Mỗi năm 40 ngày có chồng
Đón chúng tôi trong căn nhà mới khá khang trang ở xã biên giới Thanh Hưng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), là một cô giáo có dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh, nhưng lại toát lên vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn và hết sức cởi mở.
Chị là Trần Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Anh Hoàng Quốc Việt – chồng chị, hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lói. Mang tiếng 2 vợ chồng công tác cùng huyện nhưng đơn vị anh đóng quân cách nhà gần 100km.
“Cả 2 vợ chồng tôi đều từ quê Thanh Hóa lên Điện Biên công tác. Sau hơn chục năm tích cóp mới mua được mảnh đất làm nhà. Năm 2019 khởi công, anh về được 1 ngày, thợ xây còn chưa biết mặt. Đến khi hoàn tất, anh cũng về phụ vợ được đúng 1 ngày thì dịch bùng phát. Nhận nhiệm vụ mới, anh đi biền biệt từ đó. Hàng xóm nhiều người nghĩ, hay là tôi không có chồng?!” – chị Thủy tâm sự.
Nghe những lời dị nghị, hoài nghi của xóm giềng, chị Thủy chỉ biết ngậm ngùi “nuốt” nước mắt vào trong, để căn nhà vốn đã trống trải không thêm phần ảm đạm. “Chuyện anh không có mặt ở nhà, kể cả trong những dịp quan trọng như thế với vợ lính là bình thường. Nên chẳng thể vì thế mà để ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái cũng như công việc” – chị Thủy nói.
Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, anh Việt được phân công tăng cường đóng chốt sát biên giới Lào. Giao thông cách trở, nhiệm vụ chống dịch căng thẳng đã đành, biên giới lại không có sóng điện thoại khiến anh và gia đình gần như “mất liên lạc”.
“Khổ nhất là những lúc cần không thể gọi được cho anh. 2 đứa con lo lắng, nhắc bố suốt khiến tôi cũng sốt ruột. Có vài lần hiếm hoi anh gọi được về, nhưng nghe giọng thở dốc mệt mỏi, tôi có hỏi thì anh bảo phải leo ngược quả đồi mới hứng được sóng. Biết vậy, nên mỗi lần thấy cuộc gọi của chồng, dù bận mấy tôi cũng phải gác lại để nghe” – chị Thủy trải lòng.
Trở thành vợ lính được gần 6 năm, cô giáo Nguyễn Thị Dung (công tác tại Trường THPT Búng Lao, huyện Mường Ảng, Điện Biên) thời gian ở bên chồng cũng chỉ đếm được bằng ngày.
“Một năm có 365 ngày, nếu thuận lợi, anh sẽ có khoảng 40 ngày phép về với vợ con. Những ngày đó tôi mới thực sự là có chồng. Nhưng từ năm ngoái đến nay tình hình dịch bệnh phức tạp, anh tăng cường chống dịch ở biên giới nên gần như chẳng được về” – chị Dung cho hay.
Chị Dung kể, anh chị yêu nhau từ thời học phổ thông. Rồi vì tình yêu, năm 2016 anh lên Điện Biên công tác cho gần chị. Sau vài tháng thì anh chị làm đám cưới. Gia đình ở dưới quê cứ nghĩ lên đây là được ở gần nhau. Nhưng đâu biết, thực tế suốt gần 6 năm qua chồng chị - Đại úy Nguyễn Văn Sơn (Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) đều công tác tại các đồn xa nhà vài trăm cây số. Chị Dung ở nhờ tập thể nhà trường, sống cảnh như “không chồng”.
“Cả 2 cháu, thời gian đầu tôi sinh đều vắng anh. Thế nên khi anh về thăm không đứa nào nhận bố. Tôi biết, anh chạnh lòng lắm, nhưng làm mẹ tôi còn xót xa hơn. Đứa nào cũng vậy, tôi cứ nhắc bố suốt, phải đến tầm 2 tuổi các cháu mới biết nhận bố” – chị Dung chia sẻ.
Vắng chồng vốn đã buồn tủi, nhưng không ít lần chị Dung phải chạnh lòng khi nghe người này, người kia nói chị không có chồng. Rồi có người biết lại bảo chị tham lấy bộ đội lương cao… “Mỗi lần nghe thế tôi chỉ im lặng vì chẳng biết nói gì. Nhưng kì thực, nào ai trong số họ ở trong hoàn cảnh ấy để mà thấu?!” – chị Dung xót xa.
Vai gầy trọn “gánh” lo toan
Ngót chục năm nên nghĩa vợ chồng, nhưng cô giáo Trần Thị Thủy luôn là người tự quyết và tự làm mọi việc trong gia đình. Thời gian đầu mới cưới, cô Thủy giảng dạy tại 1 điểm trường ở xã Mường Đun (huyện Tủa chùa, tỉnh Điện Biên). Chồng lại công tác ở biên giới tỉnh Lai Châu.
Có bầu con trai đầu, vì đường đi lại bấy giờ quá khó khăn, cách trở, lo gặp chuyện chẳng lành, nên anh bảo chị xin nghỉ sớm về quê ngoại sinh. Được 4 tháng, chị Thủy cùng bà ngoại bồng bế con lên trường.
“Ở cùng vài tháng, chứng kiến cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhiều lúc rắn bò cả vào nhà, bà ngoại sợ quá nên bảo tôi bỏ việc. Thực tình thì giáo viên ngày đó vô cùng vất vả, nhưng tôi không bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề” – chị Thủy nói.
Thế là, con được tròn 14 tháng, chị cho về quê ở với bà ngoại. Đến khi cháu được 4 tuổi, cứng cáp hơn thì chị về đón lên ở cùng. Nhưng vì xa mẹ lâu, ban đầu cu cậu nhất quyết không nhận mẹ. Chị Thủy tủi thân khóc lên khóc xuống.
Giai đoạn đầu gian khó cứ thế trôi qua trong cảnh anh chị mỗi người một nơi. Xa nhau đằng đẵng, điện thoại liên lạc cũng không có. Năm 2010, anh chị cùng xin được chuyển về Điện Biên công tác. Tưởng rằng sẽ gần nhau, nào ngờ anh vẫn đi biền biệt khắp các đồn trên tuyến biên giới. Rồi con thứ 2 ra đời, mọi công việc, lo toan cuộc sống thường ngày, từ sửa đường nước, thay bóng điện… đến cơm nước, chăm sóc con cái… một tay chị lo liệu.
Với phụ nữ bình thường, có lẽ một ngày sẽ kết thúc khi các con đã yên giấc. Nhưng với chị thì chưa bao giờ thế. Mỗi ngày, khi đã tạm gác trách nhiệm làm mẹ, chị lại ngồi bên trang giáo án, soạn bài. Nhiều lúc chị chỉ ước, giá một ngày nhiều hơn 24 giờ…
Còn với cô giáo Nguyễn Thị Dung, cho đến giờ vẫn không thể quên thời điểm đầu năm 2020, khi cả 3 mẹ con cùng đón Tết trong viện.
“Năm đó anh bắt đầu bước vào cuộc chiến chống dịch trên các tuyến biên giới. Tôi về ngoại sinh cháu thứ 2. Đúng 26 Tết thì cháu nhỏ bị viêm phổi, mẹ con bồng bế nhau nhập viện. Được vài bữa đứa lớn cũng vào theo vì bị viêm
amidan. Ông bà già, ốm không có người chăm. Tôi có gọi điện thì anh nói không về được. Lúc ấy chỉ biết khóc” – chị Dung bộc bạch.
Chị Dung kể, thời gian đó chị gần như mắc chứng trầm cảm do một mình đối mặt với mọi thử thách, áp lực của cuộc sống, gia đình, lại mới sinh con. Nhìn những người vợ khác có chồng bên cạnh, sẻ chia, chị đã từng thoáng suy nghĩ hối hận vì đã lấy anh. Nhưng rồi, khi mọi chuyện qua đi, nghĩ về anh nơi tuyến đầu, chị lại tự trách bản thân và thương chồng nhiều hơn.
“Tết năm vừa rồi, các đồn biên phòng trực 100% quân số, anh không về được nên tôi đã quyết định đưa cả 2 con lên đơn vị ăn Tết cùng bố. Cả hành trình gần 200 cây số thì 1/3 là đường xấu, xóc lên xóc xuống. Lúc xe đến cổng đồn, nhìn cuộc sống của anh, tôi đã không cầm được nước mắt. Nghĩ mỗi lần anh về thăm vợ con, vất vả, đáng quý biết nhường nào?!” – chị Dung chia sẻ.
Cũng là vợ lính Biên phòng, từ nhiều năm nay, chị Lưu Thị Dương, giáo viên Trường Mầm non xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) lại phải thay chồng “làm bố” của 2 con, trong đó có một cháu thường xuyên sống chung với bệnh tật. Chồng chị là Trung úy Tẩn Chỉn Quang, công tác ở Đồn Biên phòng Huổi Luông (Lai Châu).
Vợ chồng chị Dương sinh được 2 cháu, nhưng cháu lớn 7 tuổi bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ nhỏ nên không tự đi lại được, trí não chậm phát triển. Nỗi vất vả cảnh làm mẹ của chị Dương thêm bội phần khi chồng chị thường xuyên công tác xa nhà.
Sau giờ lên lớp mỗi ngày, chị Dương lại tất tả về nhà chăm con. Từ tắm gội, vệ sinh, ăn uống, đi lại, thậm chí mỗi giấc ngủ con đều đòi mẹ phải tận tay chăm sóc. Rồi đều đặn hàng tháng, chị bồng bế con vượt 60km đường núi về Bệnh viện tỉnh Lai Châu để điều trị.
Trước kia, chồng chị thỉnh thoảng còn được tranh thủ về thăm và sẻ chia cùng vợ. Từ khi anh lên chốt phòng, chống dịch, vợ chồng chỉ biết động viên nhau qua điện thoại.
“Nhiều lúc cũng thấy cực lắm. Nhưng bù lại, lính rất tình cảm và chung thủy. Cũng như bao người vợ lính khác, tôi phải vững vàng, gia đình bình an, thì anh mới yên tâm nơi tuyến đầu”, cô Dương tâm sự.