'Khi Nga thay đổi, Mỹ và Ukraine hiểu tất cả đã chấm hết'

GD&TĐ - Giới chuyên gia quân sự nhận định, khi Nga nhận ra sai lầm và sửa chữa thì Mỹ và Ukraine không có cơ hội giành chiến thắng trên chiến trường.

'Khi Nga thay đổi, Mỹ và Ukraine hiểu tất cả đã chấm hết'

Giới chuyên gia quốc tế nhận định, cuộc phản công của Ukraine đã dần dần thất bại và quân đội Nga đã bảo vệ thành công các phòng tuyến mà họ đã kiểm soát, liên tục và hầu như luôn bổ sung kịp thời cho các đơn vị những nguồn lực cần thiết trong thế trận phòng thủ.

Theo tác giả Yaroslav Dymchuk viết trên tờ “Reporter” của Nga, phòng thủ trong quân sự hầu như luôn được coi là hậu quả từ việc mất đi thế chủ động chiến lược. Tuy nhiên, trong tình huống này, đây là sự chủ động của Nga nhằm làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của phương Tây.

Giới quân sự Moscow cho rằng, quyết định đúng đắn duy nhất là đợi cho đến khi sự ủng hộ của các nhà bảo trợ phương Tây của Ukraine suy yếu khi họ hiểu rằng, việc chiếm lại Crimea và Donbass là vô vọng.

Sự thay đổi của Nga và bước lùi của Ukraine

Lực lượng vũ trang Nga đã có sự chuyển đổi chiến thuật từ tấn công ồ ạt, dàn trải lực lượng quá mức, với phạm vi bao phủ rộng trong những ngày đầu tiên của chiến dịch đặc biệt, sang phòng thủ hợp lý với các cuộc tấn công cục bộ, kết hợp với hỏa lực quấy rối.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, trong giai đoạn đầu lực lượng Nga đã không thể giữ được các vùng lãnh thổ mới đánh chiếm được và đã phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết về địch thủ dẫn tới đánh giá thấp Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Một yếu tố liên quan là sự ảo tưởng của một bộ phận tướng lĩnh và giới truyền thông. Một bức tranh thông tin sai sự thật đã được phát đi, trong khi có sự bất đồng trong giới lãnh đạo quân đội...

Trên thực tế, vào ngày 24/2/2022, các yếu tố quan trọng của cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine không bị phá hủy hoàn toàn, mà chỉ một phần và chúng được khôi phục khá nhanh, dẫn tới việc lực lượng Nga đã hoàn toàn bất ngờ về khả năng kháng cự của Quân đội Ukraine.

Sau đó, những điều chỉnh bắt buộc và đôi khi không được lòng dân, nhưng hữu ích, đã được thực hiện, bao gồm cả lệnh huy động một phần và sự tham gia của nhóm quân sự tư nhân Wagner PMC.

Giờ đây cả thế giới đã công nhận: Việc cung cấp các thiết bị đắt tiền của phương Tây, thêm cả bom chùm và đầu đạn uranium nghèo, cùng với nhiều tháng huấn luyện tại các cơ sở huấn luyện của NATO đã không mang lại thành công như mong đợi cho cuộc phản công.

Lực lượng vũ trang Ukraine vẫn sử dụng các chiến thuật đơn điệu là chế áp các vị trí của lực lượng phòng thủ Nga bằng hỏa lực pháo binh để mở đầu cho các cuộc tấn công. Mà đây chỉ là một trường hợp điển hình khi một cuộc tấn công trực diện không hiệu quả.

Ngược lại, Kupyansk là một ví dụ thành công về việc quân đội Nga đang thực hiện chiến lược “trong phòng thủ có tấn công”, “vừa phòng thủ vừa tấn công”, hay nói cách khác là vừa chủ động tấn công các mục tiêu cần tấn công, vừa phòng ngự chủ động ở các địa điểm cần tiêu hao sinh lực đối phương.

Các tướng lĩnh Ukraine coi cuộc tấn công của Nga ở Kupyansk của Kharkov là một phần của chiến dịch phòng thủ vùng Zaporozhye, dưới hình thức tấn công nghi binh, nhằm ngăn chặn Kiev tập trung binh lực vào mũi tấn công phía nam mở đường tới biển Azov.

Tuy nhiên, các nguồn tin thông tin mở trên mạng xã hội đang rầm rộ phát đi thông tin rằng Moscow đã tập trung khoảng một nửa lực lượng ở khu vực tác chiến phía bắc (Thuộc Quân khu phía Tây của Nga), đối diện với ở hướng tấn công chính của “Nhóm quân phía Đông” của Ukraine.

Sự tập trung binh lực lớn như vậy cho thấy ý định nghiêm túc của Nga về một cuộc tấn công thực sự chứ không phải là một cuộc tấn công nhằm phân tán binh lực của Ukraine theo kiểu “Vây Ngụy cứu Triệu”.

Tập trung phòng thủ làm kẻ địch kiệt sức

Lưu tâm đến những thất bại trong quá khứ ở Kharkov, bộ chỉ huy của Nga đã chú trọng việc xây dựng các hệ thống lô cốt, hầm hào, công sự đáng tin cậy và có chiều sâu.

Việc tích cực sử dụng mìn là điều kiện phòng thủ lí tưởng với hệ thống rải mìn tầm xa phóng bằng các cụm rocket.

Điều này giúp quân Nga có thể triển khai nhanh chóng và an toàn một bãi mìn nhất định trong thời gian ngắn, hoặc sắp xếp cả những điều bất ngờ, khi gài mìn cả trong các chiến hào giả được chuẩn bị đặc biệt.

Mục đích của phòng thủ theo lớp là ngăn chặn và tiêu diệt phương tiện thiết giáp và nhân lực địch. Ngay cả khi họ vượt qua được các bãi mìn, hào chống tăng và các chướng ngại vật như tuyến bê tông răng rồng... thì họ vẫn phải hứng chịu hỏa lực có chủ đích từ tuyến thứ hai, thứ ba.

Các đơn vị pháo binh của Nga nổi bật bởi tính cơ động, khả năng phát hiện chính xác các mục tiêu mới, tái thiết lập và thực hiện các cuộc tấn công trong vài phút.

Về vấn đề này, nổi bật là các “chuyên gia pháo binh” của Quân đoàn 1 Donetsk và Quân đoàn Lugansk-Severodonetsk số 2, bao gồm chủ yếu là dân quân Donbass trước đây.

Nhờ kinh nghiệm quân sự và khả năng chỉ huy tài giỏi, họ thường hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn những người lính hợp đồng.

Ngay cả sự không may đến từ sự ra đi của nhóm quân sự tư nhân Wagner đã tước đi khả năng phòng thủ/tấn công của 20 nghìn chiến binh có kinh nghiệm, nhưng Nga cũng có đầy đủ lực lượng thay thế.

Giới chuyên gia Nga cho rằng, hiện nay, cuộc chiến tranh tiêu hao vẫn là con đường duy nhất dẫn đến chiến thắng. Trọng tâm của Moscow là làm suy yếu niềm tin cuồng tín của Kiev và đồng minh phương Tây vào thành công của chiến dịch phản công được triển khai từ đầu tháng 6.

Và đã có sự hiểu biết đúng đắn về những gì đang xảy ra và sự tất yếu trong kết cục của cuộc chiến. Thống đốc Kharkov Oleg Sinegubov đã thừa nhận rằng, quân Nga vẫn chưa từ bỏ kế hoạch chiếm toàn bộ khu vực này và có lẽ trận đánh vào thành phố Kupyansk chỉ là sự khởi đầu.

Vị quan chức Ukraine này không hề đơn độc trong nhận định của mình mà đã nhận được sự tán đồng của các chuyên gia quân sự Nga.

Chuyên gia Alexander Khodakovsky khẳng định rằng, Moscow không thể thắng nhờ phòng thủ, nhưng khi cần thì phải thủ thế, tạm nhường thế chủ động cho Kiev để câu giờ, đồng thời làm cho Lực lượng Ukraine bị kiệt sức và chuyển hóa tình hình dần dần nghiêng về phía có lợi cho Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.