Các trường đại học Nhật Bản đang tụt thứ bậc trong bảng xếp hạng các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới, trong đó nhiều trường gặp khó khăn trong việc duy trì tài trợ cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, ngày càng ít sinh viên quốc tế chọn học tập tại Nhật Bản, số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng giảm.
Theo nhiều chuyên gia, các trường đại học Nhật Bản có thể bị Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore vượt qua. Danh tiếng của các trường đại học Nhật Bản trên bảng xếp hạng thế giới cũng rất đáng lo ngại, có khả năng thu hẹp tiềm năng thu hút sinh viên quốc tế.
Hồi tháng 7, tổ chức Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học hàng đầu năm năm 2023 nhưng chỉ 2 cơ sở của Nhật Bản lọt vào danh sách này. Trong đó, Đại học Tokyo xếp thứ 39, giảm từ vị trí 35 vào năm 2022 còn Đại học Tokyo tụt từ vị trí 61 xuống 68.
Kết quả này đi ngược với sự kỳ vọng của Chính phủ Nhật Bản. Năm 2013, nước này đặt mục tiêu có ít nhất 10 trường đại học lọt tốp 100 trường thế giới trong thập kỷ tới.
Ông Yakov Zinberg, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Kokushikan Tokyo, nhìn nhận: “Sự tụt hạng bắt nguồn từ những cải cách của Bộ Giáo dục Nhật Bản cách đây 30 năm. Các trường đại học quốc gia hiện nay đã thay đổi thành các tổ chức độc lập nên họ phải duy trì sự ổn định tài chính”.
Theo ông Yakow, khi sự hỗ trợ của chính phủ cả về tài chính và nguồn lực cạn kiệt, giảng viên các trường đại học phải tìm cách duy trì nguồn ngân sách thay vì tập trung cho nghiên cứu hay viết bài báo khoa học. Điều này khiến chất lượng đào tạo giảm sút.
Về phía các trường cũng tích cực thu hút sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên Trung Quốc vì đây là nhóm sinh viên quốc tế tiềm năng. Tuy nhiên, khi thứ hạng của Nhật Bản giảm còn chất lượng đào tạo của Trung Quốc tăng lên, việc thu hút sinh viên quốc tế đã trở thành thách thức lớn.
Đồng tình với quan điểm trên, GS Yoko Tsukamoto, Đại học Khoa học Y tế Hokkaido, cho rằng tình trạng thiếu kinh phí cho nghiên cứu ở Nhật Bản trái ngược hoàn toàn với các ưu đãi tài chính dành cho nhân tài ở các quốc gia khác.
Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, các học giả không thể theo đuổi nghiên cứu tại Nhật Bản và có thể tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nơi khác, từ đó dẫn đến chất lượng đào tạo trong nước giảm, số lượng trường có khả năng cạnh tranh quốc tế giảm. Và rồi số lượng sinh viên nước ngoài đến Nhật cũng giảm, càng khoét sâu vào vấn đề tài chính của các cơ sở giáo dục.
“Vấn đề trên thực sự đáng lo ngại vì nếu chất lượng giáo dục giảm, chất lượng của lực lượng lao động quốc gia trong tương lai cũng trượt dài”, bà Yoko cho hay.
Ước tính, Nhật Bản có 780 trường đại học, cao đẳng và dạy nghề với 2,93 triệu sinh viên theo học tính đến năm 2022. Số lượng sinh viên hầu như không thay đổi trong thập kỷ qua nhưng nhiều khả năng con số này sẽ giảm trong tương lai gần. Dự đoán này được đưa ra trong bối cảnh khoảng 2,05 triệu thanh niên 18 tuổi ở Nhật Bản vào năm 1992 nhưng giảm còn 1,12 triệu vào năm 2022.
Bình luận