Khi khán giả trở thành… “nhà sản xuất”

GD&TĐ - Với mong muốn mang đến cho khán giả Việt cơ hội được thưởng thức một trong những chương trình truyền hình thực tế rất hấp dẫn tại xứ kim chi, tvBlue đã chính thức phát sóng Produce 101 vào 20 giờ 30 Chủ nhật hàng tuần, kể từ tháng 7/2017. Sau hơn 2 tháng, chương trình đang dần khẳng định sức hút, nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, nhất là với giới trẻ.

Khi khán giả trở thành… “nhà sản xuất”

Khẳng định thương hiệu

TvBlue là kênh truyền hình mới thuộc đơn vị chủ quản CJ E&M của Hàn Quốc. Hiện tvBlue được phát sóng thông qua việc thuê kênh VTC5 của Việt Nam. “Produce 101” là chương trình truyền hình thực tế đang tạo tiếng vang của xứ kim chi, được phát sóng lần đầu trên kênh truyền hình Mnet trong năm 2016. Đây là chương trình tìm kiếm và đào tạo các thần tượng trẻ, nhằm thành lập một nhóm nhạc gồm 11 thành viên từ 101 thực tập sinh đến từ nhiều công ty giải trí hàng đầu khác nhau của Hàn Quốc.

Trong chương trình, khán giả sẽ trở thành “nhà sản xuất” và trực tiếp chọn ra những thành viên được ra mắt sau khi “Produce 101” kết thúc, cũng như tên nhóm, dự án, bài hát đầu tay sẽ phát hành… Chương trình cũng giúp định hướng phong cách cho nhóm, xây dựng và mang đến cho công chúng hình ảnh nhóm nhạc “hoàn hảo” bằng chính sự quyết định từ khán giả và sự huấn luyện của các nghệ sĩ tài danh.

Có vẻ càng nổi tiếng thì “Produce 101” càng gặp nhiều vận xui. Còn nhớ hồi tháng 5/2017, Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (Korea Communications Standards Commission - KOSC) đã phải tuyên bố rằng, họ sẽ xem xét và đánh giá lại tập thứ 5 của “Produce 101” mùa 2. Lý do là bởi “Produce 101” đã cho phát sóng một phân đoạn, nơi các thực tập sinh phải đưa ra phản hồi cho những bình luận có liên quan đến bản thân mình. Các thí sinh phải trò chuyện về rất nhiều vấn đề được khán giả quan tâm, theo cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Nhiều thực tập sinh còn phải nhắc đến chuyện họ mọc râu như thế nào, khóc bao nhiêu lần, hay thậm chí là “bà tám” ra sao...

Khi khán giả… “vào cuộc”

Vào lúc tập phim nói trên được phát sóng, rất nhiều khán giả đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên bởi họ không thể tin được rằng một nhà đài lớn như Mnet lại quyết định trình chiếu những bình luận gây tranh cãi nghiêm trọng đến thế. Quan trọng hơn, những bình luận này lại sử dụng ngôn ngữ không hề phù hợp để phát sóng trên truyền hình. Chính vì thế, sau khi tập 5 lên sóng, đông đảo khán giả đã quyết định gửi báo cáo đến KOSC. Sau khi nhận được một số lượng đơn phản ánh đáng kinh ngạc, KOSC đã quyết định sẽ đánh giá lại chương trình vào ngày 24/5. Việc đánh giá này dựa theo Chương 21, Điều 3 của Quy chế xét duyệt phát sóng về việc bảo vệ quyền lợi nhân vật khi lên sóng.

Cùng với sức nóng ngùn ngụt từ “Produce 101”, có ý kiến cho rằng, khi các chương trình mang tính chất cạnh tranh “sống còn” nhằm tìm kiếm gương mặt triển vọng của Kpop đã khiến khán giả xứ kim chi “bội thực” thì nhà sản xuất mới tìm cánh “phủ sóng” tại nước ngoài. Trên các trang mạng xã hội, nhiều khán giả cho biết họ đã bắt đầu bỏ việc theo dõi các chương trình “sống còn”.

Bên cạnh đó, dư luận cũng chỉ trích các chương trình này không tập trung vào chất lượng và tài năng của thí sinh mà chỉ cài cắm các chiêu trò hút khách. Nội dung không có gì đổi mới và sáng tạo, chỉ chọn cách “bình mới rượu cũ” để nhanh chóng lên sóng và thu lợi. Đây cũng là ý kiến mà khán giả Việt nên tham khảo trước khi “đắm đuối” với những món ăn mới lạ trên truyền hình.

“Hàn Quốc chỉ có chưa đầy 51 triệu dân, các thực tập sinh và nhóm nhạc xuất hiện nhiều đến nỗi không biết bao nhiêu phần trăm dân số đang cố gắng trở thành ca sĩ thần tượng”, một cư dân mạng viết khi nhận xét về chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.