Khi mức sinh là chuyện tồn vong dân tộc

GD&TĐ - Công tác dân số không phải chỉ là sự cố gắng của một mình ngành y tế mà là sự nỗ lực của toàn xã hội.

Năm 2023, điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy, Việt Nam có mức sinh 1,9 con/phụ nữ. Ảnh minh họa.
Năm 2023, điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy, Việt Nam có mức sinh 1,9 con/phụ nữ. Ảnh minh họa.

Con người vừa là đối tượng vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý ở Việt Nam luôn có mối quan tâm đến quy mô, cơ cấu dân số ở hiện tại cũng như tương lai để xây dựng kế hoạch phát triển đất nước dài hạn.

Tuy nhiên, công tác dân số không phải chỉ là sự cố gắng của các nhà quản lý mà còn là sự nỗ lực của toàn xã hội. Một thiên sứ, khi đã đến với thế giới này, đó không những là sự kết tinh tình cảm của 2 người: nam và nữ, mà còn là sự tác động rất thực tế của lao động, việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, cội nguồn văn hóa, giá trị sống…

Do đó, có thể thấy, nếu không có một quyết tâm chính trị, không có sự phối hợp của các ngành các cấp, không có sự đầu tư bền bỉ, đủ lực, không có sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân thì chúng ta rất rất khó thành công.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ các nước có mức sinh thấp hiện nay trên thế giới cho thấy: họ rất thấm chuyện mức sinh là chuyện nội lực phát triển, là chuyện tồn vong của cả dân tộc, và họ đã đầu tư rất nhiều tiền, tiềm lực khoa học cực lớn, áp lực xã hội, áp lực chính trị rất nặng nề… nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi lên.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có lẽ là họ đã đi quá thời điểm, ở một số nước với mức sinh giảm dưới 1,8 con/phụ nữ là đã khó, còn với mức sinh dưới 1,5 con/phụ nữ thì có thể nói là… chịu thua. Hiệu quả chỉ có thể đạt được khi có nhận thức đúng, có giải pháp đúng và đúng thời điểm.

Việt Nam đã có hơn 15 năm đạt mức sinh thay thế. Năm 2023 vừa rồi, điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy, mức sinh hiện chỉ còn đạt 1,9 con/phụ nữ. Con số đó, thật đáng suy nghĩ.

Vùng Đông Nam bộ mức sinh chỉ còn đạt 1,47 con/phụ nữ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mức sinh chỉ đạt 1.54 con/phụ nữ, đó là điều rất đáng lo ngại nếu nhìn nhận ở tính xu hướng của vấn đề.

Về mặt khoa học xã hội mà nói, chúng ta đều thấy trên thực tế, các giá trị về hôn nhân, gia đình cũng đang có những thay đổi, từ chỗ không chấp nhận các hiện tượng LGBT, có con trước kết hôn, mẹ đơn thân, sống độc thân… đã đến chỗ xã hội bước đầu chấp nhận, và rồi mọi người sẽ thấy việc đó là bình thường.

Mỗi một giá trị sống đều có gốc rễ vật chất của nó, có giá trị cũ, có giá trị mới nảy sinh từ quá trình phát triển, có giá trị ngoại lai… và khi một giá trị đã bắt rễ sâu trong cuộc sống thì cũng sẽ rất khó thay đổi. Vấn đề cần được nhìn nhận xa hơn để có can thiệp đúng lúc, đúng cách.

Vậy để giải quyết vấn đề này thì cần làm thế nào? Đó là câu hỏi mà thế giới cũng chưa nước nào xử lý được. Nhưng nếu vì thế mà không làm gì cả thì thật đáng trách.

Có một lần, trong một buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó Thủ tướng, một người rất trăn trở với sự phát triển dân số, có nói đại ý thế này: Nhân dân ta có một giá trị rất quý: Đó là tình yêu nước nồng nàn, nếu những người yêu nước được thức tỉnh và hiểu rõ vận mệnh của đất nước, họ sẽ có ý thức hơn trong hạnh phúc của họ và tương lai của đất nước.

Suy nghĩ của chính khách, có lẽ là sự thấm nhuần và phát triển từ tư tưởng của Bác khi nói với chúng ta rằng: phải dựa vào dân.

Có lẽ, cái khó nhất nhưng cũng là cái căn cơ bền vững nhất là thức tỉnh xã hội. Thức tỉnh xã hội sẽ không chỉ là lời nói suông, mà còn phải có công cụ thúc đẩy để hiện thực hóa mong muốn đó.

Công tác dân số đã thực hiện và đã thành công ở giai đoạn 50 năm đã qua. Ở giai đoạn này, mục tiêu đặt ra là rất thách thức, nhưng cơ hội để thành công vẫn còn mở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ