vẫn thật ngây thơ cả tin... Thủy có thói quen ngồi lại lớp sau giờ tan học để đọc sách hoặc giúp bạn việc dọn dẹp vệ sinh phòng học. Nhiều hôm rời trường vào buổi chiều mùa đông rét muộn, tôi vẫn thấy em ngồi trong lớp học sáng ánh điện, tì sát quyển sách vào mặt.