Ông vừa đau khổ vì mất mát lớn ấy, lại thêm nỗi lo cho chính bản thân với viễn cảnh cô đơn khi về già. Ông Trung từng nghĩ, khi về hưu, vợ chồng được quây quần bên nhau, vui cùng các con, cháu. Ngày ngày vợ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, ông chơi cờ với mấy người bạn hưu trí, hoặc chơi với cháu và xem chương trình truyền hình thể thao ưa thích…
Nhưng kịch bản cuộc đời đã lật nhào tất cả vào phút cuối. Các con trai, gái của ông đều sống ở xa, con trai sang Úc làm việc, con gái đi lấy chồng. Chỉ còn bà Hoàn, vợ ông, lẽ ra nên sống bên nhau. Ông Trung bỗng chốc trở thành người đàn ông cô đơn, sống thui thủi một mình cùng con chó lai trong ngôi nhà ba tầng rộng thênh hoang hoải.
Ông Trung rất sợ cảnh sống cô độc ấy và không chịu nổi cảm giác cô đơn. Sau khi vợ mất được đúng 3 giỗ, ông quyết định đi tìm bạn gái.
Các con ông Trung là những người trẻ tân tiến, họ đều ủng hộ bố trong việc cần có người bạn gái để nương tựa vào nhau. Nếu có tình yêu, ông Trung hoàn toàn có thể lấy người mình yêu làm vợ và chung sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Sau khi được một số người giới thiệu và cũng tích cực tham gia những sự kiện xã hội, các nhóm sinh hoạt văn hóa, ông Trung đã chọn ra một người phụ nữ độc thân kém ông sáu tuổi. Bà Thúy cũng mới nghỉ hưu được hai năm, độc thân, vẫn rất xinh đẹp.
Bà Thúy có biệt thự ở một khu đô thị cấp cao sang trọng, bà thường du lịch, nghỉ dưỡng những chuyến xa xỉ cả trong và ngoài nước. Bà Thúy từng nêu quan điểm, từ khi nghỉ hưu sẽ chỉ tập trung vào sức khỏe và du lịch. Ông Trung bị bà Thúy hấp dẫn nên quyết định tán đổ bà bằng được.
Ông Trung sử dụng chiêu “Nhất cự ly, nhì cường độ”, tấn công bà Thúy cấp tập trong nửa năm. Bà Thúy thấy ông Trung khá chân thành thì cũng chấp nhận cho ông được đến với bà ở mức “trên tình bạn” một chút.
Bà vẫn chưa cho ông nắm tay hay ôm hôn và đặt ra điều kiện: Ông Trung phải khỏe, phải đủ tài chính để du lịch khắp các nơi bà muốn đến cùng bà.
Bà Thúy chê ông Trung quá béo với cái bụng mỡ, mặc áo gì cũng xấu, bà cũng chỉ trích tình trạng sức khỏe với bệnh tiểu đường của ông. Bà nói thẳng rằng, với thể trạng như thế, ông không thể sánh bước lâu dài cùng bà được.
Để chinh phục “người đẹp”, ông Trung hứa với bà Thúy sẽ tập trung cải thiện sức khỏe. Ông mua dụng cụ về nhà tập, ông đi bộ, ông cũng giảm ăn những món béo.
Qua ba tháng tập luyện và giảm ăn, ông Trung đã giảm cân nặng từ 70kg xuống còn 64kg, chỉ số đường huyết từ 11 xuống còn 7. Bà Thúy khen ngợi ông nhưng lại đặt ra mục tiêu mới, đó là ông cần tiếp tục giảm cân từ 64kg xuống còn 60kg thì mới ở mức chuẩn so với chiều cao chỉ nhỉnh hơn 1,6m của ông.
Nhưng ông Trung thấy khó giảm cân nữa. Vì đôi khi chỉ cần một ngày ông cho phép mình ăn thoải mái thì lại tăng cân. Chỉ số cân nặng trồi sụt khiến ông nản.
Đúng lúc ấy thì bà Thúy tuyên bố xanh rờn, rằng bà sẽ chỉ đi du lịch cùng ông khi ông đủ khỏe và vui vẻ. Nếu ông ốm nằm bệnh viện, bà sẽ không ở bên chăm sóc, cũng không vào thăm ông trong bệnh viện, mà chỉ ship quà đến thôi.
Bà ghét nhìn thấy người ốm đau sầu não, dù người đó là ai. Ông Trung choáng váng bởi ông từng mong sẽ tìm được người yêu, hoặc vợ mới để người ấy ở bên ông lúc tuổi già, chăm sóc cho ông khi ông ốm đau. Ông đã chọn bà Thúy mà bà lại có quan điểm ngược chiều như vậy! Ông có nên thôi theo đuổi bà không?
Ông nhắn một cái tin cay đắng cho bà, giãi bày mong muốn của mình và cảm xúc tiêu cực trước tuyên bố xanh rờn kia.
Bà Thúy trả lời ông thật đơn giản, bằng một câu hỏi ngược lại: “Anh muốn hướng đời mình đến cái giường bệnh và cái chết, hay hướng tới sức khỏe và những chuyến du lịch vui vẻ cùng em? Anh hãy lựa chọn đi”.
Quả vậy, xưa kia đàn ông vốn là tác giả của những hủ tục xã hội để mong trói buộc phụ nữ, để phụ nữ phục vụ đàn ông đời đời. Nhưng ngày nay, đàn ông khó có thể giữ tư duy cũ trước những phụ nữ độc lập tài chính và hiểu biết về tự do, biết tận hưởng tự do.