Thật ra, tôi muốn nói đến một nhà khoa học cụ thể mà các bạn giáo viên môn Ngữ văn có thể đều đã biết tên vì đã đọc qua một vài bài báo hay một vài cuốn sách của ông. Đó là GS.TS Nguyễn Thanh Hùng ở Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cùng với GS Phan Trọng Luận, ông là nhà phương pháp hàng đầu của bộ môn Phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt. Mới đây, nhà khoa học này còn khiến bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ với tập thơ “Trăng vỡ”!
GS.TS Nguyễn Thanh Hùng đã in 14 công trình về phương pháp dạy học Văn. Hai cuốn gần đây nhất là “Lí luận và phương pháp dạy học Văn” (Cội nguồn, Bản sắc, Giá trị, 2021) và “Thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, 2022”.
Hình như, các giáo sư không bó hẹp các trang viết của mình trong một lĩnh vực chuyên môn. GS Hà Minh Đức làm thơ, viết truyện; GS.TS Lê Văn Lân cũng làm thơ (được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam).
GS Nguyễn Khắc Phi không in tập nhưng cũng làm thơ và phiên dịch sách. PGS.TS Hữu Đạt viết tiểu thuyết, thơ, kịch, bút kí. Còn GS.TS Nguyễn Thanh Hùng ngoài làm thơ còn viết và in truyện ngắn “Chín truyện” (Nxb Hồng Đức, 2022).
Mở đầu tập thơ “Trăng vỡ”, ở phần “Giãi bày”, tác giả Nguyễn Thanh Hùng viết: “Tôi đâu phải nhà thơ. Những gì tôi viết thường bắt nguồn cảm xúc trào dâng? Tôi chỉ là “người thơ” ghi lại những xúc động về cái đẹp được thức tỉnh trong lúc buồn vui trung thực”.
GS.TS Nguyễn Thanh Hùng. |
Không nhận là nhà thơ, nhưng nhận là “người thơ” tương đương với “thi nhân”. Mà thi nhân trong sách “Thi nhân Việt Nam” của nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân thì có rất nhiều người thành các nhà thơ nổi tiếng.
Vấn đề là nhà thơ hay người thơ thì viết khi cảm xúc trào dâng sẽ tạo thành thơ. Còn thơ ấy hay, xúc động đến mức nào thì lại phụ thuộc vào độ mãnh liệt của cảm xúc và năng khiếu của người viết.
53 bài thơ trong tập “Trăng vỡ” được tác giả chia làm 4 cõi tương đối mạch lạc và rõ ràng: Cõi trời yêu (20 bài), Cõi người sống (20 bài), Cõi đất về (5 bài) và Cõi người thân (8 bài). Thật ra, Cõi trời yêu và Cõi người sống khá gần nhau.
Đó là tình cảm yêu thương, xúc động và thương mến tác giả dành cho em, cho con trai, con gái, cùng với những băn khoăn, ngộ thức về cuộc đời, về niềm tin. Riêng Cõi đất về dành cho người vợ đã khuất, và Cõi người thân dành cho những người bạn khác giới gần gũi, mến thân.
Nhà khoa học vốn quen với tư duy lí luận, hóa ra cũng rất sành điệu với tư duy hình ảnh cùng cảm xúc thơ ca. Phong cảnh được khắc họa trong bài “Tam Đảo” thật là huyền ảo, lại pha chút liêu trai:
“Thông chìm trong trắng sữa tinh mơ
Mây hay khói hay là ta hóa nước
Một biển trắng bồng bềnh
không biết được
Em cô đơn chiếc buồm vắng nơi nào”.
Và cũng thật lãng mạn, đa tình khi đứng trước vẻ đẹp tinh khôi của người thiếu nữ:
“Em đứng chờ bàn tay nhỏ rưng rưng
Em thơm ngát cả một thời áo trắng
Em khúc hát ru chiều phẳng lặng
Những tao nôi anh bay bổng cuối trời”.
(Áo trắng)
Thiếu nữ là vẻ đẹp thanh xuân của một đời người mà biết bao thi sĩ đã cạn lời, nhưng không thể không tiếp tục ngợi ca. Với nhà khoa học cũng vậy:
“Em đi đến mắt cười nghiêng loáng ướt
Sự tràn trề trên khuôn ngực
tròn căng […]
Em mơ màng phảng phất như mây
Không thể đón dừng lại được
Em thiếu nữ với rộng dài chân bước
Thả tinh khôi trong một cõi
thiên đường”.
(Thiếu nữ)
Thi sĩ nào chẳng có một miền quê. Với nhà khoa học Thanh Hùng thì xa quê lâu, nên quê chỉ còn là “hồn quê thơ ấu”. Và quê để cho người thơ hoài niệm:
“Anh mênh mang như dáng gió trăm bề
Em tím ngát trong chiều quê mây rối
Với con sóng nhấp nhô xanh nơi ấy
Cuối ngõ buồn thương phố vắng
bàn chân”.
(Hồn quê)
Là người làm khoa học nên tác giả nhìn cuộc sống với tính biện chứng của sự “Đối nghịch”, “Nghe và nghĩ” rồi “Hỏi và hỏi” rồi “Bất chợt” và “Ngộ thức”…, như tên các bài thơ ông viết.
Những bài thơ cho mẹ, cho người vợ đã xa khuất, cho con trai, con gái, cho những người “đồng cảm” cho thấy cuộc sống giàu tình cảm, trách nhiệm, ân tình, độ lượng, sâu sắc của người làm khoa học nhân văn.
Cũng có thể thấy một vài thói quen nghề nghiệp thấp thoáng đâu đó trong mấy bài thơ: Dòng chữ tiếng Đức (bài “Tạ lỗi” và “Chiều nghĩa địa”), dòng chữ tiếng Nga đọc theo kiểu phiên âm (bài “Nặng lòng”), dòng thơ có thuật ngữ chuyên môn của ngành Ngữ học (bài “Em ngón tay”).
Tuy vậy, công bằng mà nói tập thơ có nhiều bài khá hay, thể hiện một năng lực cảm xúc và biểu đạt khá tinh tế của một người quen với kiểu tư duy khác.
Tôi được biết GS.TS Nguyễn Thanh Hùng đã định in tập thơ “Trăng vỡ” hơn chục năm về trước. Có lẽ chưa hài lòng với bản thảo nên mãi năm 2022 tập thơ mới ra đời. Xin chúc mừng bạn đồng nghiệp có tập thơ hay, giàu chất thơ và suy tưởng.