Khi nhà báo khóc

GD&TĐ - Sau bão số 9 với trận lở đất kinh hoàng chôn vùi hàng chục người dân ở xã Trà Leng huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã xuất hiện nhiều hình ảnh xúc động được các nhà báo ghi lại ngay tại hiện trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng có một bức ảnh nằm trong số đó, lại không phải chụp về cảnh tang thương của người dân ở Trà Leng mà là về một nhà báo đang tác nghiệp tại đây. Đồng nghiệp Đoàn Hữu Trung, phóng viên của Truyền hình thông tấn thuộc TTXVN thường trú tại Quảng Nam là nhân vật trong bức ảnh xúc động đó. 

Anh Hoàng Thế Lực, phóng viên của Báo Điện tử Chính phủ, tác giả bức ảnh tiết lộ: “Các phóng viên có mặt tại hiện trường đều bám sát những nhát cuốc của lực lượng cứu hộ. Ai cũng mong các anh bộ đội trong lực lượng tìm kiếm ấy sớm tìm ra thi thể các nạn nhân trong đống đổ nát kia. Thế nhưng, khi phát hiện trong lớp bùn nhão nhoét ấy có thi thể một cháu bé thì ai cũng xót xa.

Thoạt nhìn thấy người cháu bé được nhuộm đỏ một lớp bùn lẫn với nước mưa vừa được các anh bộ đội đưa lên khỏi mặt đất, phóng viên Đoàn Hữu Trung, tay cầm chiếc camera trong tư thế chuẩn bị bấm máy đã vội đóng ống kính và khóc òa như thể cháu bé ấy chính là người thân của anh vậy. Như một hiệu ứng dây chuyền, tất cả anh em có mặt và chứng kiến cảnh này, ai cũng òa lên. Thật quá đau đớn khi nhìn cảnh ấy!”.

Thực ra, nhà báo cũng là một con người với tất cả những buồn vui như bao người khác. Nhưng anh ta khác mọi người ở chỗ, do công việc đặc thù của mình là phải ghi lại những hình ảnh nóng nhất, trung thực nhất về những gì đã và đang diễn ra mà bạn đọc không có điều kiện chứng kiến tại chỗ, để mọi người cùng biết và chia sẻ.

Chính vì công việc đặc thù đó nên nhiều khi nhà báo phải giấu đi cảm xúc của mình hoặc kìm nén cảm xúc trong quá trình tác nghiệp. Vì nếu nhà báo để cảm xúc chi phối thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của anh ta. Cụ thể ở đây là việc anh ta khóc ngay trong cái khoảnh khắc cần phải ghi lại nhất. Có lẽ hơn ai hết, phóng viên Đoàn Hữu Trung biết điều đó, song trái tim nhạy cảm khi chứng kiến cảnh tang thương này, đã mách bảo với anh rằng, hãy cứ để cảm xúc của mình trôi đi một cách tự do nhất.

Khi nỗi đau đã choán hết chỗ của sự bình tĩnh và chi phối lý trí thì dẫu có bỏ qua một khoảnh khắc nào đó trong quá trình tác nghiệp, như vụ tìm thấy thi thể em bé trong đống bùn đổ nát kia ở Trà Leng, thì cũng là lẽ thường tình.

Trong suốt thời gian bão lũ vừa qua, đã có bao cảnh tang thương trút lên đầu đồng bào miền Trung mà các nhà báo đã ghi lại trong quá trình tác nghiệp nhưng có lẽ chưa có khoảnh khắc nào làm lay động mọi người như bức ảnh ghi lại cảnh nhà báo khóc.

Các nhà báo đã lăn lộn với đồng bào mình suốt trong những ngày bão lũ. Các nhà báo cũng đã băng rừng, vượt qua những điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường cùng với lực lượng cứu hộ một cách sớm nhất. Các nhà báo cũng đã ăn tạm mì tôm qua bữa cùng chịu khổ với người dân. Và nhà báo cũng đã ngã xuống như một người lính khi thiên tai giáng họa lên đầu mình…

Nghề báo là một nghề nguy hiểm. Chưa lúc nào câu nói ấy đúng như dịp bão lũ này. Giọt nước mắt của nhà báo khi chứng kiến cảnh tang thương của đồng bào mình chẳng khác nào như chiếc mỏ neo, neo lại niềm tin của bạn đọc dành cho họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.